MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thiên thạch sao Hỏa 4,5 tỉ năm tiết lộ bí mật về nguồn gốc Trái đất. Ảnh: Đại học Bắc Arizona

Thiên thạch sao Hỏa 4,5 tỉ năm hé lộ bí mật về nguồn gốc Trái đất

Thanh Hà LDO | 01/08/2022 18:58
Khoảng 4,5 tỉ năm trước, sao Hỏa có thể có lớp vỏ như ở Iceland ngày nay. Phát hiện từ một trong những mảnh vỡ già nhất của sao Hỏa được tìm thấy trên Trái đất, có thể cung cấp những thông tin về Trái đất vốn bị mất đi trong hàng tỉ năm vận động địa chất, giúp giải thích tại sao Trái đất có sự sống đa dạng trong khi sao Hỏa thì không. 

Thiên thạch sao Hỏa già nhất trên Trái đất

Hiểu biết sâu về Trái đất được rút ra từ nghiên cứu mới về cách tìm ra nguồn gốc sao Hỏa của một thiên thạch 4,48 tỉ năm tuổi có biệt danh là Người đẹp Đen. Thiên thạch này xuất phát từ một trong những vùng lâu đời nhất của sao Hỏa.

Nghiên cứu công bố ngày 12.7 trên tạp chí Nature Communications do nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế, trong đó có một nhà khoa học thuộc Đại học Bắc Arizona (NAU), Mỹ, thực hiện. Nhà khoa học này là Valerie Payré, thuộc Khoa Thiên văn và Khoa học Hành tinh NAU. 

“Thiên thạch này đã ghi lại giai đoạn đầu tiên trong quá trình tiến hóa của sao Hỏa và nói chung là của tất cả những hành tinh đất đá, bao gồm cả Trái đất" - bà Valerie Payré cho hay.

Thiên thạch sao Hỏa Northwest Africa 7034 (NWA). Ảnh: Đại học Bắc Arizona

Trái đất mất đi các lớp bề mặt cũ do kiến ​​tạo mảng nên việc quan sát những lớp này trên địa hình cực kỳ cổ xưa như của sao Hỏa là cửa sổ hiếm hoi giúp các nhà khoa học hiểu được bề mặt Trái đất cổ đại vốn đã không còn tồn tại ngày nay, ông chỉ ra. 

Sao Hỏa cho chúng ta biết điều gì về Trái đất?

Nhóm nghiên cứu do nhà khoa học Anthony Lagain từ Đại học Curtin ở Australia làm trưởng nhóm đã tìm hiểu nguồn gốc của một thiên thạch sao Hỏa, có tên chính thức là Northwest Africa 7034 (NWA).

Thiên thạch phát hiện được ở Châu Phi này có các thành phần cho thấy trong giai đoạn đầu tiến hóa, sao Hỏa từng có hoạt động núi lửa như được tìm thấy trên Trái đất.

Dù được đẩy ra khỏi bề mặt sao Hỏa cách đây 5-10 triệu năm sau một vụ va chạm với tiểu hành tinh, nguồn và bối cảnh địa chất của thiên thạch đó vẫn là bí ẩn.

Để xác định chính xác Người đẹp Đen đến từ đâu, nhóm nghiên cứu đã điều tra các đặc tính hóa học và vật lý của thiên thạch. Họ xác định thiên thạch này có nguồn gốc từ Terra Cimmeria-Sirenum, một trong những vùng cổ xưa nhất của sao Hỏa. Vùng này có thể có bề mặt tương tự như các lục địa của Trái đất. Những hành tinh như sao Hỏa có các hố va chạm trên khắp bề mặt nên việc tìm kiếm vị trí chính xác là một thách thức. 

Trong một nghiên cứu trước đó, nhóm của nhà khoa học Lagain phát triển một thuật toán về phát hiện miệng núi lửa dùng những hình ảnh có độ phân giải cao của bề mặt sao Hỏa để xác định các hố va chạm nhỏ. Nghiên cứu này tìm thấy khoảng 90 triệu hố nhỏ có đường kính 50m. 

Miệng núi lửa Karratha trên sao Hỏa. Ảnh: Đại học Bắc Arizona

Và trong nghiên cứu mới nhất đăng trên Nature Communications, các nhà khoa học đã khoanh vùng được vị trí phóng hợp lý nhất của thiên thạch: Miệng núi lửa Karratha, nơi hình thành từ một miệng núi lửa cổ xưa hơn là Khujirt. 

Mở lối giải đáp về sự sống trên sao Hỏa

Nhà khoa học Lagain nhấn mạnh: "Lần đầu tiên, chúng ta biết bối cảnh địa chất của mẫu vật sao Hỏa dăm kết duy nhất có trên Trái đất. Chúng ta biết được bối cảnh này 10 năm trước khi sứ mệnh Đưa Mẫu vật sao Hỏa trở lại Trái đất của NASA dự kiến đưa các mẫu vật mà tàu thám hiểm Perseverance thu thập được ở miệng núi lửa Jezero. Nghiên cứu này đã mở đường để xác định vị trí phóng của các thiên thạch khác trên sao Hỏa, nhằm tạo ra cái nhìn toàn diện nhất về lịch sử địa chất của hành tinh đỏ". 

Về phần mình, nhà khoa học Valerie Payré nghiên cứu bản chất và sự hình thành của lớp vỏ sao Hỏa để xác định xem Trái đất và sao Hỏa có chung quá khứ bao gồm lớp vỏ giống lục địa và vỏ giống đại dương hay không. Bà dùng các quan sát quỹ đạo thu được trong khu vực để điều tra xem liệu dấu vết của hoạt động núi lửa tương tự như ở Iceland có tồn tại trên sao Hỏa hay không. 

“Cho đến nay, sự phức tạp của lớp vỏ sao Hỏa vẫn chưa được hiểu rõ, và việc biết về nguồn gốc của những mảnh vỡ cổ xưa tuyệt vời này có thể dẫn đến những sứ mệnh thám hiểm không gian trong tương lai để khám phá vùng Terra Sirenum-Cimmeria, nơi che giấu sự thật về tiến hóa sao Hỏa, và có lẽ cả Trái đất. Công trình này mở đường để xác định vị trí phóng của các thiên thạch khác trên sao Hỏa, cung cấp cái nhìn toàn diện nhất về lịch sử địa chất của sao Hỏa và sẽ trả lời một trong những câu hỏi hấp dẫn nhất: Tại sao sao Hỏa (hiện nay khô và lạnh) lại phát triển khác với Trái đất (một hành tinh có sự sống tràn trề)" - nhà hoa học Mỹ nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn