MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Tình thế rối ren của xung đột Ukraina

Hồng Hạnh LDO | 30/05/2022 21:53
Trong bối cảnh xung đột ở Ukraina tiếp tục tăng nhiệt, giới chuyên gia sẽ luận giải những điều rối ren trên con đường tiến tới kết thúc xung đột cũng như lập trường bất nhất của các nước phương Tây.

Chỉ vài tuần trước, phương Tây đồng lòng quyết tâm khiến Nga nhận thất bại trong xung đột với Ukraina, thì tín hiệu gần đây từ quan chức và truyền thông phương Tây cho thấy liên minh chống Nga ngày càng lộ rõ những bất đồng cả về kết quả của xung đột lẫn các biện pháp hỗ trợ Kiev tiếp theo.

Phương Tây chia rẽ 

Tờ Newsweek của Mỹ nhận định tình hình hiện tại ở Donbass không lạc quan như Kiev mong muốn, vì việc điều chỉnh chiến lược của Nga mang lại kết quả thuận lợi. Với phí tổn lớn theo thời gian, phương Tây sẽ càng chia rẽ trong tầm nhìn về kết quả cuối cùng và các phương diện khác.

“Ukraina cần tính đến việc phương Tây có thể bị làn sóng mệt mỏi vì xung đột bao phủ. Đức, Italia và Pháp quan tâm đến việc kết thúc xung đột càng sớm càng tốt” - tạp chí bình luận.

Tổng thống Ukraina Zelensky sẽ không thể bỏ qua điều này, mặc dù bây giờ ông phản đối ý tưởng ngừng bắn. Kiev có thể phải chấp nhận quan điểm mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nêu tuần trước tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ. Theo đó, Ukraina nên chấp nhận từ bỏ một phần lãnh thổ của mình để đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga, chấm dứt xung đột.

Ông Kissinger không hề đơn độc. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã tuyên bố đảo chiều chính sách của Berlin, hứa hẹn hỗ trợ quân sự đáng kể cho Kiev nhưng trên thực tế, mọi bước đi đều khiêm tốn hơn.

Tờ Die Welt của Đức viết, từ ngày 30.3 đến 26.5, Đức chỉ chuyển giao cho Ukraina hai lô mìn chống tăng. Berlin cũng không vội cân nhắc gửi xe tăng Leopard 1 và xe bọc thép Marder cho Kiev.

Truyền thông Ba Lan thể hiện sự hoài nghi về tinh thần đoàn kết của các nước NATO. Trong cuộc phỏng vấn với Wirtualna Polska, các chuyên gia nhấn mạnh Ukraina không nên trông chờ vào việc lấy lại các vùng lãnh thổ đã mất, cũng như việc NATO tham gia vào xung đột với Nga.

Chính quyền Gruzia phản ứng thận trọng. Thủ tướng Irakli Garibashvili khẳng định, bất chấp sức ép ngày càng tăng từ phương Tây, Tbilisi sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga và làm trầm trọng thêm quan hệ với nước này, ngay cả khi điều đó gây thêm khó khăn cho quan hệ của họ với phương Tây.

Con đường đàm phán khó khăn

Theo tờ RG của Nga, chiến lược của Mỹ là kéo dài xung đột một cách tối đa. Một mặt, Washington không vội vàng cung cấp cho Kiev mọi hỗ trợ quân sự trong khả năng, như chuyển giao máy bay và xe tăng hiện đại. Mặt khác, ngay khi cán cân của cuộc xung đột không nghiêng về phía Kiev, Mỹ đã kịp thời viện trợ.

Trong bối cảnh gia tăng nguy cơ Ukraina bị bao vây ở Donbass, Mỹ đã quyết định sẽ cung cấp các Hệ thống tên lửa phóng loạt (MLRS), có thể là M270 MLRS hoặc M142 HIMARS với tên lửa M31. Gói viện trợ mới cho Kiev có thể được công bố vào cuối tuần này.

Trong khi Mỹ, Anh, Ba Lan và các nước Baltic duy trì luận điệu phải khiến Nga thất bại, Đức, Italia và Pháp đang tìm cách sớm tiến đến cuộc đàm phán hoà bình.

Giáo sư Chính trị quốc tế tại Đại học Bundeswehr Munich, Carlo Masala, nhận định thời điểm hiện tại, Tổng thống Putin không có lý do gì để đàm phán với Ukraina. Theo ông, Kiev không muốn từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào và Nga cũng không muốn rời đi, vì vậy các cuộc đàm phán sẽ “cực kỳ khó khăn”.

Những thành công quân sự gần đây của Nga ở Donbass có thể bởi hai lý do: Ukraina không đủ vũ khí hạng nặng và quân đội Nga thay đổi chiến lược thành công.

“Họ đã ngừng tấn công trên một mặt trận rộng lớn. Hiện giờ, họ đang tập trung quân đội để tiến tới giành được từng phần nhỏ trên mặt trận”.

Ukraina nhận được sự trợ giúp từ phương Tây nhưng ông Putin vẫn chưa dốc hết sức lực. Ông ấy có thể áp đặt thiết quân luật, tuyên bố lệnh tổng động viên. Ông ấy không làm điều đó vì những lý do chính đáng nhưng vẫn có các lựa chọn”, ông Masala nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn