MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hội chợ việc làm ở Trung Quốc năm 2017. Ảnh: Xinhua

Thanh niên Trung Quốc thất nghiệp: Khi người trẻ từ bỏ nỗ lực

Thanh Hà LDO | 02/03/2023 10:00

Tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên ở Trung Quốc đạt gần 20% vào năm ngoái. Nhiều người trẻ đang từ chối làm việc trong khi những người tìm kiếm sự an toàn trong khu vực công cũng gặp trở ngại. 

Khó tìm việc làm

Trung Quốc hiện tổ chức hàng trăm hội chợ việc làm theo hình thức trực tiếp sau 3 năm đại dịch. Thị trường lao động trầm lắng nhất trong nhiều năm mang lại lợi thế cho các nhà tuyển dụng trong khi giữa các ứng viên, sự cạnh tranh rất khốc liệt.

Khi Trung Quốc mở cửa trở lại, tỉ lệ thất nghiệp - đạt đỉnh 6,2% trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch và lên mức cao lần nữa vào tháng 5.2022 (6,1%) - đang có xu hướng giảm.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, sự phục hồi của thị trường lao động có thể không đồng đều do các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phục hồi với tốc độ khác nhau.

Tình trạng thất nghiệp của thanh niên là vấn đề lớn với Bắc Kinh. Theo tiêu chuẩn quốc tế, tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc ở khu vực thành thị đã ở mức cao, khoảng 13%  trước khi đại dịch bùng phát và đạt đỉnh vào tháng 7 năm ngoái khi gần 1/5 những người trong độ tuổi từ 15 đến 24 không có việc làm.

"Đây có lẽ là thời điểm tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ qua để những người trẻ tuổi ở Trung Quốc có thể tìm lại được việc làm hoặc tìm được công việc đầu tiên của họ" - Kevin Lin, nhà nghiên cứu, Tổng thư ký của Asian Labour Review - chia sẻ với DW. 

20 tăng trưởng chưa từng thấy ở Trung Quốc đã tạo ra một số lượng lớn việc làm. Nhưng khi Trung Quốc chuyển từ sản xuất chi phí thấp sang nền kinh tế dịch vụ với xuất khẩu công nghệ cao chiếm ưu thế, tỉ lệ thất nghiệp của thanh niên tăng nhanh hơn nhiều so với các nhóm nhân khẩu học khác.

Trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường kiểm soát lĩnh vực công nghệ, giáo dục, giải trí và bất động sản dẫn đến tình trạng sa thải quy mô lớn.

Ông lớn mảng trò chơi điện tử Tencent, nhà bán lẻ trực tuyến Alibaba và công ty mạng xã hội Weibo - những công ty lớn sử dụng lao động trẻ, có trình độ học vấn cao của Trung Quốc - đều tuyên bố cắt giảm việc làm trong những tháng gần đây.

Khi suy thoái bất động sản bắt nguồn từ vụ bê bối nợ của China Evergrande năm 2021, năm ngoái, một nhà phát triển bất động sản sa thải 90% nhân viên.

"Do khu vực tư nhân là động lực chính tạo việc làm nên tình hình việc làm cho thanh niên Trung Quốc cuối cùng sẽ phụ thuộc vào việc liệu các chính sách hậu COVID có thể hỗ trợ khu vực tư nhân một cách hiệu quả hay không và mức độ tự tin của các doanh nhân tư nhân trong môi trường kinh doanh hiện tại" - Zhao Litao, học giả tại Viện Đông Á, Đại học Quốc gia Singapore chia sẻ. 

Những lựa chọn khác

Năm 2021, khoảng 44 triệu sinh viên theo học các chương trình cấp bằng tại các trường cao đẳng và đại học công lập ở Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc cũng công bố các biện pháp khuyến khích doanh nghiệp thuê lao động trẻ hơn, cung cấp các khoản trợ cấp đào tạo và nhiều chương trình học nghề hơn. Những người trẻ mới tốt nghiệp cũng có thể nhận được tài trợ để mở các công ty khởi nghiệp.

Tuy nhiên, cũng có nhiều thanh niên Trung Quốc bắt đầu từ chối triển vọng làm việc ở các doanh nghiệp. Hiện tượng này được gọi là "tang ping" hoặc nằm thẳng. 

"Tang ping phản ánh tâm trạng dễ hiểu của những người lao động trẻ đã từ bỏ cố gắng. Câu hỏi đặt ra là liệu họ có đủ khả năng để thực sự nằm yên hay không" - Kevin Lin lưu ý.

Ông chỉ ra, Trung Quốc không có cơ chế hỗ trợ những người trẻ tuổi thất nghiệp.

Tang ping cũng đánh dấu sự đảo ngược thời đại khi những người lao động nhập cư trẻ tuổi từ các vùng nông thôn của Trung Quốc chuyển đến các thành phố lớn với mục đích duy nhất là hỗ trợ gia đình. Nhiều người trẻ bây giờ muốn ít căng thẳng hơn và có nhiều thời gian giải trí hơn.

Cách biệt lớn giữa việc hoàn thành giáo dục và bắt đầu đi làm cho họ cơ hội sắp xếp lại các mục tiêu trong cuộc sống theo thứ tự ưu tiên. Học giả Zhao Litao giải thích, nhiều người đã bắt đầu kinh doanh nhỏ, làm tình nguyện trong và ngoài nước, hoặc chọn làm nghề tự do.

“Điều này phản ánh những thay đổi về giá trị khi xã hội và các gia đình Trung Quốc ngày càng chấp nhận việc trì hoãn hoặc từ từ ra nhập thị trường lao động" - bà nói. 

Khi ít việc làm trong khu vực tư nhân hơn, người trẻ Trung Quốc đang tham dự kỳ thi công chức với số lượng kỷ lục.  Tuy nhiên, ở khu vực công, sự đảm bảo về việc làm cũng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn bởi những biến động lớn do COVID-19 gây ra.

Trong 3 năm qua, nhiều chính quyền địa phương của Trung Quốc đã chi phần lớn ngân sách để chống COVID-19 và buộc phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, bao gồm sa thải công chức ở quy mô lớn. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn