MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Toàn cảnh cuộc chiến khí đốt Nga-phương Tây về Nord Stream

Khánh Minh LDO | 20/07/2022 11:41

Đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và Nord Stream 2 đang là tâm điểm chú ý trong cuộc chiến khí đốt giữa Nga và phương Tây.

Nord Stream 1

Nord Stream (Dòng chảy Phương Bắc) là dự án đường ống dẫn khí đốt xa bờ từ Vyborg, Nga đến Greifswald, Đức. Tên gọi này còn mang ý nghĩa rộng hơn bao gồm cả các đường ống cung cấp khí đốt trên cạn ở Nga và xa hơn nữa là nối liền hệ thống này với Tây Âu. 

Dự án do Nga và Đức hợp tác này đã gặp nhiều phản đối liên quan đến các vấn đề môi trường, chính trị và an ninh quốc gia ở một số nước như Thụy Điển, Phần Lan và các quốc gia vùng Baltic mà đường ống đi qua. 

Việc xây dựng đường ống trên đất liền phía Nga bắt đầu ngày 9.12.2005 thuộc thị trấn Babayevo ở tỉnh Vologda. Chiều dài đường ống này là 917km với đường kính 1.420mm. 

Đường ống Nord Stream 1 trên biển được lắp đặt và vận hành bởi Nord Stream AG, một công ty liên doanh với Gazprom. Đường ống chạy từ trạm nén khí Vyborg ở vịnh Portovaya Bay dọc theo đáy của biển Baltic đến Greifswald ở Đức. Chiều dài đoạn dưới biển là 1.222km, chạy qua các vùng đặc quyền và lãnh hải của Nga, Phần Lan, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức. Đoạn đường ống này có hai nhanh song song, được khánh thành vào tháng 11.2011.

Nord Stream 1 do tập đoàn dầu khí Gazprom sở hữu phần lớn, chiếm ​​51% cổ phần và số còn lại do 4 đối tác phương Tây nắm giữ: EONGn và Wintershall Dea của Đức có 15,5% mỗi bên, và Engie của Pháp và Gasunie của Hà Lan giữ 9% mỗi bên.

Công ty Nord Stream AG có trụ sở tại Thụy Sĩ điều hành các vấn đề về vận chuyển, kỹ thuật, pháp lý và môi trường nhưng không sở hữu tài sản hoặc khí đốt trong đó.

Gazprom Export xử lý các lô hàng thông qua các hợp đồng với các công ty năng lượng và thương nhân khí đốt của Châu Âu.

Nguy cơ nếu Nord Stream 1 dừng hoạt động

Nord Stream 1 đã trở thành tâm điểm chú ý kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào ngày 24.2. Phương Tây cáo buộc Nga - nhà xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới và nhà cung cấp dầu thô lớn thứ hai - vũ khí hoá nguồn cung cấp năng lượng. Nga bác bỏ cáo buộc, khẳng định là một nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy.

Tập đoàn dầu khí Gazprom đã giảm công suất cung cấp qua đường ống xuống còn 40%, viện dẫn một tuabin khí của Nord Stream mà Siemens Đức đưa đi sửa chữa ở Canada không được trả về đúng hạn vì vướng các lệnh trừng phạt. Việc này đã được giải quyết sau khi Canada cho biết đã miễn trừng phạt và gửi trả tuabin vào ngày 17.7.

Nord Stream 1 tạm dừng hoàn toàn cung cấp khí đốt cho Châu Âu từ ngày 11-21.7 để bảo dưỡng định kỳ. Nếu Nord Stream 1 không hoạt động trở lại vào ngày 21.7, Châu Âu sẽ không có đủ nguồn cung cấp khí đốt cho những tháng mùa đông cao điểm. Các kho dự trữ khí đốt của Châu Âu hiện mới chỉ đầy 64% trong khi mục tiêu là 80% vào ngày 1.11.

Trong diễn biến mới nhất, hai nguồn tin quen thuộc với các kế hoạch xuất khẩu nói với Reuters hôm 19.7 rằng, Nord Stream 1 được cho là sẽ khởi động lại đúng hạn vào ngày 21.7 khi hoàn thành bảo dưỡng.

Nord Stream 2 gây tranh cãi

Năm 2015, một vài năm sau khi Nord Stream 1 khai trương, Đức ký một thỏa thuận xây Nord Stream 2 để mở rộng công suất dọc theo tuyến đường này. Nhưng nó đã bị chỉ trích dữ dội: Đường ống thuộc sở hữu hoàn toàn của Gazprom.

Nord Stream 2 dài khoảng 1.200km, trải dài từ biên giới phía tây nước Nga đến Estonia và Greifswald ở đông bắc nước Đức, không đi qua Ukraina. Đường ống nhằm cung cấp khí đốt tự nhiên xuyên qua lòng biển Baltic đến trung tâm Châu Âu.

Thủ tướng Đức khi đó là bà Angela Merkel đã bảo vệ Nord Stream 2 là một “dự án thương mại”, rất cần thiết cho lĩnh vực công nghiệp quan trọng của Đức. 

Nord Stream 2 do đó đã bắt đầu được xây dựng từ năm 2018, bất chấp sự phản đối từ Mỹ và các đồng minh khác, những nước cho rằng nó sẽ khiến Đức và Châu Âu phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt Nga và do đó sẽ dễ bị tổn thương hơn trước Mátxcơva.

Ukraina cũng phản đối kịch liệt Nord Stream 2 vì nước này mất nhiều nhất nếu đường ống dẫn khí đi vào hoạt động. Nga đã trả cho Ukraina xấp xỉ 2 tỉ USD phí trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ nước này.

Nhưng thực sự, điều quan trọng là Ukraina coi cơ sở hạ tầng đường ống là chính sách bảo hiểm của riêng mình với cả Nga và Châu Âu. Nga muốn bán khí đốt cho Châu Âu; Châu Âu cần mua khí đốt của Nga. Chừng nào Ukraina còn đóng vai trò trung chuyển khí đốt thì ít nhất Nga có thể cân nhắc tình hình Ukraina.

Đường ống Nord Stream 2 - với công suất thiết kế vận chuyển 55 tỉ mét khối khí đốt hàng năm - đã hoàn tất xây dựng vào tháng 9.2021 và sẵn sàng vận hành vào tháng 12 cùng năm. Tuy nhiên, ngày 22.2.2022, Thủ tướng Đức Olaf Scholz yêu cầu cơ quan quản lý của Đức đình chỉ quá trình xem xét phê duyệt Nord Stream 2 sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin công nhận độc lập hai vùng ly khai ở phía đông Ukraina. Hai ngày sau, ngày 24.2.2022, Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina. Nord Stream 2 bị đình trệ vô thời hạn.

Trong bối cảnh Đức nói riêng và Châu Âu nói chung đang rơi vào cuộc khủng hoảng khí đốt, chính trị gia cánh tả Klaus Ernst - Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ khí hậu và năng lượng của Hạ viện Đức - đã đề nghị chính phủ tạm thời xem xét vận hành Nord Stream 2 khi không thể đảm bảo sự ổn định của nguồn cung khí đốt theo những cách khác.

Tuy nhiên, ông Beate Baron - đại diện của Bộ Kinh tế và Hành động Khí hậu Liên bang Đức - cho biết hôm 18.7 rằng Đức không thể sử dụng Nord Stream 2 để vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga do Nord Stream 2 chưa được chứng nhận, không có giấy phép hợp pháp để hoạt động.

Tháng trước, tạp chí Der Spiegel đưa tin Bộ Tài chính Đức đang nghiên cứu khả năng quốc hữu hóa các đoạn đường ống chạy qua nước này. Chính phủ liên bang đang xem xét liệu một phần của hệ thống dẫn khí đốt Nord Stream 2 trên lãnh thổ Đức có thể cắt khỏi phần còn lại hay không. Các ống dẫn từ đất liền ra biển sau đó có thể được kết nối với một trạm đầu mối LNG di động.

Đáp lại, Nga tuyên bố sẽ có hành động pháp lý nếu Đức làm như vậy.

Các nhà phân tích tại ngân hàng Thụy Sĩ UBS cho biết, nếu không có khí đốt Nga, Đức sẽ phải trải qua đợt sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng công nghiệp, dẫn đến "suy thoái kinh tế sâu sắc”, với gần 6% GDP bị xóa sổ vào cuối năm tới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn