MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thủ đô mới của Indonesia tiềm ẩn nhiều bệnh dịch từ rừng nhiệt đới. Ảnh: Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia

Thủ đô mới của Indonesia và nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Thảo Phương LDO | 26/02/2023 11:27

Nusantara - thủ đô rừng nhiệt đới của Indonesia là nơi trú ẩn của một số vi khuẩn tự nhiên gây bệnh về đường hô hấp.

Nusantara được chính phủ Indonesia chủ trương xây dựng nhằm mục đích thay thế thủ đô Jakarta đang chìm trong ô nhiễm.

Tuy nhiên, trung tâm chính trị 30 tỉ USD khiến các chuyên gia lo ngại khi dân cư có khả năng phải đối mặt với các loại bệnh do việc xây dựng tác động đến hệ sinh thái rừng nhiệt đới. 

Theo giới chuyên môn, sức khỏe cộng đồng của thủ đô rừng nhiệt đới có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi sự lây lan của các vi khuẩn truyền nhiễm, dấu hiệu đại dịch có sức tàn phá khủng khiếp đang thể hiện rõ hơn bao giờ hết.

“Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi COVID-19, vậy nên chính phủ cần hết sức chú ý đến khía cạnh sức khỏe của cư dân Nusantara”, Tjandra Yoga Aditama, Giáo sư Y khoa Đại học Indonesia nhận định.

“Hiện nay, chúng tôi đang nhận được rất nhiều thông tin về thủ đô mới của đất nước, từ đường xá, trạm thu phí đến kiến ​​trúc. Tuy nhiên, những chi tiết quan trọng hơn như cách chính phủ sẽ đối phó với tình hình sức khỏe cộng đồng trong khu vực rừng nhiệt đới vẫn chưa được công bố”, ông Tjandra nói thêm.

Kiến trúc dinh thự của Tổng thống đang được xây dựng tại Nusantara. Ảnh: Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia

Nusantara sở hữu những khu rừng mưa nhiệt đới rộng lớn, trải dài và lâu đời nhất Indonesia. Chính vì vậy, nơi đây từng ghi nhận nhiều dịch bệnh bùng phát bao gồm sốt rét do muỗi, bệnh lao và bệnh giun chỉ bạch huyết.

Một báo cáo năm 2022 của Cơ quan Y tế Đông Kalimantan đã cho thấy một số bệnh truyền nhiễm vẫn đang gia tăng trong khu vực.

Theo thống kê từ Bộ Y tế Indonesia, sốt xuất huyết vẫn là căn bệnh phổ biến và Đông Kalimantan (khu vực của thủ đô mới) nằm trong top 6 những nơi có số ca mắc bệnh và tử vong nhiều nhất trên cả nước trong năm 2022.

Đầu tháng 2.2023, Tổng thư ký Bộ Y tế Kunta Wibawa Nugraha cho biết, trọng tâm ban đầu đối với Nusantara là xây dựng các bệnh viện và trung tâm y tế cộng đồng.

Theo dự kiến, Nusantara sẽ có 1,9 triệu người sinh sống vào năm 2045. Các nhà môi trường nhận định, dân cư tăng nhanh có thể dẫn đến những thay đổi mạnh mẽ đối với địa hình của khu vực, điển hình là nạn phá rừng chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái.

Trong nhiều thập kỷ, Nusantara đã phải đối mặt với sự suy thoái môi trường do khai thác thương mại, canh tác và khai thác gỗ.

Arie Rompas, trưởng nhóm chiến dịch bảo vệ rừng Greenpeace Indonesia nhận định: “Môi trường của hòn đảo đã bị ảnh hưởng bởi nạn phá rừng trước khi có dự án thủ đô mới. Kết quả là, cường độ lũ lụt và thảm họa sinh thái đã và đang tăng lên hàng năm”.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo tự hào giới thiệu Nusantara như một tầm nhìn không tưởng về một thành phố “xanh” có diện tích gấp 4 lần Jakarta, nơi cư dân sẽ đi lại bằng xe buýt điện và cam kết trung hòa carbon vào năm 2045. Theo ước tính, dự án thủ đô mới có giá trị 466 nghìn tỉ rupiah (khoảng 30 tỉ USD), trong đó tiền thuế của người dân dự kiến ​​sẽ chi trả khoảng 20%.

Giới chuyên môn hy vọng chính phủ ngừng thực hiện dự án một cách gấp rút mà thay vào đó hãy tham khảo ý kiến ​​của của dân cư và các chuyên gia môi trường để ngăn thủ đô mới đi vào “vết xe đổ” như quá trình phát triển lộn xộn của Jakarta.

Nusantara đang đối mặt với thực trạng suy thoái môi trường. Ảnh: Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia

Nếu tiến độ xây dựng diễn ra theo đúng kế hoạch, Nusantara diện tích 2.560 km2, sẽ được chuyển đổi thành trung tâm chính trị của Indonesia vào cuối năm 2024, thay thế Jakarta, thủ đô 10 triệu dân đang dần mất hình ảnh trái tim xanh, sạch, đẹp của đất nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn