MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân chờ sơ tán gần sân bay Omdurman, Sudan, ngày 26.4.2023. Ảnh: Xinhua

Thảm họa chực chờ ở quốc gia lớn thứ 3 châu Phi

Nguyễn Quang (Theo kp.ru) LDO | 01/05/2023 11:07
Hàng chục nghìn người đang cố gắng tìm mọi cách để rời khỏi Sudan, nơi đang xảy ra những vụ thảm sát trên đường phố, cộng với khó khăn về lương thực.

Ngừng bắn giả hiệu

Cho đến nay, theo hãng tin AP, tại Khartoum và thành phố lân cận Omdurman, các nhân chứng chỉ báo cáo về các cuộc đụng độ lẻ tẻ giữa quân đội và lực lượng bán quân sự thuộc "lực lượng đặc biệt" của đối phương. Nhiều cư dân thủ đô đã rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm thức ăn và nước uống. Họ xếp hàng tại các tiệm bánh và quầy hàng thực phẩm.

Một số thì tìm kiếm đồ ăn các cửa hàng và ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc bị cướp phá trong các cuộc giao tranh. Còn những người khác thì cùng với hàng chục nghìn người đang cố gắng rời khỏi thành phố trong những ngày gần đây.

Nhưng ngay cả khi tương đối yên tĩnh thì âm thanh của tiếng súng và tiếng nổ vẫn được nghe thấy trong thành phố. Các cuộc đụng độ đang diễn ra ở các khu vực của Khartoum và Omdurman, chủ yếu xung quanh trụ sở của lực lượng vũ trang và chính quyền. Các cuộc đọ súng cũng được nghe thấy ở quận Kafuri ở Bắc Khartoum, gần thủ đô, nơi có nhiều chiến binh từ cái gọi là lực lượng đặc biệt chống lại chính quyền đang đóng quân.

Những cuộc giao tranh đã khiến dân chúng trở nên cùng cực. Người dân thường ngày càng khó kiếm thức ăn hơn, điện bị cắt ở thủ đô và các thành phố khác, và nhiều bệnh viện phải đóng cửa.

Trong khi đó, theo tính toán sơ bộ, tại quốc gia này có khoảng 13 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo, nhiều cơ quan cung cấp hỗ trợ như vậy đã buộc phải đình chỉ hoạt động. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đã nói rằng cần chuẩn bị cho khả năng hàng chục nghìn người có thể chạy trốn sang các nước láng giềng - Cộng hòa Trung Phi, Chad, Ai Cập, Ethiopia và Nam Sudan.

Những người trốn chạy khỏi Sudan đến một trạm xe buýt ở Aswan, Ai Cập, ngày 25.4..2023. Ảnh: Xinhua

Trốn chạy

Nhiều người Sudan đã quyết định không chờ đợi thảm họa xảy ra mà di cư đến những nơi yên bình hơn. Do đó, các bến xe ở thủ đô chật cứng người dựng lều chờ lên xe. Các tài xế ngay lập tức tăng giá mạnh cho các tuyến đường đến biên giới với Ai Cập hoặc đến thành phố phía đông Port Sudan trên Biển Đỏ. Giá nhiên liệu tăng chóng mặt.

Tại cửa khẩu biên giới Arkin dẫn đến Ai Cập, những đám đông chờ đợi để qua đêm trên sa mạc trống trải.

Trong khi đó, những người nước ngoài đang chạy trốn khỏi Sudan bằng mọi cách có thể. Ngày 26.4, một con tàu với hơn 1.500 người đã cập bờ biển Saudi Arabia. Các đại sứ quán nước ngoài cũng đang sơ tán nhân viên của họ. Các cơ quan ngoại giao của Vương quốc Anh, Đức, Tây Ban Nha, Italy, Canada, Hà Lan, Oman, Mỹ, Thụy Sĩ, Nhật Bản và các quốc gia khác đã ngừng hoạt động tại Khartoum.

Trung Quốc sơ tán công dân khỏi Sudan, ngày 29.4.2023. Ảnh: Xinhua

Tương lai mù mịt

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres cảnh báo rằng cuộc tranh giành quyền lực không chỉ gây nguy hiểm cho tương lai của Sudan mà còn "châm ngòi nổ cho quả bom có ​​thể phát nổ xuyên biên giới, gây ra đau khổ lớn trong nhiều năm và cản trở sự phát triển trong nhiều thập kỉ".

Tổng thư ký đã trích dẫn các báo cáo về các cuộc đụng độ vũ trang trên khắp đất nước làm ví dụ, nói về những người chạy trốn khỏi nhà của họ ở các bang Blue Nile và Bắc Kordofan, cũng như ở Tây Darfur. Trợ lý nhân đạo của ông Guterres, Joyce Msuya, nói với Hội đồng Bảo an rằng "có rất nhiều báo cáo về bạo lực tình dục và giới tính".

Ngày 24.4, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken công bố lệnh ngừng bắn 72 giờ sẽ kéo dài đến tối 27.4. Nhiều người lo sợ rằng các bên tham chiến chỉ chực chờ cho những người nước ngoài đang can thiệp vào họ ra khỏi đất nước để tiến hành những trận chiến đẫm máu và quyết liệt hơn.

Tại thủ đô, tiến sĩ Bushra Ibnauf Suliman, một bác sĩ người Mỹ gốc Sudan, trưởng Khoa Y tại Đại học Khartoum, đã bị đâm chết bên ngoài nhà riêng. Ông đã hành nghề y trong nhiều năm ở Mỹ, nơi các con ông sinh sống, nhưng sau đó trở về Sudan để đào tạo bác sĩ.

Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới còn bày tỏ lo ngại rằng một trong các bên tham chiến đã giành được quyền kiểm soát phòng thí nghiệm y tế trung tâm ở Khartoum, nơi đang lưu trữ các mẫu bệnh bại liệt, sởi và dịch tả.

Tiến sĩ Nima Saeed Abid, đại diện của WHO tại Sudan, cảnh báo rằng sau khi nhân viên y tế rời phòng thí nghiệm và mất điện ở đó, người ta không thể quản lý vật liệu sinh học đúng cách. Và điều này có nghĩa là một bệnh nhiễm trùng chết người mới có thể bắt đầu lây lan ở quốc gia châu Phi đầy bất ổn này.

Điều gì đang xảy ra ở Sudan?

Tháng 4.2019, quân đội Sudan đảo chính lật đổ tổng thống Omar al-Bashir - người lãnh đạo đất nước suốt 26 năm. RSF, lực lượng bán quân sự thuộc quyền quản lý của Cơ quan An ninh và Tình báo Quốc gia Sudan dưới thời tổng thống al-Bashir ủng hộ quân đội trong cuộc đảo chính.

Dưới nhiều sức ép, quân đội Sudan phải chia sẻ quyền lực với các lực lượng dân sự, đứng đầu là Hội đồng Chủ quyền của Thủ tướng Abdalla Hamdok. Tuy nhiên, đến 10.2021,  quân đội Sudan lại đảo chính phế truất Hamdok. Tướng Abdel-Fattah Burhan - tư lệnh quân đội - trở thành người đứng đầu chính quyền quân sự.

Khi đã nắm quyền lực lớn nhất Sudan, Burhan muốn sáp nhập RSF vào quân đội. Tuy nhiên chỉ huy RSF là tướng Mohammed Hamdan Dagalo phản đối. Ngày 15.4, mâu thuẫn biến thành giao tranh, đẩy đất nước lớn thứ 3 châu Phi này đến bờ vực nội chiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn