MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phần Lan công bố quyết định gia nhập NATO ngày 12.5.2022. Ảnh: Sky News

Toàn cảnh Phần Lan xin gia nhập NATO và phản ứng của Nga

Song Minh LDO | 12/05/2022 18:39

Việc Phần Lan tuyên bố quyết định gia nhập NATO có thể dẫn đến phản ứng của Nga, nước đã cảnh báo nhiều lần về việc mở rộng NATO về phía Đông.

Ngày 12.5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto và Thủ tướng Sanna Marin cho biết trong một tuyên bố chung rằng, Phần Lan nên nộp đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO ngay lập tức. Theo Sky News, tuyên bố này báo hiệu rằng Phần Lan có thể đệ đơn chính thức trong vài ngày tới.

Đây là một diễn biến lớn khác ở Châu Âu sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina, buộc các quốc gia trên thế giới phải suy nghĩ lại về các liên minh của họ.

Tác động

Phần Lan duy trì vị thế trung lập kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Thất bại trước Liên Xô trong cuộc chiến tranh 1939-1940 dẫn đến việc Phần Lan phải nhượng lại 10% lãnh thổ của mình cho Liên Xô.

Mặc dù gia nhập Liên minh Châu Âu (EU) vào năm 1995, nhưng Phần Lan vẫn độc lập về mặt quân sự kể từ đó do nhận thức được nguy cơ bị cho là chống lại Liên Xô và sau này là Nga.

Nhưng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, Phần Lan nằm trong số các quốc gia buộc phải suy nghĩ lại về mối quan hệ với Mátxcơva. Các nước này không còn chắc chắn rằng không liên kết là cách tiếp cận an toàn nhất.

Nếu trở thành quốc gia thứ 31 trong NATO, Phần Lan hy vọng sẽ được hưởng lợi từ cam kết “một người vì mọi người, mọi người vì một người” yêu cầu tất cả các thành viên hỗ trợ cho bất kỳ quốc gia nào bị tấn công.

Thủ tướng Sanna Marin (trái) và Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto trong cuộc họp báo vào ngày Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina, 24.2.2022. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Phần Lan

Tại sao Phần Lan muốn gia nhập NATO?

Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Phần Lan hôm 10.5 cho biết gia nhập NATO là lựa chọn tốt nhất để Phần Lan đảm bảo an ninh quốc gia của mình.

Gia nhập NATO sẽ gia tăng đáng kể khả năng răn đe đối với việc Phần Lan trở thành mục tiêu gây hấn của Nga - Ủy ban Quốc phòng kết luận trong tuyên bố.

Tổng thống Niinisto và Thủ tướng Marin dường như đồng ý khi cùng tuyên bố ngày 12.5: "Phần Lan phải nộp đơn xin gia nhập NATO ngay lập tức”.

Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài 1.300 km với nước láng giềng Nga, đặc biệt dễ bị tổn thương vì biên giới này khó được bảo vệ trước một cuộc tấn công từ phía Đông.

Gia nhập NATO có nghĩa gì?

Gia nhập NATO sẽ là một cơn địa chấn đối với quốc gia Bắc Âu, làm lung lay niềm tin lâu nay rằng việc đứng ngoài liên minh quân sự là cách tốt nhất để tránh rắc rối với nước láng giềng khổng lồ.

Tuy nhiên, đáng chú ý hơn, quyết định nói trên đến vào thời điểm một quốc gia trung lập lâu hơn là Thụy Điển cũng đang xem xét tham gia NATO.

Nếu Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, Nga sẽ thấy mình bị bao vây hoàn toàn bởi các nước NATO ở Biển Baltic và Bắc Cực.

Xét đến việc Nga sử dụng lo ngại rằng Ukraina sẽ gia nhập NATO như một phần lý do của chiến dịch quân sự và việc Tổng thống Vladimir Putin thường xuyên cảnh báo về sự mở rộng của NATO về phía Đông, thì Nga sẽ không mấy vui vẻ khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo chung với các Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Điển và Phần Lan tại trụ sở NATO ở Brussels, ngày 24.1.2022. Ảnh: AFP

Sẽ có hậu quả gì không?

Điện Kremlin đã cảnh báo về "hậu quả quân sự và chính trị" nếu Phần Lan và Thụy Điển quyết định gia nhập NATO.

Tổng thống Vladimir Putin trong bài phát biểu vào ngày phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina, nói: "Sự hiện diện quân sự ở các vùng lãnh thổ giáp với Nga, nếu chúng tôi cho phép nó tiếp tục, sẽ ... tạo ra một mối đe dọa ngày càng gia tăng và hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với Nga”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng các hành động quân sự chống lại các nước Bắc Âu dường như khó xảy ra, nếu xét đến mức độ tham gia của các lực lượng Nga ở Ukraina.

Heli Hautala, nhà ngoại giao Phần Lan và thành viên nghiên cứu tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ ở Washington, cho biết, nhiều binh sĩ Nga đóng quân gần biên giới Phần Lan đã được điều đến Ukraina và chịu "tổn thất đáng kể".

Bà dự báo, nhiều khả năng Mátxcơva sẽ di chuyển các hệ thống vũ khí đến gần Phần Lan, tấn công mạng, đối phó kinh tế và hướng di cư về phía biên giới Nga-Phần Lan, tương tự như những gì đã xảy ra ở biên giới Ba Lan với Belarus năm ngoái.

Các quốc gia Châu Âu là thành viên NATO: Màu vàng nhạt (gia nhập trước năm 1991), màu vàng đậm (gia nhập sau năm 1991). Ảnh: NATO/CNN

Người Phần Lan có lo lắng không?

Sau khi kiên quyết chống lại tư cách thành viên NATO trong nhiều thập kỷ, dư luận Phần Lan đã thay đổi nhanh chóng trong năm nay. Các cuộc thăm dò cho thấy hơn 75% người Phần Lan hiện ủng hộ việc tham gia NATO.

Khi sức mạnh quân sự của Nga suy giảm trong những năm 1990, Phần Lan luôn đề cao cảnh giác, nhưng ngày càng có nhiều công nhận rằng cách thức sử dụng quân sự của Nga ở Ukraina có thể gây nguy hiểm cho Phần Lan trong tương lai.

Charly Salonius-Pasternak, nhà nghiên cứu tại Viện Các vấn đề Quốc tế Phần Lan, cho biết những cảnh tượng đang diễn ra ở Ukraina đã khiến người Phần Lan rút ra kết luận rằng "điều này có thể xảy ra với chúng tôi".

Ý nghĩa đối với NATO

Các nhà phân tích cho rằng Phần Lan có lực lượng vũ trang hiện đại, đủ năng lực và sẽ thúc đẩy đáng kể khả năng của NATO ở Bắc Âu. Các lực lượng Phần Lan thường huấn luyện với quân đội NATO, vì vậy có thể làm việc với nhau một cách hiệu quả.

Tất nhiên, việc tăng thêm thành viên đồng nghĩa với việc NATO sẽ phải tăng khả năng bảo vệ cho thành viên mới, bởi Điều 5 Hiệp ước NATO quy định một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều thành viên NATO ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ bị xem là một cuộc tấn công vào toàn bộ NATO và sẽ vấp phải phản ứng từ các thành viên của khối, bao gồm cả việc sử dụng vũ lực.

Điều gì xảy ra tiếp theo?

Vào ngày 14.5, Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin, nhóm lớn nhất trong quốc hội, dự kiến ​​sẽ xác lập quan điểm về tư cách thành viên NATO. Các thành viên Đảng Dân chủ Xã hội của Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson được cho là có thể hành động tương tự một ngày sau đó.

Vào ngày 17.5.2022, Tổng thống Niinisto và phái đoàn Phần Lan sẽ gặp Vua Carl XVI Gustaf của Thụy Điển và phái đoàn Thụy Điển để thảo luận về các mối quan tâm chung.

Xe thiết giáp và xe tăng của quân đội Thụy Điển tham gia cuộc tập trận mang tên “Phản ứng lạnh 2022“, quy tụ khoảng 30.000 quân từ các nước thành viên NATO cũng như Phần Lan và Thụy Điển, tại Setermoen ở Vòng Bắc Cực, Na Uy, ngày 25.3.2022. Ảnh: Reuters

Trong khi sự ủng hộ đối với việc gia nhập của Phần Lan tỏ ra mạnh mẽ, thì Thụy Điển lại ít rõ ràng hơn, với chỉ 50% dân số ủng hộ, và một số chính trị gia vẫn kiên trì với lập trường trung lập hơn 200 năm của Thụy Điển.

Nếu chính phủ ở cả hai quốc gia quyết định gia nhập NATO, chính phủ sẽ cần phải thông qua quy trình lập pháp ở mỗi quốc gia, với các cuộc tranh luận và bỏ phiếu của các nghị sĩ.

Cả Phần Lan và Thụy Điển đều không có kế hoạch thực hiện các cuộc trưng cầu dân ý, vì lo ngại có thể trở thành mục tiêu của sự can thiệp từ Nga.

Nếu quốc hội các nước chấp thuận đơn đăng ký, NATO sẽ đưa ra lời mời chính thức gia nhập. Lời mời có thể được đưa ra vào cuối tháng 6 khi các nhà lãnh đạo NATO gặp nhau tại Madrid trong hội nghị tiếp theo của liên minh.

Cả Thụy Điển và Phần Lan đều đã tìm kiếm - và nhận được - sự đảm bảo hỗ trợ từ Mỹ và các thành viên NATO khác, nhưng tất cả các quốc gia thành viên sẽ cần chấp thuận việc gia nhập của họ, với một số quốc gia yêu cầu phiếu bầu của quốc hội.

Toàn bộ quá trình này dự kiến ​​sẽ mất tới 1 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn