MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tang lễ của một binh lính Israel ở Jerusalem, ngày 1.11.2023. Ảnh: Xinhua

Thế sự đảo lộn sau 1 tháng xung đột Israel - Hamas

Song Minh LDO | 06/11/2023 19:38

Một tháng sau khi Israel bị tàn phá bởi các cuộc tấn công của Hamas, cuộc sống của cả người Palestine và Israel đã bị đảo lộn khi Tel Aviv phát động cuộc chiến trả đũa ở Dải Gaza.

Cuộc tấn công ngày 7.10 của lực lượng Hamas vào các khu vực phía nam Israel đã làm ít nhất 1.400 người thiệt mạng, hầu hết là dân thường, và gây tổn thương sâu sắc cho nước này.

Dải Gaza - lãnh thổ với 2,4 triệu dân nằm trong một trong những khu vực đông dân nhất trên Trái đất - đã bị biến thành chiến trường khốc liệt bởi các cuộc không kích và tấn công trên bộ sau khi Israel tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas.

Bộ Y tế ở Gaza do Hamas điều hành cho biết gần 9.500 người đã thiệt mạng, 2/3 trong số đó là phụ nữ và trẻ em, chủ yếu là dân thường.

Al Quds, nhật báo Palestine được đọc nhiều nhất, viết rằng: "Gaza đã trở thành nghĩa địa cho hàng nghìn người dân vô tội".

Nhật báo cánh tả Haaretz của Israel viết: “Có cảm giác như chúng ta phải tự ép mình tin rằng đây thực sự là một thực tế mới. Sự thay đổi do chiến tranh gây ra là toàn diện: thiệt hại về nhân mạng, vật chất, đi kèm với những lo lắng, thay đổi chương trình nghị sự của đất nước và đảo ngược hoàn toàn các quy ước chính trị cũ từ mọi khía cạnh có thể xảy ra".

“Thùng thuốc súng”

Theo AFP, lo ngại đã gia tăng về khả năng xảy ra xung đột trong khu vực. Iran, đồng minh của cả Hamas và Hezbollah ở Lebanon, cảnh báo tình hình có nguy cơ leo thang "mất kiểm soát" ở một Trung Đông đang biến thành "thùng thuốc súng".

Một phát ngôn viên của Lầu Năm Góc cho biết Mỹ "lo ngại về việc tất cả các thành phần trong mạng lưới đe dọa của Iran sẽ gia tăng các cuộc tấn công có nguy cơ tính toán sai lầm hoặc đẩy khu vực vào chiến tranh".

Các cố vấn quân sự Mỹ đang ở Israel và hai nhóm tàu sân bay Mỹ đã được triển khai tới phía đông Địa Trung Hải.

Quân đội Israel tiến hành hoạt động trên bộ ở Dải Gaza ngày 2.11.2023. Ảnh: Xinhua

Khi căng thẳng gia tăng, quân đội Israel cũng được đặt trong tình trạng báo động ở biên giới phía bắc với Lebanon.

Phá vỡ một tháng im lặng, hôm 3.11, người đứng đầu Hezbollah - Hassan Nasrallah - cho hay "tất cả các lựa chọn" leo thang xung đột ở biên giới Lebanon với Israel đang được để ngỏ, đồng thời đổ lỗi cho Mỹ về cuộc chiến.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc, Chuẩn tướng Patrick Ryder nói, ông không nghĩ Hezbollah sẽ leo thang giao tranh và một cuộc xung đột khu vực rộng lớn hơn đã được ngăn chặn.

Tuy nhiên, AFP dẫn lời Avi Melamed, chuyên gia Israel về quan hệ Trung Đông cảnh báo, Hezbollah có năng lực quân sự vượt trội gấp 10 lần Hamas, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà nước Israel".

Quân đội Israel tuyên bố sẵn sàng đối đầu với bất kỳ sự leo thang nào ở Bờ Tây, nơi bạo lực trở nên dữ dội hơn kể từ khi chiến tranh Gaza nổ ra.

“Cực đoan hóa”

Israel từng được ca ngợi về sức mạnh quân sự và tình báo, nhưng danh tiếng đó đã bị tổn hại nghiêm trọng sau vụ tấn công ngày 7.10 của Hamas.

Sarit Zehavi, một bà mẹ ba con và là trung tá dự bị, lo ngại Hezbollah sẽ bắt chước Hamas và xâm nhập vào miền bắc.

Đối với Omar Ashur, cư dân Gaza, mới 8 tuổi vào năm 1948 khi nhà nước Israel được thành lập, “những gì đang diễn ra thật nguy hiểm”.

Ông lo ngại bạo lực sẽ gây ra "một Nakba thứ hai", ám chỉ cuộc di cư hàng loạt của khoảng 760.000 người Palestine, theo số liệu của Liên Hợp Quốc, sau cuộc chiến tranh Arab-Israel đầu tiên vào năm 1948.

Theo Claude Klein, cựu Trưởng khoa Luật của Đại học Do Thái ở Jerusalem, “khả năng giải quyết hòa bình là rất xa vời”.

Đối với cựu Bộ trưởng Palestine Ghassan Khatib, giảng viên tại Đại học Bir Zeit ở Bờ Tây, "sự cực đoan hóa đã được củng cố ở mỗi bên trong cuộc xung đột và dẫn đến sự hoài nghi sâu sắc về một giải pháp hòa bình".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn