MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Twitter @Joe Biden

Tiết lộ tỉ lệ đảng viên Dân chủ muốn Tổng thống Biden tái tranh cử

Song Minh LDO | 08/02/2023 07:21
Tỉ lệ ủng hộ của công chúng với Tổng thống Mỹ Joe Biden và tỉ lệ đảng viên Dân chủ muốn ông tái tranh cử tổng thống năm 2024 hiện ở mức thấp.

Gần 2/3 người Mỹ (65%) được hỏi tin rằng nước Mỹ đang đi sai hướng - theo một cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos công bố hôm 7.2 trước bài diễn văn Thông điệp Liên bang của Tổng thống Joe Biden. Con số này gia tăng rõ rệt so với năm ngoái, khi chỉ có 58% số người được hỏi bày tỏ sự nghi ngờ tương tự.

Trong bối cảnh Tổng thống Joe Biden chuẩn bị phát biểu trước Quốc hội vào 9h tối 7.2 giờ Mỹ (9h sáng 8.2 giờ Việt Nam), tỉ lệ ủng hộ của công chúng đối với ông Biden vẫn ở dưới mức 41% - không hẳn là mức thấp so với con số 36% mà ông Biden duy trì liên tục vào mùa xuân và mùa hè năm ngoái - nhưng vẫn là vấn đề đối với một nhà lãnh đạo đang tìm cách thuyết phục cử tri trao cho ông nhiệm kỳ thứ hai.

Thông điệp Liên bang của ông Biden dự kiến sẽ đề cao những nỗ lực lập pháp của tổng thống trong các lĩnh vực cơ sở hạ tầng và lạm phát. Lạm phát (cùng với “nền kinh tế” nói chung) đứng đầu danh sách mối quan tâm của người Mỹ trong cuộc thăm dò gần đây. 

Nhà Trắng nói với các phóng viên rằng ông Biden sẽ đưa ra một “chương trình nghị sự thống nhất” nhấn mạnh sự hợp tác của lưỡng đảng trong nghiên cứu ung thư, sức khỏe của cựu chiến binh, sức khỏe tâm thần nói chung và rối loạn sử dụng opioid (thuốc giảm đau có tính chất gây nghiện).

Tổng thống Joe Biden sẽ đọc Thông điệp Liên bang vào 21h ngày 7.2.2023 (9h ngày 8.2 giờ Việt Nam). Ảnh: Twitter @Joe Biden

Tuy nhiên, không có vấn đề nào trong số này lọt vào danh sách 5 vấn đề người Mỹ quan tâm nhất trong cuộc thăm dò của Reuters. Sau kinh tế - bao gồm tỉ lệ thất nghiệp và việc làm - kết quả gần đây nhất của những người thăm dò ý kiến cho thấy tội phạm/tham nhũng, nhập cư, môi trường/khí hậu và bất bình đẳng/phân biệt đối xử là những vấn đề chính khiến người Mỹ lo lắng. Trong một sự thể hiện hiếm hoi về sự đoàn kết lưỡng đảng, các đảng viên Cộng hòa, Dân chủ và độc lập đã đồng ý rằng nền kinh tế là thách thức số một của quốc gia.

Chỉ 37% đảng viên Đảng Dân chủ muốn ông Biden tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ hai, theo một cuộc thăm dò của AP được công bố vào đầu tuần này. Những người được hỏi viện dẫn lý do về tuổi tác, sự suy giảm tinh thần và khả năng điều hành kém hiệu quả của ông Biden, và muốn có một nhà lãnh đạo mới. Chỉ 13% người được hỏi nói rằng họ rất tin tưởng vào khả năng hoàn thành các mục tiêu chính sách lớn của tổng thống.

Tuy nhiên, bất chấp tỉ lệ ủng hộ thấp, đảng Dân chủ của ông Biden đã thể hiện sức mạnh đáng kinh ngạc trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Mặc dù đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Hạ viện, song đảng Dân chủ đã tránh được "làn sóng đỏ" tràn ngập và duy trì quyền kiểm soát Thượng viện.

Trong một diễn biến khác, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger cho rằng nước Mỹ đang đối mặt với sự "chia rẽ trong nước và rối loạn quốc tế". 

Cảnh báo tại một sự kiện hôm 5.2 tại Thư viện Tổng thống Ronald Reagan, ông Kissinger nói: "Bởi vì Mỹ đang chịu đựng sự chia rẽ trong nước và rối loạn quốc tế về những tranh luận chúng ta là ai và chúng ta đại diện cho điều gì, nên Mỹ cảm thấy khó khăn trong việc tập hợp sự gắn kết trong nước để đối mặt với những thách thức trước mắt".

Theo cựu Ngoại trưởng Kissinger, những điều này bao gồm “thách thức đối với trật tự thế giới” từ Trung Quốc, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina, và sự phát triển "vũ khí có sức tàn phá lớn nhất thế giới” của Iran, chưa kể đến trí tuệ nhân tạo (AI) “đang chuyển hóa chính ý thức của con người”.

Ông nói: “Mỗi bước phát triển cấp bách này đều đòi hỏi sự kết hợp giữa sức mạnh và sự hòa giải" đồng thời nhắc nhở những người hâm mộ ông Reagan rằng cựu tổng thống “biết nước Mỹ cần phải hùng mạnh về chất và lực để bảo vệ trật tự thế giới - bằng vũ lực, nếu cần thiết”.

Vị cựu tổng thống quá cố Ronald Reagan luôn tin rằng “Nước Mỹ an toàn và thịnh vượng nhất khi nước này dẫn đầu trong việc định hình một thế giới ổn định” và rằng “một thế giới ổn định không thể dựa trên chủ nghĩa biệt lập của Mỹ" - ông Kissinger khẳng định.

Tháng trước tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cựu Ngoại trưởng Kissinger đã công khai tán thành ý tưởng về việc Ukraina trở thành thành viên của NATO, đảo ngược lập trường phản đối mà ông đã lên tiếng trong hội nghị trước đó, khi ông kêu gọi chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn