MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đường ống dẫn khí đốt Yamal-Châu Âu. Ảnh: AFP

Toàn cảnh số phận Châu Âu nếu không có khí đốt của Nga

Khánh Minh LDO | 28/01/2022 13:43
Châu Âu sẽ cần tìm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên thay thế để tránh khủng hoảng nếu không có khí đốt của Nga.

Mỹ và Liên minh Châu Âu đang đe dọa Nga bằng các biện pháp trừng phạt sâu rộng trong trường hợp xảy ra xung đột quân sự với Ukraina. Các biện pháp có thể bao gồm cấm xuất khẩu dầu, khí đốt tự nhiên và nguyên liệu thô của Nga.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng, các biện pháp như vậy sẽ phản tác dụng đối với Châu Âu, làm mất đi nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên và các mặt hàng khác của lục địa này.

Với giá khí đốt đã tăng cao ngất ngưởng, dự trữ ở mức thấp nhất trong năm và thời tiết lạnh giá còn kéo dài hàng tuần nữa, Châu Âu có thể phải tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế để sưởi ấm và thắp sáng.

Điều gì có thể ngăn chặn nguồn cung cấp khí đốt của Nga cho Châu Âu?

Mỹ dọa trừng phạt các doanh nghiệp Nga, các công ty năng lượng và thậm chí cá nhân Tổng thống Vladimir Putin nếu Nga có động thái tấn công nước láng giềng Ukraina.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã thúc ép các đối tác EU chặn việc cấp giấy chứng nhận cho đường ống Nord Stream 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Đức mới được xây dựng. 

Theo RT, Mátxcơva đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào liên quan đến việc đóng cửa đối với Châu Âu, và nhà xuất khẩu năng lượng lớn Gazprom của Nga đã bơm khí đốt theo các hợp đồng hiện có.

Các dòng khí đốt của Nga bị thu hẹp trong những tháng gần đây, khiến một số nhà phân tích phương Tây cho rằng, Nga có thể sử dụng khí đốt của mình làm đòn bẩy để đáp trả các lệnh trừng phạt.

Đường ống dẫn khí Yamal-Châu Âu. Ảnh: Reuters

Nga sẽ cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu?

Điều này rất khó xảy ra, trừ khi các lệnh trừng phạt mới nhắm vào khả năng xuất khẩu khí đốt của Nga. Châu Âu vẫn là thị trường có lợi nhất đối với khí đốt của Nga. Năm 2020, Nga đã cung cấp 175 tỉ mét khối khí đốt cho lục địa này, nhiều hơn nhiều so với thị trường lớn thứ hai của Mátxcơva là Châu Á - Thái Bình Dương. Nga sẽ không đặt nguồn thu chính của mình vào rủi ro. 

Các dòng khí đốt từ Nga sang Châu Âu không hề bị gián đoạn ngay cả ở thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh.

Trên thực tế, trong lịch sử, nguồn cung cấp năng lượng chỉ dừng lại một lần - trong cuộc xâm lược của Hitler vào Liên Xô trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, nguồn cung có thể bị ngừng lại bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây - ví dụ, nếu Nga bị cắt khỏi hệ thống thanh toán SWIFT.

Tại sao SWIFT lại rất quan trọng?

SWIFT là nhà cung cấp toàn cầu chính về thanh toán an toàn và chuyển khoản ngân hàng. Để dễ hình dung, SWIFT giống như thẻ tín dụng cho cá nhân và quốc gia. Nếu không có SWIFT, hầu hết các quốc gia sử dụng mạng thanh toán này sẽ không thể trả tiền để mua khí đốt của Nga và Nga cũng không có cách nào để nhận được tiền.

Vì các giao dịch trị giá hàng tỉ USD nên rất khó tìm ra một cách thay thế tốt hơn. Các ngân hàng phương Tây sẽ phải gửi tiền cho các nước láng giềng của Nga, và sau đó tiền sẽ phải được chuyển đến Nga thông qua hệ thống thanh toán Nga SPFS. Điều này sẽ giáng một đòn mạnh vào toàn bộ nền kinh tế toàn cầu và khiến các giao dịch lớn với Nga hầu như không thể thực hiện được.

Việc tách Mátxcơva khỏi SWIFT sẽ không chỉ gây tổn hại cho Nga mà còn cả Châu Âu và các nước khác, vì nó sẽ cắt đứt nguồn cung cấp năng lượng của Nga cho phương Tây.

Đường ống dẫn khí Nord Stream 2 chạy từ Nga sang Đức. Ảnh: Sky

Nga cần thị trường Châu Âu đến mức nào?

Mặc dù Châu Âu là nguồn thu chính, nhưng Nga vẫn có thể tồn tại nếu không có thị trường này. Nga có thể tìm thấy những nước khác ở Châu Á để cung cấp khác khí đốt.

Tính đến tháng 11.2021, các chuyến hàng vận chuyển qua đường ống dẫn khí đốt "Sức mạnh Siberia" của Nga đến Trung Quốc đã vượt trên 13 tỉ mét khối, gấp ba lần khối lượng vào năm 2020. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng mua một lượng đáng kể khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga từ Bắc Cực.

Trong tương lai, Ấn Độ có thể trở thành một thị trường khổng lồ tiềm năng cho khí đốt của Nga.

Tại sao Châu Âu cần nguồn cung cấp khí đốt của Nga?

Theo cơ quan thống kê Châu Âu Eurostat, EU nhập khẩu hơn một nửa nhu cầu năng lượng (61%). Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên chính của EU, chiếm hơn 46% lượng khí đốt nhập khẩu tính đến nửa đầu năm 2021.

Phần lớn khí đốt được vận chuyển qua đường ống Yamal-Châu Âu, nối EU với các mỏ khí đốt của Nga qua lãnh thổ Ukraina.

Nếu Nga khóa đường ống này do các lệnh trừng phạt, hoặc nếu dòng khí đốt bị gián đoạn do một số thiệt hại về cơ sở hạ tầng do một cuộc xung đột giả định ở Ukraina, thì Châu Âu sẽ mất phần lớn nguồn cung cấp khí đốt, nguồn cung rất khó, nếu không muốn nói là không thể thay thế trong thời gian ngắn.

Điều này sẽ đẩy giá khí đốt, vốn đã tăng gần gấp đôi vào năm ngoái, lên mức cao kỷ lục mới.

Châu Âu có những nhà cung cấp khí đốt nào khác?

Theo Eurostat, ngoài Nga, EU còn nhập khẩu khí đốt từ Na Uy (20,5%), Algeria (11,6%), Mỹ (6,3%) và Qatar (4,3%), cùng một số quốc gia khác khoảng 10%.

Tuy nhiên, Na Uy đã không thể đáp ứng nhu cầu trong suốt năm 2021 do các mỏ ở Biển Bắc đang được bảo trì sau sự chậm trễ do đại dịch gây ra, trong khi các nhà cung cấp khác có thị phần quá nhỏ trong thị trường khí đốt Châu Âu với sản lượng hiện tại.

Nord Stream 2 đã hoàn thành nhưng chưa được cấp phép hoạt động. Ảnh: Ria Novosti

Các nhà cung cấp khác có thể bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt của Nga không?

Chính quyền Mỹ được cho là đã đàm phán với Qatar về khả năng tăng các lô hàng LNG sang Châu Âu, nhưng cho đến nay vẫn chưa có kết quả.

Các chuyên gia được Bloomberg trích dẫn cho biết, Qatar đã sản xuất hết công suất và hầu hết hàng hóa của họ được gửi đến Châu Á theo các hợp đồng dài hạn, mà họ khó có thể phá vỡ vì sợ mất thị trường có giá trị.

Ngay cả khi Mỹ tìm ra cách thúc đẩy việc cung cấp LNG tới Châu Âu, giá năng lượng vẫn sẽ tăng vọt, vì LNG của Mỹ đắt hơn khí tự nhiên của Nga.

Một nguồn tin chính phủ giấu tên nói với S&P Global Platts hôm 25.1 rằng, Algeria có thể có năng lực sản xuất và đường ống dự phòng để tăng nguồn cung cho Châu Âu nếu được kêu gọi.

Nguồn tin cho biết, nguồn cung đó có thể được vận chuyển dưới dạng LNG hoặc thông qua các đường ống trực tiếp của Algeria đến Tây Ban Nha và Italia. Tuy nhiên, không có báo cáo chính thức nào về vấn đề này được đưa ra, trong khi đường ống chính của Algeria nối nước này với Châu Âu qua Morocco đã bị đóng cửa vào năm ngoái.

Các lựa chọn thay thế khí đốt của Châu Âu là gì?

Châu Âu có một số nguồn năng lượng thay thế, nhưng không có nguồn nào trong số đó có thể thay thế cho khí đốt tự nhiên.

Việc EU quyết định chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng phụ thuộc vào thời tiết như gió và năng lượng mặt trời thay vì nhiên liệu hóa thạch. Giá than cũng tăng vọt khi Châu Âu, Trung Quốc và các nước khác đang tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt trong bối cảnh đại dịch toàn cầu diễn ra trong những tháng gần đây. 

Cuối cùng, Châu Âu (ngoại trừ Pháp) đã đóng cửa một nguồn năng lượng quan trọng khác - các nhà máy điện hạt nhân - trong bối cảnh đang thúc đẩy loại bỏ dần năng lượng nguyên tử sau thảm họa hạt nhân Fukushima năm 2011.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn