MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rò rỉ khí đốt từ đường ống Nord Stream trên biển Baltic, ngày 28.9.2022. Ảnh: Cảnh sát biển Thụy Điển

Tròn một năm, vụ phá hoại Nord Stream vẫn là bí ẩn

Ngọc Vân LDO | 25/09/2023 20:23

Vụ nổ Nord Stream ngày 26.9.2022 làm hỏng đường ống dẫn khí đốt Nga sang châu Âu đến nay vẫn chưa có lời giải thích xác đáng.

Vụ nổ Nord Stream làm gia tăng căng thẳng địa chính trị, nhưng một năm trôi qua, bất chấp các cuộc điều tra ở ba quốc gia, câu hỏi ai chịu trách nhiệm cho hành động phá hoại này vẫn chưa có lời giải.

Do không có bằng chứng chắc chắn, nhiều giả thuyết khác nhau đã xuất hiện nhằm đổ lỗi cho Ukraina, Nga hoặc Mỹ. Tất cả đều phủ nhận có liên quan.

Chuyện gì đã xảy ra?

Cuối tháng 9.2022, một loạt vụ nổ dưới nước đã làm vỡ 3 trong số 4 nhánh của đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2, gây rò rỉ khí đốt ra biển Baltic.

Trước đó, vào tháng 8.2022, tập đoàn dầu khí Nga Gazprom đã tạm dừng cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 - đường ống dẫn khí chính từ Nga đến Đức - trong bối cảnh xung đột Ukraina tiếp diễn.

Đường ống Nord Stream 2 dù đã hoàn thành nhưng chưa đi vào hoạt động do Đức tuyên bố không cấp phép, vài ngày trước khi quân đội Nga tiến vào Ukraina vào ngày 24.2.2022.

Dự án Nord Stream 2 trị giá 10 tỉ Euro (10,6 tỉ USD) từ lâu đã bị Ukraina, Mỹ và các nước Đông Âu phản đối vì lo ngại nó sẽ mang lại cho Nga quá nhiều ảnh hưởng đối với an ninh năng lượng của Đức.

Một phần đường ống Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức, ngày 14.9.2022. Ảnh: Xinhua

Các cuộc điều tra

Vì vụ rò rỉ xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Đan Mạch và Thụy Điển nên hai nước này đã mở cuộc điều tra vụ phá hoại Nord Stream. Đức cũng có cuộc điều tra riêng.

Cả ba quốc gia đều giữ kín các cuộc điều tra của mình - điều mà các nhà phân tích cho rằng không có gì đáng ngạc nhiên vì những gì họ phát hiện ra đều có thể gây ra hậu quả ngoại giao.

Công tố viên Thụy Điển Mats Ljungqvist cho biết "giả định ban đầu là có một nhà nước đứng đằng sau vụ việc".

Ông Ljungqvist nói với AFP tuần này rằng Thụy Điển "đang trong giai đoạn cuối của cuộc điều tra".

Các công tố viên liên bang Đức đã khám xét một chiếc du thuyền vào tháng 1.2023 với nghi vấn chiếc thuyền có thể được sử dụng để vận chuyển chất nổ. Giới chức Đức thu giữ các đồ vật trên tàu và tìm thấy dấu vết của chất nổ.

Phía Đức từ chối bình luận về thông tin của giới truyền thông rằng một nhóm gồm năm người đàn ông và một phụ nữ đã thuê du thuyền "Andromeda" từ cảng Rostock của Đức để thực hiện hoạt động này.

Văn phòng công tố liên bang Đức nói với AFP: “Danh tính của thủ phạm và động cơ của họ” vẫn là chủ đề của các cuộc điều tra đang diễn ra.

Điều tra của báo chí

Các nhà báo đã và đang thực hiện điều tra riêng để tìm ra thủ phạm phá hoại Nord Stream, đôi khi dẫn đến những bài báo giật gân.

Tình báo quân sự Hà Lan đã cảnh báo CIA về kế hoạch của Ukraina nhằm cho nổ tung các đường ống này ba tháng trước vụ tấn công - đài truyền hình NOS của Hà Lan cùng Die Zeit và ARD của Đức cho biết vào tháng 6. Tờ Washington Post cũng đưa ra tuyên bố tương tự.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nhiều lần phủ nhận Kiev đứng sau vụ phá hoại. “Tôi sẽ không bao giờ làm điều đó” - tờ Bild của Đức dẫn lời ông Zelensky nói vào tháng 6.

Đường ống Nord Stream 2 đã hoàn thiện nhưng chưa bao giờ được đưa vào sử dụng. Ảnh: Xinhua

Tờ New York Times hồi tháng 3 viết, các quan chức Mỹ có thông tin tình báo chỉ ra rằng một "nhóm thân Ukraina" đứng sau vụ phá hoại Nord Stream, trong khi Tổng thống Zelensky không hề hay biết.

Truyền thông Đức đã tập trung sự chú ý vào du thuyền "Andromeda". Các phóng viên từ tạp chí Der Spiegel và đài truyền hình ZDF tái hiện lại hành trình mà họ tin rằng do sáu người thực hiện.

Theo truyền thông Đức, một người lính Ukraina đã dùng hộ chiếu giả để thuê thuyền, trong khi phí thuê thuyền được một công ty ở Ba Lan chi trả. Công ty này có quan hệ với một phụ nữ ở Kiev.

Tuy nhiên, truyền thông Đan Mạch cho hay, đã phát hiện tàu cứu hộ tàu ngầm của Nga SS-750 gần địa điểm xảy ra vụ nổ vài ngày trước vụ tấn công.

Hồi tháng 2, nhà báo điều tra Mỹ Seymour Hersh tuyên bố Mỹ đứng đằng sau các vụ tấn công và được Na Uy hỗ trợ. Nhà Trắng bác bỏ các cáo buộc này.

Nghi vấn về Nga

Các chuyên gia không loại trừ Nga có liên quan, cho rằng những manh mối được cố tình đặt ra để đổ lỗi cho Ukraina.

Andreas Umland, nhà phân tích tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Âu Stockholm, cho rằng, các đường ống bị phá hủy có thể giúp tập đoàn dầu khí Nga Gazprom tránh được yêu cầu bồi thường về lượng khí đốt không được giao.

Điện Kremlin phủ nhận mọi cáo buộc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn