MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tới nay, Ukraina vẫn chưa là thành viên của NATO. Ảnh: Website NATO

Tại sao Ukraina vẫn chưa là thành viên NATO?

Thanh Hà LDO | 01/03/2022 19:30
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang nhận được sự chú ý khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraina. 

Kể từ khi Nga phát động hành động quân sự ở Ukraina, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã lên tiếng về mong muốn trở thành thành viên NATO.

Theo Insider, khi cuộc khủng hoảng Nga-Ukraina leo thang, xu hướng ủng hộ NATO cũng đang lan rộng sang các nước không phải thành viên khác.

Phần Lan và Thụy Điển, 2 trong số những quốc gia trung lập nổi tiếng nhất Châu Âu, đã tham gia hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của NATO vào tuần trước, báo hiệu mối quan tâm mới về khả năng gia nhập liên minh. 

Ảnh: Website NATO

NATO là gì?

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là liên minh quân sự được thành lập năm 1949. NATO đóng vai trò như một hệ thống an ninh tập thể, trong đó các quốc gia thành viên đồng ý bảo vệ lẫn nhau trước bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào một nước thành viên. Cam kết này được ghi trong điều khoản nổi tiếng nhất của hiệp ước - Điều 5. 

NATO có 12 thành viên khi thành lập nhưng đã tăng gấp đôi quy mô trong những thập kỷ sau đó. Liên minh hiện tại gồm 2 quốc gia ở Bắc Mỹ và 28 quốc gia Châu Âu, bao gồm một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ.

Điều kiện để trở thành thành viên của NATO là gì? 

NATO áp dụng "chính sách mở cửa" cho các nước muốn là thành viên của khối. "Bất kỳ quốc gia Châu Âu nào ở lập trường tiếp tục áp dụng các nguyên tắc của Hiệp ước Washington và đóng góp vào an ninh ở khu vực Châu Âu - Đại Tây Dương đều có thể trở thành thành viên của liên minh theo lời mời của Hội đồng Bắc Đại Tây Dương", theo trang web của NATO.

Do đó, bất kỳ quốc gia Châu Âu nào quyết định độc lập theo đuổi tư cách thành viên NATO đều có thể tiến hành. Tuy nhiên, quốc gia muốn gia nhập NATO phải đáp ứng các tiêu chuẩn chính trị, kinh tế và quân sự nhất định.

Ngày 25.2, lần đầu tiên trong lịch sử, NATO kích hoạt các thành phần của Lực lượng Phản ứng NATO (NATO Response Force-NRF) gồm 40.000 quân trong bối cảnh khủng hoảng Nga-Ukraina. Ảnh: Website NATO

Dù không có danh sách yêu cầu chính thức cho tư cách thành viên, liên minh vẫn duy trì một danh sách các yêu cầu tối thiểu mà các quốc gia muốn gia nhập khối phải có năng lực đáp ứng gồm: 

Các thành viên mới phải đề cao dân chủ, bao gồm cả việc chấp nhận sự đa dạng.

Các thành viên mới phải tiến bộ theo hướng kinh tế thị trường.

Lực lượng quân sự của các thành viên phải nằm dưới sự kiểm soát dân sự vững chắc.

Phải là láng giềng tốt và tôn trọng chủ quyền ngoài biên giới của nước đó. 

Phải cải tổ để tương thích với các lực lượng NATO.

Theo trang web của NATO, khi một quốc gia bày tỏ mong muốn tham gia liên minh, NATO có thể mời quốc gia đó tham gia Kế hoạch Hành động Thành viên (Membership Action Plan) - chương trình giúp các quốc gia chuẩn bị cho việc trở thành thành viên NATO trong tương lai dù sự tham gia chương trình này không đảm bảo tư cách thành viên.

Tại sao Ukraina vẫn chưa là thành viên của NATO?

Ukraina đã bày tỏ mong muốn gia nhập NATO nhưng chưa bao giờ được chính thức kết nạp. Tuy nhiên, liên minh 30 nước đã chỉ định quốc gia thuộc Liên Xô cũ là một trong những “Đối tác cơ hội nâng cao". Chương trình này được áp dụng cho các quốc gia không phải là thành viên đã đóng góp vào các hoạt động và sứ mệnh do NATO dẫn đầu.

Năm 2008, Ukraina đã nộp đơn xin tham gia Kế hoạch Hành động Thành viên và NATO hoan nghênh nỗ lực của Ukraina cũng như cam kết Kiev cuối cùng sẽ trở thành thành viên của khối nhưng từ chối nêu mốc thời gian cụ thể. 

Ukraina đã bày tỏ mong muốn gia nhập NATO nhiều năm nhưng chưa được chính thức gia nhập. Ảnh: Website NATO

Khi ông Viktor Yanukovych được bầu làm Tổng thống Ukraina năm 2010, kế hoạch tiến tới trở thành thành viên NATO bị hủy bỏ do ông Yanukovych mong muốn không liên kết. Tuy nhiên, ông đã rời khỏi đất nước tháng 2.2014. 

Kể từ thời điểm đó, Ukraina và các nhà lãnh đạo nước này tiếp tục ưu tiên gia nhập NATO và sự ủng hộ của công chúng với tư cách thành viên của khối tăng đều đặn trong những năm qua.

Tuy nhiên, tình trạng bất ổn đang diễn ra ở các vùng của Ukraina từ trước cả khi Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraina năm 2022 khiến một số thành viên NATO - như Pháp và Đức, hai quốc gia trước đây phản đối việc để Ukraina gia nhập - khiến việc Ukraina gia nhập vẫn chưa thành hiện thực.

Chính trị cũng đóng vai trò quan trọng. Trong nhiều năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin luôn tìm kiếm sự đảm bảo Ukraina sẽ không bao giờ gia nhập NATO, trong đó nhấn mạnh mối quan ngại về sự mở rộng về phía đông của liên minh là mối đe dọa trực tiếp với Nga. Do đó, một số thành viên NATO vẫn kiên quyết phản đối việc Ukraina gia nhập. 

Trong khi đó, một quốc gia mới chỉ có thể được gia nhập NATO khi các thành viên đồng thuận chấp thuận. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn