MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khung cảnh ở Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: Xinhua

Tăng trưởng kinh tế châu Á: Trời trong xanh với khả năng có mây

Thanh Hà LDO | 26/02/2023 10:48

Nadhra Fauzi - chủ doanh nghiệp thương mại điện tử TresGo tại Subang Jaya, Malaysia - đã có một năm kinh doanh tốt đẹp, bội thu trong các lễ hội mua sắm trực tuyến lớn của năm ngoái.

Đỉnh lạm phát và đáy tăng trưởng

2022 cũng thực sự là năm thành công rực rỡ với lĩnh vực bán lẻ của Malaysia. Các khoản trợ cấp bằng tiền mặt đã thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng cho mọi thứ, từ ôtô, quần áo đến giải trí, thúc đẩy mức tăng trưởng tốt hơn dự kiến là 8,7% - mức cao nhất trong 22 năm.

Tuy nhiên, xem xét kỹ hơn, các con số cho thấy tăng trưởng đang chậm lại - từ mức cao 14% trong quý 2 năm ngoái xuống còn 7% trong quý cuối cùng - do xu hướng “chi tiêu trả thù” và sự hưng phấn đầu tư trong thời kỳ mở cửa hậu khủng hoảng của châu Á dần hụt hơi. 

Giờ đây, lãi suất tăng, suy thoái đe doạ các thị trường phương Tây và dư chấn kinh tế sau 1 năm xung đột Nga - Ukraina đã tạo ra nhiều tình trạng im lặng hơn, không chỉ ở Malaysia.

“Tăng trưởng kinh tế có thể bắt đầu trong năm ở mức yếu trên hầu hết châu Á - Thái Bình Dương khi đà mở cửa trở lại yếu dần, chu kỳ sản xuất toàn cầu chậm lại và việc thắt chặt tiền tệ trước đây ảnh hưởng đến hoạt động" - các nhà nghiên cứu tại ngân hàng đầu tư Goldman Sachs nêu trong báo cáo "Triển vọng 2023: Đỉnh lạm phát và Đáy tăng trưởng”.

Trong khi đó, các nhà kinh tế tại IMA Asia - hiệp hội các CEO và giám đốc điều hành cấp cao trong khu vực - cho biết, “gió xuôi của kích thích tài khóa lớn của năm 2021 và 2022 đã qua”.

Lo sợ suy thoái

Thái Lan công bố mức tăng trưởng cả năm là 2,6% trong năm 2022, tăng so với mức 1,5% của năm 2021. Nhưng cũng như Malaysia, tốc độ tăng trưởng ở Thái Lan chậm lại trong quý 4.2022. Xuất khẩu bị thu hẹp, khối lượng giảm vào cuối năm với máy móc, hóa chất, xe bán tải và linh kiện máy tính.

Nữ doanh nhân Kanjariya Tantraporn ở Bangkok cho biết, chi tiêu trong nước “khá chậm”, một phần do lãi suất cao hơn vì “đại đa số người dân đang mắc nợ”.

“Mọi người có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn để chuẩn bị cho một cuộc suy thoái có thể xảy ra" -  Tantraporn nói.

Calvin Ng - nhà quản lý quỹ có trụ sở tại Singapore, làm việc cho công ty dịch vụ tài chính Aura Group, cũng tỏ ra thận trọng. Công ty của ông đã huy động tài chính để tân trang lại khách sạn 5 sao Montien Hotel Bangkok vào cuối năm 2020 và dù Thái Lan đang chứng kiến sự phục hồi về số lượng du khách nhưng ông lưu ý con số mới “vẫn còn xa so với 40 triệu lượt khách nước ngoài vào năm 2019”.

“Chúng tôi vẫn thận trọng trong trung hạn, đặc biệt là xung quanh tác động của việc tăng lãi suất trên toàn cầu đối với chi tiêu tùy ý"- ông nói. 

Nhu cầu giảm

Tại Việt Nam, GDP đạt mức cao nhất trong 25 năm qua là 8,02% vào năm ngoái, với thời gian bùng nổ trong các lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng. 

Nhưng các cuộc khảo sát về người tiêu dùng Việt Nam nhận thấy thu nhập giảm và các nhà đầu tư bất động sản chịu “tổn thất sốc” khi giá bất động sản lao dốc, ông Lê Hồng Hiệp chuyên gia tại Viện Yusof Ishak của Singapore, cho biết. Theo ông, Việt Nam “vẫn chưa thực sự thoát khỏi khó khăn”. 

Ryu Trento - giám đốc điều hành của Yukino Foods - cho hay, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Việt Nam đang giúp hỗ trợ hoạt động kinh doanh thực phẩm hữu cơ của ông. Tuy nhiên, các lĩnh vực khác của nền kinh tế như dệt may và điện tử “bị ảnh hưởng nặng nề hơn”. “Có sự sụt giảm rõ ràng và có thể nhận thấy về nhu cầu" - ông nói. 

Theo Leif Schneider - luật sư tại công ty luật DFDL ở Thành phố Hồ Chí Minh - xuất khẩu chậm lại đã dẫn đến việc sa thải nhân công tại một số nhà máy. Con số này rất nhỏ - vài trăm người một lần - nhưng là tín hiệu đáng chú ý ở quốc gia thường xuyên thuê nhân công.

Một số khách hàng của Schneider hiện chuyển hướng từ xuất khẩu sang đầu tư nhiều hơn vào các công ty địa phương phục vụ nền kinh tế trong nước, như các doanh nghiệp công nghệ thông tin. 

Phía trước là bầu trời xanh? 

Nhu cầu của người tiêu dùng giảm, lạm phát tiếp tục, lãi suất tăng và xuất khẩu chậm lại chỉ là một số trong rất nhiều trở ngại mà khu vực châu Á phải đối mặt trong năm nay. 

Tuy nhiên các nhà kinh tế đều nhất trí rằng, Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ có tác động lan tỏa tích cực đối với phần còn lại của châu Á.

Tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, việc Trung Quốc - quốc gia chiếm một nửa nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương - mở cửa trở lại, “đã mở đường cho sự phục hồi hoạt động nhanh hơn dự kiến” nhờ “mối liên kết thương mại và du lịch mạnh mẽ” giữa nước này với các nền kinh tế khác trong khu vực.

Theo IMF, đà tăng trưởng cũng đang nghiêng về phía châu Á. Khu vực này có khả năng ghi nhận mức tăng trưởng 4,7% trong năm nay, so với chỉ 1,4% ở Mỹ, 0,7% ở EU và 0,6% ở Anh.

Chuyên gia Sofia Shakil của Quỹ châu Á cho biết, dự báo cho khu vực là “bầu trời trong xanh với khả năng có mây”.

Không phải mọi quốc gia sẽ làm tốt. Châu Á mới nổi dự kiến vượt trội so với các nền kinh tế phát triển như Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Những nền kinh tế phát triển trong khu vực đã ngăn chặn được tình trạng suy thoái kỹ thuật nhưng phục hồi từ mức thấp nhất của đại dịch thấp hơn nhiều so với dự kiến.

Tuy nhiên, bức tranh tổng thể là màu hồng, đặc biệt là nếu giá lương thực và dầu tiếp tục giảm. "Cho đến nay, châu Á sẽ là khu vực năng động nhất trong số các khu vực lớn trên thế giới và là điểm sáng trong nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại" - các chuyên gia Krishna Srinivasan, Thomas Helbling, Shanaka J. Peiris của IMF nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn