MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thế giới có thể thiếu dầu ăn trong nửa cuối năm nay. Ảnh: Xinhua

Thế giới đối mặt nguy cơ thiếu dầu ăn

Song Minh LDO | 24/03/2023 06:00
Thế giới đối mặt tình trạng khan hiếm dầu ăn khi nhiên liệu sinh học bùng nổ.

Tranh luận về thực phẩm và nhiên liệu

Bloomberg đưa tin, sự bùng nổ nhiên liệu sinh học toàn cầu đã gây ra sự thiếu hụt dầu thực vật và làm gia tăng cuộc tranh luận về thực phẩm và nhiên liệu.

Dầu ăn được sử dụng để nấu ăn, nhưng ngày càng được sử dụng nhiều hơn để cung cấp năng lượng cho xe tải và máy bay.

Từ Mỹ đến Brazil và Indonesia, các chính phủ đang sử dụng năng lượng làm từ thực vật như đậu nành hoặc cải dầu, hay thậm chí là mỡ động vật, để tránh sử dụng nhiên liệu hóa thạch và cắt giảm khí thải.

Điều này đã tạo cơ hội cho dầu thực vật, đặc biệt là dầu cọ - một thành phần phổ biến nhưng gây tranh cãi được tìm thấy trong các sản phẩm như bột bánh pizza, mì ăn liền, sôcôla và dầu gội đầu.

Nhu cầu tăng cao đến mức các nhà sản xuất đang săn lùng dầu ăn đã qua sử dụng và cặn dầu - sản phẩm thải ra từ quá trình chế biến dầu cọ - để làm nguyên liệu cho nhiên liệu sinh học.

Những tham vọng cao cả này có thể phải đối mặt với những thách thức. Chiến tranh và thời tiết khắc nghiệt đang hạn chế nguồn cung cấp dầu thực vật. Một đợt hạn hán nặng đã tàn phá sản xuất ở Argentina - nước xuất khẩu dầu đậu nành hàng đầu. 

Ở châu Âu, việc hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu có độc tính với ong sẽ hạn chế việc trồng cây cải dầu, trong khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu hướng dương.

Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ thô, dầu ăn từ ngày 23.5.2022, do nước này đã kiểm soát giá và nguồn cung dầu ăn trong nước. Ảnh: Xinhua

Thiếu hụt dầu ăn

Theo Thomas Mielke - Giám đốc điều hành của Oil World có trụ sở tại Hamburg (Đức) - với tốc độ tăng trưởng sản xuất dầu thực vật dự kiến ​​chậm lại, nhiên liệu sinh học có thể đẩy thị trường toàn cầu vào tình trạng thâm hụt dầu ăn trong nửa cuối năm nay.

Mielke cho biết, nhiên liệu sinh học chiếm thị phần lớn trong thị trường dầu thực vật nhưng chỉ chiếm một phần nhỏ trong nhu cầu năng lượng. Ông lo ngại rằng các mục tiêu nhiên liệu sinh học đang vượt quá khả năng đáp ứng của thị trường dầu và mỡ toàn cầu.

Mỹ, châu Âu, Brazil và Indonesia chịu trách nhiệm cho hầu hết mức tăng trưởng tiêu thụ nhiên liệu diesel sinh học, dầu diesel tái tạo và nhiên liệu sinh học cho máy bay. 

Mỹ sử dụng hỗn hợp các loại nguyên liệu như dầu đậu nành, dầu hạt cải, dầu ăn đã qua sử dụng và mỡ động vật. 

Châu Âu đang sản xuất từ ​​chất thải, cặn bã và dầu hạt cải. Indonesia chủ yếu sử dụng dầu cọ để sản xuất dầu diesel sinh học, trong khi Brazil phụ thuộc vào dầu đậu nành.

Xu hướng này được nhiều người kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho dầu cọ, một sản phẩm đang được xem xét kỹ lưỡng trong những năm gần đây trong bối cảnh có các báo cáo về nạn phá rừng và lao động cưỡng bức.

Theo James Fry - Chủ tịch công ty tư vấn nông nghiệp LMC International Ltd có trụ sở tại Oxford (Anh) - với việc các loại hạt có dầu và dầu thực vật đối thủ đang được sử dụng ngày càng nhiều trong nhiên liệu sinh học, một phần nhu cầu sẽ chuyển sang dầu cọ.

Nhưng thị trường dầu cọ có thể không theo kịp. Sản xuất ở Indonesia và Malaysia - chiếm 85% nguồn cung thế giới - đang chững lại do phải trồng lại những cây già cỗi và kém năng suất, thời tiết thất thường và do nạn phá rừng khiến việc mở rộng quỹ đất bị hạn chế.

Dorab Mistry - một thương nhân có ảnh hưởng đã làm việc trong ngành này trong bốn thập kỷ - cho biết, các mối đe dọa đối với nguồn cung, đặc biệt là từ biến đổi khí hậu, sẽ đẩy giá nông sản lên cao và làm chậm nỗ lực của thế giới chuyển đổi thực phẩm thành nhiên liệu.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cảnh báo nhu cầu ngày càng tăng đối với nhiên liệu sinh học và tình trạng khủng hoảng nguyên liệu thô sắp xảy ra. Nếu không được giải quyết, tình trạng này sẽ làm suy yếu tiềm năng đóng góp của nhiên liệu sinh học vào các nỗ lực khử carbon toàn cầu.

Theo Mielke của Oil World, các nhiệm vụ về nhiên liệu sinh học phải linh hoạt và tạo điều kiện cho những điều chỉnh tạm thời trong trường hợp thiếu nguồn cung.

Ông nói, do tầm quan trọng của những chính sách đó đối với toàn bộ lĩnh vực dầu và chất béo, bất kỳ thay đổi nào cũng phải được kiểm duyệt vì chúng có thể gây tác động tàn phá.

Năm ngoái, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina đã làm gián đoạn thương mại dầu hướng dương toàn cầu, đồng thời thúc đẩy nhu cầu đối với dầu cọ và dầu đậu nành, đẩy giá lên mức cao kỷ lục.

Ngay cả khi đó, hầu hết các quốc gia đã không nới lỏng chính sách nhiên liệu sinh học của họ, dẫn đến sự sụt giảm nhu cầu ở một số người tiêu dùng dầu thực vật, chủ yếu từ các quốc gia đang phát triển.

Mielke cho biết: “Trong thời kỳ thiếu hụt nguồn cung, việc phân bổ nhu cầu cần thiết không chỉ đặt lên vai của người tiêu dùng thực phẩm. Đây là một bài học chúng ta phải học từ năm ngoái”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn