MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ. Ảnh: AFP

Tên lửa Patriot của Mỹ thay đổi cục diện chiến trường Ukraina thế nào?

Khánh Minh LDO | 19/01/2023 20:00
Trong tháng này, quân đội Ukraina sẽ bắt đầu được huấn luyện sử dụng hệ thống tên lửa Patriot do Mỹ cung cấp.

RT phân tích liệu tên lửa Patriot có làm thay đổi cán cân sức mạnh trên chiến trường hay không.

Thời gian chờ đợi

Vào đầu tháng 1, Mỹ và Đức đã đồng ý gửi một tổ hợp tên lửa phòng không Patriot tới Ukraina. Thông báo này được đưa ra trong tuyên bố chung của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau cuộc điện đàm đầu tiên trong năm 2023. Khóa huấn luyện sẽ được tiến hành ở cả Washington và Berlin. Việc chuyển giao tên lửa được lên kế hoạch cho quý đầu tiên của năm.

Đây sẽ là hệ thống Patriot thứ hai của Kiev. Như đã thông báo vào cuối tháng 12.2022, hệ thống đầu tiên sẽ được Mỹ bàn giao cho Ukraina, nằm trong gói viện trợ quân sự mới nhất trị giá 1,8 tỉ USD.

Các chuyên gia từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế lưu ý, cho đến nay, Patriot là hệ thống vũ khí đắt nhất mà Mỹ cung cấp cho Ukraina. Ước tính tổng chi phí của một hệ thống Patriot có thể lên tới hơn 1 tỉ USD: 400 triệu USD cho thiết bị và 690 triệu USD cho tên lửa.

Ukraina sẽ trở thành quốc gia thứ 19 trên thế giới sử dụng hoặc có kế hoạch sử dụng Patriot. Các hệ thống Patriot đầu tiên được quân đội Mỹ triển khai từ những năm 1980. Chúng lần đầu tiên được sử dụng trong chiến đấu hồi Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, sau đó là trong chiến tranh Iraq năm 2003. 

Hệ thống Patriot đã trải qua những thay đổi đáng kể kể từ đó. Bản sửa đổi mới nhất bao gồm radar hiệu suất cao và chính xác hơn, cùng hệ thống tên lửa đánh chặn đất đối không tiên tiến PAC-3.

Hiện vẫn chưa rõ Ukraina sẽ nhận được phiên bản nào của hệ thống Patriot, nhưng có lẽ là PAC-3.

Khi nào hệ thống Patriot đến Ukraina?

Trong điều kiện thời chiến, việc đào tạo các chuyên gia của quân đội Ukraina sử dụng Patriot có thể sẽ không mất nhiều thời gian. Hơn nữa, Ukraina có nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không S-300 - một hệ thống có cấu trúc tương tự như Patriot.

Tính đến thời gian cần thiết để chuẩn bị, dự kiến các hệ thống Patriot ở Ukraina có thể sẵn sàng chiến đấu vào tháng 3.

Hệ thống phòng không S-300/SA 10 tại thao trường Ashuluk, Astrakhan, Nga. Ảnh: Sputnik

Điều gì sẽ xảy ra sau khi Patriot được chuyển giao cho Lực lượng Vũ trang Ukraina?

Hệ thống tên lửa Patriot (đặc biệt là PAC-3) là vũ khí tối tân của Mỹ. Nếu Nhà Trắng quyết định gửi vũ khí phòng thủ tên lửa tiên tiến như vậy tới Ukraina, thì vấn đề cung cấp cho Kiev các loại xe tăng chiến đấu kiểu phương Tây như Leopard 2 của Đức sẽ không mất nhiều thời gian.

Cùng với hệ thống Patriot thứ hai, Berlin cũng sẽ gửi 40 xe chiến đấu bộ binh Marder tới Ukraina, theo người phát ngôn Chính phủ Liên bang Đức Steffen Hebestreit. Đây là một bước tiến lớn khác hướng tới việc trang bị vũ khí phương Tây cho Lực lượng Vũ trang Ukraina.

Điều đáng chú ý là sau khi nhận được Patriot và xe bọc thép hạng nặng, Ukraina sẽ có thể nhận được máy bay chiến đấu F-15 và F-16.

Tên lửa Patriot là vô giá đối với Kiev. Các hệ thống này, như các chuyên gia quân sự nói, có khả năng phòng thủ tên lửa phi chiến lược. Khả năng này sẽ đặc biệt hữu ích cho Lực lượng Vũ trang Ukraina, là phương tiện hiệu quả để chống lại máy bay có người lái, tên lửa hành trình trên biển và trên không, tên lửa đạn đạo chiến thuật và tên lửa đạn đạo tác chiến - chiến thuật.

Rất có thể, các hệ thống này sẽ được triển khai để bảo vệ thủ đô Kiev của Ukraina khỏi các cuộc tấn công của nhiều loại tên lửa hành trình. Tuy nhiên, sẽ cần hàng chục Patriot để bao phủ tất cả các trung tâm hành chính và chính trị của Ukraina, bao gồm cả các cơ sở năng lượng quan trọng. Và Ukraina khó có thể nhận được nhiều hệ thống Patriot như vậy trong tương lai gần.

“Gót chân Achilles” của Patriot

Hiện tại, mối quan tâm chính là số lượng tên lửa dẫn đường phòng không sẽ được cung cấp cùng với hệ thống Patriot, vì số lượng tên lửa được sử dụng trong quá trình đẩy lùi các cuộc không kích lớn của Lực lượng Vũ trang Nga đã vượt quá mọi mong đợi. Nếu Ukraina không nhận đủ tên lửa, hai hệ thống Patriot sẽ chẳng còn tác dụng gì.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot cũng có những điểm yếu hay nói đúng hơn là những điểm đặc biệt. Ví dụ, radar đa chức năng Patriot AN/MPQ-53 có khả năng tìm kiếm khá thấp. Tính năng này không chỉ có ở hệ thống Patriot mà còn có ở radar dẫn đường và chiếu sáng mục tiêu, cũng như radar đa chức năng của hệ thống phòng thủ tên lửa S-300/400 của Nga.

Patriot (đặc biệt là PAC-3) là vũ khí tối tân của Mỹ. Ảnh: AFP

Nga sẽ chiến đấu với Patriot thế nào?

Việc chiếm được một hệ thống phòng không Patriot là một kịch bản rất khó xảy ra bởi đây không phải là vũ khí tiền tuyến. Nó có thể sẽ được bố trí ở hậu cứ của quân đội Ukraina, bao trùm Kiev hoặc hữu ngạn Ukraina. Cần một chiến dịch tấn công để chiếm được hệ thống Patriot, mặc dù không đảm bảo có thể chiếm được.

Các hệ thống phòng không Patriot được chuyển giao cho Ukraina sẽ trở thành mục tiêu ưu tiên hàng đầu của Lực lượng Vũ trang Nga, nhưng nhiệm vụ này không hề đơn giản. Patriot là một hệ thống có tính cơ động cao (không mất quá 25 phút để triển khai/gập lại). Sau vài lần phóng tên lửa, nó có thể di chuyển. Và việc tìm kiếm Patriot sẽ không dễ dàng.

Quân đội Nga có thể sử dụng tên lửa chống radar loại X-31P, tên lửa không đối đất dẫn đường như X-29T, X-38Mxx, X-59MK... bom rơi (loại OFAB-250-270 và FAB-500) để nhắm mục tiêu và tiêu diệt Patriot.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn