MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thế giới bên bờ vực khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng hơn thập niên 70

Hải Anh LDO | 03/06/2022 16:40
Thế giới đang vật lộn với giá năng lượng tăng, từ xăng dầu, khí đốt đến than đá. Một số chuyên gia lo ngại đây mới chỉ là khởi đầu.

“Cơn bão hoàn hảo”

Các quan chức năng lượng đương nhiệm và cựu quan chức Mỹ chia sẻ với CNN mối lo ngại chiến sự Nga-Ukraina diễn ra sau nhiều năm không đầu tư vào lĩnh vực năng lượng khiến thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng có thể sánh ngang, thậm chí vượt qua cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 và đầu những năm 1980.

Fatih Birol, người đứng đầu nhóm giám sát Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chia sẻ với tờ Der Spiegel: “Bây giờ chúng ta có một cuộc khủng hoảng dầu mỏ, một cuộc khủng hoảng khí đốt và một cuộc khủng hoảng điện năng cùng lúc. Cuộc khủng hoảng năng lượng này lớn hơn nhiều so với các cuộc khủng hoảng dầu mỏ những năm 1970 và 1980. Nó có thể sẽ còn kéo dài nữa". 

Nền kinh tế toàn cầu tới nay về cơ bản chống chọi được với giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, giá năng lượng có thể tiếp tục tăng lên mức không bền vững khi Châu Âu nỗ lực cấm vận dầu mỏ và khí đốt Nga. Thiếu nguồn cung có thể dẫn đến một số lựa chọn khó khăn ở Châu Âu. 

Joe McMonigle, tổng thư ký của Diễn đàn Năng lượng Quốc tế, nhất trí với nhận định từ IEA. "Chúng ta đang gặp một vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới mà tôi nghĩ các nhà hoạch định chính sách chỉ vừa mới hiểu. Đó là một dạng cơn bão hoàn hảo" - ông nói. 

Mức độ của  “cơn bão hoàn hảo” (perfect storm) đó - thiếu đầu tư, cung và cầu gián đoạn mạnh mẽ do chiến sự - sẽ gây ra những hậu quả rộng lớn, có khả năng đe dọa phục hồi kinh tế hậu COVID-19, làm trầm trọng thêm lạm phát, thúc đẩy bất ổn xã hội và phá hoại nỗ lực cứu Trái đất khỏi nóng lên toàn cầu. 

Chuyên gia Birol cảnh báo về tình trạng tắc nghẽn nguồn cung xăng và dầu diesel, đặc biệt là ở Châu Âu, cũng như việc phân bổ lượng khí đốt vào mùa đông tới ở Châu Âu.

Robert McNally, cựu cố vấn năng lượng hàng đầu của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, cho biết: “Đó là một cuộc khủng hoảng mà thế giới không được chuẩn bị trước". 

Không chỉ giá năng lượng rất cao, mà độ tin cậy của lưới điện đang chịu thách thức từ nhiệt độ khắc nghiệt và hạn hán nghiêm trọng.

Cựu cố vấn năng lượng của ông Obama, ông Jason Bordoff và giáo sư Đại học Harvard Meghan O'Sullivan cảnh báo trên tờ Economist vào cuối tháng 3 rằng thế giới đang ở đỉnh điểm của "cuộc khủng hoảng năng lượng có thể trở thành tồi tệ nhất kể từ những năm 1970".

Tất nhiên, có những khác biệt chính giữa ngày nay và những năm 1970. Giá cả không tăng đột biến như thời điểm đó và các nhà hoạch định chính sách đã không sử dụng các biện pháp khắc nghiệt như kiểm soát giá cả.

“Chúng ta vẫn chưa thấy cuộc khủng hoảng năng lượng này sẽ tồi tệ như thế nào" - ông Bordoff nói.

Hiện giá xăng của Mỹ tăng 52% trong năm qua lên mức cao kỷ lục. Giá khí đốt đã tăng gần gấp 3 lần trong năm qua ở Mỹ. Giá khí đốt thậm chí còn tăng vọt hơn nữa ở Châu Âu. 

Nguy cơ của Châu Âu lớn hơn Mỹ

Tình trạng hỗn loạn năng lượng hiện nay không chỉ là hệ quả của chiến sự Ukraina mà còn liên quan tới vấn đề đầu tư vào dầu mỏ và khí đốt - lĩnh vực vốn đòi hỏi đầu tư lớn để duy trì sản xuất.

Đầu tư thượng nguồn (gồm tìm kiếm, thăm dò và khai thác) trong lĩnh vực dầu khí chỉ ở mức 341 tỉ USD trong năm 2021, thấp hơn 23% so với mức 525 tỉ USD trước COVID-19 và thấp hơn nhiều so với mức đỉnh cả năm 2014 là 700 tỉ USD. 

Châu Âu vốn phải vật lộn với cuộc khủng hoảng năng lượng từ năm ngoái, giá của khí đốt, than và dầu mỏ đã ở mức cao từ lâu trước khi Nga phát động chiến sự ở Ukraina. 

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ năm 1973 đặc trưng là các đoàn xe xếp hàng dài nhiều giờ tại các trạm xăng, thiếu nhiên liệu và sự hoảng loạn. 

Ở thời điểm hiện tại, các chuyên gia lo ngại về khả năng thiếu nhiên liệu nhưng rủi ro ở Châu Âu lớn hơn ở Mỹ.  "Thiếu nhiên liệu là một vấn đề toàn cầu. Bạn sẽ sớm thấy điều đó, mặc dù có thể không phải ở Mỹ" - chuyên gia Francisco Blanch của Bank of America chỉ ra.

Chuyên gia này lưu ý, Mỹ vẫn là một trong những nhà sản xuất dầu lớn nhất hành tinh và là nhà xuất khẩu năng lượng lớn. Trong khi đó, Châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào dầu mỏ và khí đốt của nước ngoài - đặc biệt là từ Nga.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn