MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyến tàu cao tốc Nishi - Kyushu khai trương vào tháng 9 nhưng lượng hành khách thấp. Ảnh: Shinya Sawai

Tàu cao tốc Nhật Bản đội giá hàng tỉ USD

Khánh Minh LDO | 25/12/2022 20:00
Việc mở rộng mạng lưới tàu cao tốc Nhật Bản trong giai đoạn tiếp theo đối mặt khả năng đội giá hàng tỉ USD.

Nguy cơ đội giá do chi phí vật liệu và nhân công tăng cao đặt ra câu hỏi về tính bền vững tài chính của mô hình phát triển đường sắt của Nhật Bản - theo tờ Nikkei.

Bộ Giao thông vận tải Nhật Bản cho biết, việc mở rộng tuyến tàu cao tốc shinkansen Hokkaido ở miền Bắc đến thủ phủ Sapporo của tỉnh dự kiến vượt ước tính ngân sách ban đầu khoảng 40%, tương đương 645 tỉ yên (4,88 tỉ USD), nâng tổng số tiền lên 2.300 tỉ yên (17,3 tỉ USD).

Hầu hết thành phố lớn nhất của Nhật Bản - ngoại trừ Sapporo - đã được kết nối bằng các tuyến tàu cao tốc shinkansen. Phân khúc nhộn nhịp nhất và mang lại lợi nhuận ổn định nhất là tuyến shinkansen nối Tokyo và Osaka.

Ở Hokkaido, rắc rối với đường hầm xuyên qua đá ở một số khu vực sẽ kéo dài thời gian xây dựng lên tới 4 năm. Sự chậm trễ có thể cản trở nỗ lực tái phát triển của địa phương sau khi đã dự kiến khai trương tuyến đường sắt mới vào cuối năm tài chính 2030.

Công trình xây dựng đường hầm tàu cao tốc trên đảo Hokkaido phía bắc Nhật Bản bị trì hoãn do nhiều cản trở. Ảnh: Nikkei

Chỉ riêng giá nhân công và vật liệu tăng có thể làm tăng thêm 205 tỉ yên (1,5 tỉ USD) vào chi phí của dự án xây dựng. Tổng số có thể còn cao hơn nữa nếu chi phí tăng nhanh hơn tốc độ 2% được đưa vào ước tính.

Trong khi đó, công việc mở rộng tuyến Hokuriku đến Osaka có thể không bắt đầu vào năm tài chính tới như kế hoạch. Tuyến hiện kết nối Tokyo với thành phố Kanazawa trên bờ biển Nhật Bản.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết việc khởi công sẽ bị hoãn lại, do chậm trễ trong đánh giá tác động môi trường.

Chặng từ Kanazawa đến Tsuruga - dự kiến khai trương vào mùa xuân năm 2024 - đang vượt quá ngân sách 260 tỉ yên (gần 2 tỉ USD) một phần do công việc bổ sung. Chặng Tsuruga - Osaka dự kiến sẽ tiêu tốn khoảng 2.100 tỉ yên (15,8 tỉ USD) - con số có thể tăng lên nếu chi phí vật liệu tiếp tục tăng.

Kinh phí cho cơ quan nhà nước giám sát các dự án này một phần đến từ phí sử dụng đường ray do các nhà điều hành tàu của Tập đoàn Đường sắt Nhật Bản (JR) trả, phần còn lại được chia 1:2 giữa chính quyền trung ương và các thành phố.

Chi phí xây dựng cao hơn có thể cần được bù đắp từ tăng thuế và tăng giá vé.

“Tàu viên đạn” Shinkansen là niềm tự hào của đường sắt Nhật Bản. Ảnh: AFP

Đại dịch COVID-19 buộc Nhật Bản phải suy nghĩ lại về tương lai của phương tiện giao thông công cộng khi lượng hành khách giảm xuống. Tuyến shinkansen Tohoku - Hokkaido khai trương vào năm 2016 đã chịu khoản lỗ 14,8 tỉ yên (111 triệu USD) trong năm tài chính 2021, chủ yếu lỗ ở chặng cuối cùng dừng tại Sapporo. Tuyến Nishi - Kyushu mới ở tây nam Nhật Bản chỉ hoạt động với công suất trung bình 33% trong tháng đầu tiên.

Chi phí không phải là vấn đề duy nhất. Chính quyền địa phương dọc theo các tuyến đường shinkansen không nhất trí trong việc hỗ trợ các phần mở rộng.

Tuyến Nishi - Kyushu, khai trương vào tháng 9 và nối Nagasaki với thị trấn suối nước nóng Takeo Onsen, dự kiến sẽ được mở rộng đến ga Shin-Tosu trên tuyến Kyushu đã được thiết lập. Nhưng vẫn chưa rõ khi nào công việc sẽ bắt đầu trong bối cảnh bất đồng về quy mô của dự án.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn