MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe tải chở đầy nho mới hái tại một vườn nho nhỏ ở thành phố Koshu, tỉnh Yamanashi, Nhật Bản, tháng 9.2022. Ảnh: AFP

Tài xế ở Nhật Bản bị hạn chế làm thêm và hệ lụy với nền kinh tế

Thảo Phương LDO | 08/04/2023 20:00

Từ năm 2024, Nhật Bản sẽ giới hạn giờ làm thêm của tài xế xe tải, điều này làm dấy lên lo ngại về sự sụp đổ của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới.

Trong 2 thập kỷ qua, tài xế Yuichi Tomita thường xuyên lái xe liên tục trong 40 giờ đồng hồ để kịp giao hàng trên khắp Nhật Bản. Dù công việc có nhiều khó khăn và áp lực nhưng đến tận bây giờ, Tomita luôn coi trách nhiệm giao hàng là niềm tự hào và chưa bao giờ có ý định từ bỏ.

Từ ngày 1.4.2024, chính phủ Nhật Bản sẽ giới hạn số giờ làm thêm hàng năm của tài xế xe tải ở mức 960 giờ. Theo các nhà chức trách, cải cách được đưa ra nhằm mục đích cải thiện điều kiện làm việc của công việc nổi tiếng là mệt mỏi và khiến nó trở nên hấp dẫn hơn.

Những tài xế như Tomita cho rằng, điều luật mới của chính phủ sẽ gây khó khăn cho người lái xe bởi hầu hết họ cần thêm giờ để trả các hóa đơn trang trải cuộc sống.

Những người trong ngành kinh doanh và bán lẻ cũng lo sợ về giả thuyết cho cuộc khủng hoảng năm 2024 khi chính phủ giới hạn giờ làm thêm của tài xế. Theo ước tính, nếu tình trạng thiếu tài xế kéo dài, 1/3 số hàng hoá không được vận chuyển có khả năng dẫn đến thiệt hại lên đến 10.000 tỉ yen (76 tỉ USD) vào năm 2030.

“Tôi đã làm công việc này được 20 năm và chắc chắn rằng không tài xế nào có thể đảm bảo đủ chi tiêu nếu chỉ nhận mức lương cơ bản. Tôi nghĩ rằng cuộc khủng hoảng này sẽ đe dọa nền kinh tế Nhật Bản và các gia đình như chúng tôi” - Tomita chia sẻ.

Mỗi năm, các tài xế xe tải kiếm được trung bình 4,46 triệu yen (khoảng 34.000 USD). Trong đó, khoảng 10% người lái xe có mức lương dưới trung bình đối với tất cả các ngành mặc dù giờ làm việc nhiều hơn 20%.

Công ty tư vấn toàn cầu Roland Berger dự báo số lượng tài xế xe tải Nhật Bản sẽ giảm 20% tính đến năm 2030. Điều đó có khả năng sẽ tạo ra hiệu ứng domino đối với nông dân, cửa hàng và những khách hàng đã quen với việc giao cá tươi và sản phẩm mới thu hoạch vào ngày hôm sau.

“Nói một cách đơn giản, người dân Tokyo sẽ không có cách nào để mua rau hoặc cá tươi từ Kyushu (miền nam Nhật Bản) và các vùng xa xôi khác. Điều đó có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng và các lĩnh vực khác” - Masashi Onozuka, một đối tác của công ty tư vấn cho biết.

Khoảng 98% trong số 62.000 công ty vận tải đường bộ của Nhật Bản chịu trách nhiệm vận chuyển hàng hóa của là những công ty nhỏ. Cạnh tranh khốc liệt và giá nhiên liệu tăng cao đồng nghĩa với việc tài xế xe tải cũng bị chèn ép bất chấp tình trạng thiếu lao động trầm trọng.

Nhấn mạnh những khó khăn mà các công ty vận tải nhỏ phải đối mặt, Ủy ban Thương mại đã công bố 13 công ty mà họ cho rằng đã lạm dụng khả năng thương lượng để từ chối yêu cầu tăng giá từ các nhà thầu và nhà cung cấp nhỏ hơn. 

Thủ tướng Fumio Kishida tháng trước đã chỉ đạo nội các đưa ra các biện pháp quyết liệt trước tháng 6.2023 để giải quyết cuộc khủng hoảng. Một làn đường cao tốc dài 100 km nối Tokyo và Nagoya dành riêng cho xe tải và một tuyến bay cho máy bay không người lái giao hàng đã được lên kế hoạch trong năm tới.

Nông dân và những người bán buôn cá từ Kyushu đến đảo Hokkaido lo sợ cho sinh kế của họ và nền kinh tế địa phương nếu không có đủ tài xế.

“Nếu cá không được giao kịp thời, chúng sẽ mất độ tươi khi bán ra vào ngày hôm sau, điều đó khiến ngư dân mất một khoản tiền đáng kể. Bên cạnh đó, một khi người tiêu dùng bắt đầu nhận thấy chất lượng giảm, họ sẽ ngừng mua hoặc phàn nàn rất nhiều”, Masaaki Iwamori - một quan chức của Hợp tác xã Ehime Fishers - chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn