MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đảo Jiangxin. Ảnh: Đảo Công nghệ cao Sinh thái Nam Kinh Singapore

Tỉnh giàu thứ 2 Trung Quốc đầu tư lớn cho kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo

Thanh Hà LDO | 07/05/2023 14:21
Đảo Jiangxin nằm giữa sông Dương Tử, cách trung tâm thành phố Nam Kinh 6,5 km, là nơi tọa lạc các đơn vị trí tuệ nhân tạo (AI) của những công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, Tencent và iFlytek.

Khi hướng tới nền kinh tế xanh, Giang Tô - một trong những tỉnh giàu có nhất của Trung Quốc - đã khai thác chuyên môn của Singapore về quy hoạch đô thị bền vững, điều này thể hiện rõ ở các văn phòng, khu dân cư và xe buýt điện chạy bằng năng lượng mặt trời trên đường phố của Jiangxin. 

Đảo Jiangxin được đổi tên thành Đảo Công nghệ cao Sinh thái Nam Kinh Singapore, cung cấp kế hoạch chi tiết về một thành phố thông minh thân thiện với môi trường.

Đây là một phần của khu doanh nghiệp công nghệ cao, có khu dân cư, công viên và cả trường học địa phương cho cư dân.

Ông Lu Hong - Phó Giám đốc Ủy ban quản lý khu phát triển kinh tế đảo công nghệ cao sinh thái Nam Kinh - chia sẻ với The Straits Times rằng, ông đã thuyết phục được ít nhất 12 công ty thiết lập hoạt động trên đảo kể từ năm 2019.

Việc xây dựng dự án bắt đầu năm 2009, khi cư dân trên đảo di dời. Phải mất gần 10 năm xây dựng cơ sở hạ tầng, định hình lại cảnh quan của hòn đảo, trước khi sẵn sàng cho các doanh nghiệp và cư dân chuyển đến.

Hầu hết doanh nghiệp ở đây hoạt động trong lĩnh vực xử lí nước, bảo vệ môi trường, AI và giao thông thông minh. Hãng công nghệ lái xe tự động WeRide đã vận hành xe buýt đưa đón không người lái trên đảo.

Ông Lu cho biết, giới chức có kế hoạch xây dựng một khu phát triển tích hợp khác sẽ trung hòa carbon, trong khi nhiều đơn vị xử lí nước đang tìm cách chuyển đến Trung tâm Nước Quốc tế trên đảo.

Giang Tô đã đầu tư tiền vào khoa học và công nghệ để cạnh tranh về đổi mới sáng tạo với các tỉnh khác của Trung Quốc. Ảnh: Đảo Công nghệ cao Sinh thái Nam Kinh Singapore

Khi tỉnh chuyển hướng tập trung vào khoa học và công nghệ, cũng như nền kinh tế xanh, ông Lu hi vọng nhiều đơn vị trong lĩnh vực này sẽ tận dụng lợi thế của hệ sinh thái kinh doanh thích hợp của hòn đảo.

Trong đại dịch COVID-19, các quy định hạn chế đi lại khiến các doanh nhân và nhà khoa học muốn làm việc trong các dự án hợp tác không thể đến Nam Kinh và việc xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng cũng bị đình trệ.

“Nhưng giờ đây Trung Quốc đã mở cửa trở lại, chúng tôi đã quay trở lại đúng hướng" - ông Lu nói, bày tỏ hi vọng đảo Jiangxin sẽ được biết đến nhiều hơn trong tương lai và có thêm nhiều đơn vị chuyển tới. 

Giang Tô - nền kinh tế trị giá 12,3 nghìn tỉ nhân dân tệ (1,7 nghìn tỉ USD) năm 2022, chỉ đứng sau trung tâm sản xuất Quảng Đông - đã đầu tư tiền vào khoa học và công nghệ khi tỉnh này cạnh tranh về đổi mới sáng tạo với các tỉnh khác, như Chiết Giang và Quảng Đông lân cận.

Năm 2021, đầu tư vào khoa học và công nghệ, các ngành mới nổi như nghiên cứu AI, doanh nghiệp công nghệ cao và nghiên cứu khoa học kỹ thuật chiếm 85% GDP của tỉnh, theo dữ liệu từ nhà hoạch định kinh tế tỉnh, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Giang Tô. 

Để thu hút các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo như vậy đến Giang Tô, chính quyền địa phương đã đưa ra một loạt chính sách ưu đãi.

Chỉ riêng ở Nam Kinh, những đơn vị được công nhận là “doanh nghiệp công nghệ cao” nhận được phần thưởng 300.000 nhân dân tệ (43.411 USD), với số tiền tương tự được cung cấp cho những công ti được coi là “đổi mới sáng tạo”.

Ở những nơi khác trên toàn tỉnh, các công viên nghiên cứu và phát triển đã được thành lập nhằm thúc đẩy các cụm sáng tạo hợp tác.

Với các nhà nghiên cứu hoặc doanh nghiệp không có bí quyết kỹ thuật, tỉnh cũng có Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp Giang Tô (Jitri), giúp đưa nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm của trường đại học ra thị trường.

Hợp tác với khoảng 70 trường đại học trong nước và hơn 70 tổ chức quốc tế trong thập kỷ qua, Jitri đã đưa hơn 7.000 sản phẩm ra thị trường. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn