MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Toàn cảnh bạo loạn ở Kazakhstan và lý do Nga không thể đứng nhìn

Ngọc Vân LDO | 06/01/2022 16:00
An ninh Trung Á, khả năng tiếp cận không gian và người dân tộc Nga là những lý do khiến Nga không thể khoanh tay đứng nhìn tình trạng bạo loạn ở Kazakhstan.

Biểu tình leo thang thành bạo lực ở Kazakhstan

Bạo loạn ở Kazakhstan đang diễn ra với tốc độ chóng mặt, thay đổi hàng giờ, leo thang từ các cuộc biểu tình phản đối giá năng lượng tăng vọt. Những thước phim về cuộc biểu tình ở Kazakhstan đã lan rộng khắp thế giới.

Tuy nhiên, tình trạng bất ổn dường như chủ yếu là tự phát và không được kiểm soát. Có vẻ như chưa có thủ lĩnh nào đứng ra tổ chức các đám đông. Chính phủ không biết phải thương lượng với ai, trong khi những người biểu tình đang giành quyền kiểm soát nhiều tòa nhà công cộng của Kazakhstan và xông vào phá hủy các văn phòng của đảng chính trị cầm quyền Nur Otan và các kênh truyền hình quốc gia.

Các cuộc biểu tình bắt đầu vào ngày 2.1 ở miền tây Kazakhstan khi giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) - được hầu hết người dân địa phương sử dụng làm nhiên liệu ôtô thay vì xăng - tăng cao. Chính phủ từ chối tiếp tục trợ giá và nói rõ rằng từ đó trở đi, giá LNG sẽ chỉ do thị trường kiểm soát. Và nó đã tăng gấp đôi ngay lập tức - từ 0,14 đến 0,28 USD/lít. Chính phủ tin rằng động thái này sẽ “cho phép đạt được mức giá khí đốt cân bằng dựa trên cung và cầu” cũng như “thu hút đầu tư” cho các năng lực sản xuất mới.

Thời gian đầu, các cuộc biểu tình hầu hết diễn ra trong hòa bình, không có đụng độ với cảnh sát. Tuy nhiên, tình hình đã thay đổi và 69 người đã bị cơ quan thực thi pháp luật giam giữ vào ngày 2 và 3.1.

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã chỉ thị cho chính phủ giải quyết vấn đề giá khí đốt tăng vọt. Ngay sau đó, giới chức đã tiến hành điều tra chủ sở hữu các trạm xăng ở Kazakhstan và hứa sẽ “đưa ra một loạt các biện pháp để điều chỉnh giá xăng”.

Nhưng điều này không đủ để xoa dịu đám đông phản đối, những người đã dùng đến những hành động thậm chí còn cực đoan hơn. Vào tối 4.1, các cuộc đụng độ bạo lực với các nhân viên thực thi pháp luật bắt đầu ở nhiều thị trấn của Kazakhstan, kéo dài suốt đêm.

Trong nỗ lực xoa dịu người biểu tình, Tổng thống Tokayev đã đồng ý với một trong những yêu cầu của họ và giải tán chính phủ Kazakhstan. Sau đó, có tin đồn rằng các cuộc bầu cử quốc hội sớm sẽ được tổ chức. Tuy nhiên, lần nhượng bộ thứ hai này lại không xoa dịu được phong trào đường phố. Điều này có thể được giải thích là do việc thành lập chính phủ mới không có sự khác biệt đáng kể so với chính phủ trước đó. Phó Thủ tướng thứ nhất Alihan Smaiylov được bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ lâm thời.

Liên minh do Nga đứng đầu hỗ trợ

Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev kêu gọi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - liên minh do Nga đứng đầu bao gồm cả Belarus, Armenia, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan - hỗ trợ vãn hồi trật tự và CSTO đã đồng ý với đề nghị này. RT đưa tin, Chủ tịch CSTO, ông Nikol Pashinyan tuyên bố triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình trong một khoảng thời gian "giới hạn" để ổn định tình hình ở Kazakhstan. 

Biên giới giữa Nga và Kazakhstan kéo dài gần 7.000km, khiến nước này trở thành biên giới trên bộ liên tục dài nhất thế giới và là nhân tố quan trọng trong chiến lược an ninh của Nga. Sự ổn định chính trị ở Kazakhstan là vô cùng quan trọng đối với Nga, vì sự bất ổn ở đó khiến Nga có thể đối mặt với đủ loại mối đe dọa từ phía nam, do thực tế là biên giới không chỉ rộng lớn mà còn trải dài hầu hết qua các đồng bằng dân cư thưa thớt và do đó rất khó kiểm soát.

Một nhân tố quan trọng khác là Baikonur, được Nga thuê của Kazakhstan và là nơi có sân bay vũ trụ nổi tiếng. Cơ sở không gian khác của Nga, Vostochny, được xây dựng gần đây và chỉ được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ không người lái cho đến nay. Cho đến khi sẵn sàng thay thế đầy đủ năng lực của Baikonur, Nga sẽ cần cả Baikonur và sự ổn định chính trị ở Kazakhstan, điều cần thiết để vận hành cơ sở không gian này.

Sary Shagan, một cơ sở quan trọng đối với an ninh của Nga, cũng nằm ở Kazakhstan. Đây là địa điểm đầu tiên và duy nhất ở Âu-Á thử nghiệm các hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM). Khả năng sử dụng địa điểm thử nghiệm này đóng một vai trò quan trọng trong khả năng phòng thủ của Nga.

Kazakhstan cũng có một cộng đồng lớn người Nga: 3,5 triệu người dân tộc Nga chiếm 18,4% tổng dân số cả nước. Trong số họ có hậu duệ của người Cossack được biết là đã sống trên lãnh thổ của Kazakhstan ngày nay ít nhất là từ thế kỷ 16 và 17. Sự an toàn của cộng đồng người Nga ở Kazakhstan, với bề dày lịch sử, là mối quan tâm lớn của Nga.

Theo RT, các cuộc biểu tình ở Kazakhstan có tầm quan trọng đối với Nga cả về chính sách đối nội và đối ngoại của nước này. Các phương tiện truyền thông và chính trị gia Nga đã nói về nổi lên của các phong trào dân tộc chủ nghĩa ở Kazakhstan trong suốt năm 2021. Mátxcơva chắc chắn đang theo dõi sát những diễn biến ở đó, vì tình hình ở Kazakhstan là chìa khóa cho cả an ninh nội bộ và quốc tế của Nga và để duy trì vị thế nguyên trạng về không gian hậu Xô Viết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn