MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận ở Lithuania. Ảnh minh họa. Ảnh: NATO

Trang bị vũ khí cho Ukraina - thế khó của một quốc gia nhỏ trong khối NATO

Thanh Hà LDO | 20/02/2023 14:04

Luxembourg - quốc gia NATO nhỏ bé - đang đối mặt với một vấn đề lớn: Mua vũ khí trên thị trường mở để cung cấp cho Ukraina.

Linh hoạt

Theo tờ New York Times, quân đội của Luxembourg có chưa tới 1.000 binh sĩ, 1 máy bay chở hàng, 2 trực thăng dùng chung với lực lượng cảnh sát và chưa tới 200 xe tải - từ Humvees đến khoảng 10 phương tiện trinh sát chiến đấu tối tân Dingo.

Luxembourg không có xe tăng, máy bay chiến đấu hay tên lửa phòng không Patriot nào để góp cùng phương Tây trang bị cho Ukraina.

Có 102 tên lửa chống tăng và 20.000 viên đạn súng máy mà Luxembourg gửi từ kho vũ khí là số lượng tối đa nước này có thể cung cấp cho Ukraina mà không gây nguy hiểm cho năng lực sẵn sàng chiến đấu của quân đội.

Vì vậy, Luxembourg - đất nước với dân số 640.000 người - đã quyết định sử dụng khối tài sản đáng kể của nước này để tìm cách mua vũ khí cho Ukraina trên thị trường mở.

Nước này đã ký một thỏa thuận trị giá hàng triệu USD vào mùa xuân năm ngoái để mua 6.000 tên lửa từ thời Liên Xô. Tuy nhiên, cuối cùng, họ chỉ được giao 600 chiếc và phải loay hoay tìm cách tiêu tiền.

Ukraina sử dụng đạn dược với tốc độ lớn kể từ khi bắt đầu xung đột và dựa vào các đồng minh để bổ sung cho kho dự trữ. Nhưng không có nhà sản xuất vũ khí nào ở Luxembourg, và chính phủ đã trao tất cả những gì thể từ kho vũ khí hạn chế của mình.

Trong nỗ lực đóng góp cho Ukraina, Luxembourg đã thành lập nhóm gồm 2 nhà buôn bán vũ khí nội bộ ngay sau khi xung đột nổ ra. Các nhóm này nhằm tìm nguồn hàng từ các thị trường vũ khí thương mại ở châu Âu và Mỹ, cũng như thể hiện cam kết của đối tác NATO.

Các thành viên NATO đang viện trợ vũ khí Ukraina kể từ khi xung đột nổ ra. Ảnh minh họa. Ảnh: NATO

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Luxembourg, Francois Bausch, cho biết: “Chúng tôi quá nhỏ và không có quân đội lớn nên nguồn cung hạn chế, và chúng tôi muốn giúp đỡ Ukraina ngay từ đầu. Nhưng chúng tôi linh hoạt, vì vậy chúng tôi có thể đi mua trên thị trường những gì họ cần và giao trực tiếp cho họ". 

Hầu hết các quốc gia NATO đang quyên góp cho Ukraina từ kho dự trữ quân sự trong nước theo một quy trình khá đơn giản, nhưng một số quốc gia cũng đang nhanh chóng mua vũ khí để bán lại trên thị trường thương mại.

Ông Bausch thông tin, Luxembourg đã thu xếp để giao hoặc ký hợp đồng khoảng 94 triệu USD vũ khí và hỗ trợ quân sự khác cho Ukraina từ các nhà sản xuất ở Anh, Pháp, Ba Lan và Hà Lan.

Khoản tiền này chiếm khoảng 16% ngân sách quốc phòng của đất nước. Tuy nhiên, đây vẫn là một số tiền rất nhỏ so với hàng tỉ USD hỗ trợ an ninh mà các cường quốc NATO như Anh, Đức và Mỹ dành cho Ukraina kể từ tháng 2 năm ngoái. Tới nay, chỉ riêng 3 quốc gia này đã cam kết gần 40 tỉ USD.

Những trở ngại

Luxembourg chi tiêu cho quân sự ít hơn bất kỳ quốc gia NATO nào khác và là quốc gia duy nhất trong liên minh đóng góp ít hơn 1% GDP cho quốc phòng trong năm ngoái. Các thành viên NATO cam kết chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, nhưng chỉ khoảng 1/3 trong số 30 quốc gia thành viên đáp ứng được mục tiêu này. 

Và Luxembourg, với GDP trên 130.000 USD/người - cao nhất trong NATO - chỉ đóng góp 25 triệu USD cho Ukraina về viện trợ nhân đạo cũng như đóng góp cho các chương trình của NATO và Liên minh châu Âu hỗ trợ Kiev, theo dữ liệu do chính phủ nước này cung cấp.

Điều này khiến các đồng minh khác đang ủng hộ Ukraina lên tiếng. Nhưng các quan chức Luxembourg cho hay, vấn đề phức tạp hơn thế. Ông Bausch chỉ ra, ngay cả khi chính phủ quyết định dành nhiều tiền hơn để cung cấp cho quân đội Ukraina thì vẫn không có đủ người trong bộ phận của ông để quyết định cách chi tiêu nhanh chóng mà không có nguy cơ bị lạm dụng. 

Và vấn đề tìm vũ khí để mua vẫn còn đó. Hai nhà buôn vũ khí nội bộ - đều là các sĩ quan quân đội từng triển khai đến các vùng xung đột - mô tả việc đàm phán khó khăn, thường gặp trở ngại từ các nhà môi giới thương mại, diễn ra bằng cách gọi ngẫu nhiên tới các nhà sản xuất và thậm chí tìm kiếm trên Google để biết những vũ khí mà Ukraina đang cần.

Đạn dược luôn nằm trong danh sách ưu tiên, nhưng đôi khi việc tìm kiếm rơi vào ngõ cụt. Đôi khi giá cả bị thổi cao quá mức. Trong nhiều trường hợp, những người mua khác – bao gồm cả các quốc gia đồng minh khác – đã chộp lấy trước khi họ có thể chốt giao dịch.

Các nhà buôn của Luxemburg cho hay, có rất ít cơ hội để đàm phán về giá cả, do nhu cầu vũ khí đang rất cao. Và, giả sử mọi việc diễn ra suôn sẻ, điều rất khó khả thi hiện nay, thì phải mất ít nhất 2 tuần để kiểm tra việc mua bán, soạn thảo hợp đồng và thông qua các phê duyệt cần thiết.

Cho đến nay, họ không mua vũ khí từ các quốc gia ở châu Phi, Đông Á, Trung Đông và Nam Mỹ - những quốc gia nhiều vũ khí thời Liên Xô - vì lo ngại rằng vũ khí có thể quá cũ để sử dụng hoặc có nguy cơ bị yêu cầu lót tay. 

Ông Camille Grand - cựu quan chức phụ trách đầu tư quốc phòng của NATO - nhận định, những nỗ lực của Luxembourg là ví dụ thú vị về cách các quốc gia đang âm thầm nỗ lực để tiếp tục trang bị vũ khí cho Ukraina trong bối cảnh kho dự trữ đang cạn kiệt, sản xuất ít và căng thẳng về ngân sách. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn