MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiệt kế đường phố ghi 44 độ C ở Seville, Tây Ban Nha trong đợt nắng nóng tháng 4.2023. Ảnh: AFP

Tìm ra "thủ phạm" kích hoạt nắng nóng đỉnh điểm ở vùng ven Địa Trung Hải

Phương Anh LDO | 07/05/2023 14:55
Nắng nóng đỉnh điểm trong 4 ở phía tây Địa Trung Hải "gần như không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu", theo nghiên cứu mới. 

Nắng nóng cực độ bao trùm bán đảo Iberia và một số khu vực của Bắc Phi vào ngày 27.4 sẽ “gần như không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu”, theo một nghiên cứu quốc tế. 

Báo cáo của World Weather Attribution (WWA) - cơ quan có các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về mối quan hệ giữa các sự kiện thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu - cho biết, “đợt nắng nóng sớm khác thường” liên quan đến “nhiệt độ cục bộ cao hơn bình thường tới 20 độ và kỷ lục tháng 4 bị phá vỡ tới 6 độ”.

Một khối không khí khô, nóng từ Bắc Phi đã đến bán đảo Iberia vào sáng sớm ngày 24.4. Khối không khí này khiến nhiệt độ tăng cao kỷ lục trong tháng 4, với nhiệt độ lên tới 38,8 độ C ở phía nam Tây Ban Nha và 36,9 độ C ở miền trung Bồ Đào Nha. Mức nhiệt độ cao như vậy ở những khu vực này thường chỉ xảy ra trong tháng 7 các năm. 

Ở Morocco, kỷ lục nhiệt độ địa phương đã bị phá vỡ với nhiệt độ tăng vọt trên 41 độ C ở một số nơi, trong khi tại Algeria, nhiệt độ vượt quá 40 độ C.

Cơ quan thời tiết quốc gia Aemet cho hay, năm nay, Tây Ban Nha ghi nhận tháng 4 khô nhất và nóng nhất kể từ ít nhất năm 1961, khi những dữ liệu bắt đầu được ghi lại. 

"Biến đổi khí hậu do con người gây ra đã khiến đợt nắng nóng kỷ lục ở Algeria, Morocco, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha có khả năng cao hơn ít nhất 100 lần và nắng nóng gần như không thể xảy ra nếu không có biến đổi khí hậu”, báo cáo nêu rõ. 

Theo các nhà khoa học, “nhiệt độ nóng hơn tới 3,5 độ C so với khi không có biến đổi khí hậu”, gây ra sự kiện mà các nhà khoa học mô tả là “hiếm gặp”.

Bà Sjoukje Philip - nhà nghiên cứu tại Viện Khí tượng Hoàng gia Hà Lan - cho biết: “Chúng ta sẽ chứng kiến những đợt nắng nóng thường xuyên hơn và dữ dội hơn trong tương lai khi hiện tượng nóng lên toàn cầu tiếp tục diễn ra". 

Theo WWA, nhiệt độ cao bất thường như vậy xảy ra sau “một đợt hạn hán lịch sử kéo dài nhiều năm ở những khu vực đó, làm trầm trọng thêm tác động của nắng nóng với nông nghiệp vốn đã bị đe dọa bởi tình trạng khan hiếm nước ngày càng tăng”.

Tại Tây Ban Nha, nơi được mệnh danh là vườn rau của châu Âu, hiệp hội nông dân COAG cảnh báo, 60% diện tích đất nông nghiệp đang “nghẹt thở” vì thiếu mưa.

Khi các hồ chứa nước chỉ còn một nửa công suất, Tây Ban Nha đã đề nghị sự Brussels kích hoạt quỹ dự phòng khủng hoảng nông nghiệp của Liên minh châu Âu.

Các chuyên gia cho rằng, các vùng của Tây Ban Nha đang khô hạn nhất trong một nghìn năm qua, với tình trạng hạn hán đang diễn ra khiến một số nông dân quyết định không gieo trồng vào năm 2023.

Tiến sĩ Friederike Otto - chuyên gia khoa học khí hậu cao cấp tại Viện Môi trường và Biến đổi khí hậu Grantham tại Đại học Hoàng gia London - cho hay: “Địa Trung Hải là một trong những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu ở châu Âu. Khu vực này đã trải qua một đợt hạn hán rất dữ dội và kéo dài cũng như nhiệt độ cao vào thời điểm trong năm lẽ ra phải có mưa khiến cho tình hình trở nên tồi tệ hơn". 

Sau khi trải qua năm nóng nhất được ghi nhận vào năm 2022 và đợt nắng nóng khắc nghiệt vào tháng 4, tuần trước, chính phủ Tây Ban Nha đã phải có biện pháp bảo vệ Aemet - cơ quan có các nhà dự báo thời tiết đáng đối mặt với những lời đe doạ và lạm dụng từ công chúng quá khích. 

“Kẻ sát nhân”, “Bọn tội phạm”... là một số tin nhắn nặc danh được gửi tới Aemet trong những tuần gần đây trên mạng xã hội, qua e-mail và thậm chí qua điện thoại.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn