MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trừng phạt Nga khiến hàng loạt nước lao đao

Khánh Minh LDO | 10/05/2022 17:16
Việc trừng phạt Nga, cụ thể là nhằm vào lĩnh vực dầu khí, có thể làm tiêu tan sự phục hồi hậu COVID-19 ở hàng loạt nước.

Ngày 10.5, Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu (EBRD) cảnh báo, việc ngừng đột ngột nhập khẩu khí đốt Nga có thể khiến các nền kinh tế mới nổi ở Châu Âu, Trung Á và Bắc Phi quay trở lại mức GDP thời đại dịch.

Nhiều quốc gia trong khu vực nói trên, bao gồm khoảng 40 nền kinh tế trải dài từ Mông Cổ đến Slovenia và Tunisia, phụ thuộc vào khí đốt của Nga và việc ngừng cung cấp đột ngột sẽ làm giảm GDP bình quân đầu người 2,3% trong năm nay và 2% vào năm 2023, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Châu Âu.

Nhà kinh tế trưởng Beata Javorcik nói với Reuters: “Châu Âu đang thảo luận về việc ngừng mua hydrocacbon từ Nga. Cũng có khả năng Nga sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Châu Âu”.

EBRD ước tính rằng các nền kinh tế trong khu vực đã tăng trưởng 6,7% vào năm ngoái sau khi giảm 2,5% vào năm 2020, khi COVID-19 khuấy động nền kinh tế toàn cầu và thị trường tài chính.

Tuy nhiên, Nga đã cắt khí đốt đến Ba Lan và Bulgaria, trong khi các thị trường đang tập trung vào tác động của lệnh cấm vận của EU đối với dầu mỏ Nga cũng như cách thức thanh toán khí đốt bằng đồng rúp mà Nga đặt hạn chót vào cuối tháng này.

EBRD cảnh báo việc ngừng lưu thông khí đốt sẽ giáng đòn lớn nhất đối với các nền kinh tế thành viên EU phụ thuộc vào Nga cả về khí đốt, dầu thô và năng lượng, chẳng hạn như Cộng hòa Czech, Hungary và Slovakia.

Việc dừng đột ngột nhập khẩu khí đốt của Nga không nằm trong tình huống đánh giá cơ bản của EBRD, mà ngân hàng này giả định cho các tính toán của mình là việc phân phối khí đốt vẫn tiếp tục. Mặc dù vậy, ngay cả khi đó, dự báo của EBRD cũng chậm hơn so với ước tính vào tháng 3, với dự báo tăng trưởng giảm từ 1,7% xuống 1,1%.

Các nhà kinh tế EBRD cũng cắt giảm triển vọng tăng trưởng năm 2023 xuống 4,7% so với ước tính 5% vào tháng 3, với lý do áp lực giá cả.

Báo cáo cho thấy: “Những đợt tăng giá lương thực và năng lượng gần đây đã bồi thêm vào áp lực lạm phát vốn đã ở mức cao do nhu cầu toàn cầu phục hồi do các hạn chế COVID-19 đang được loại bỏ dần”.

Lạm phát phi mã đã gây áp lực lên các nền kinh tế nghèo hơn như Bắc Macedonia, Morocco, Ai Cập và Jordan, nơi lương thực chiếm hơn 25% chỉ số giá tiêu dùng. Lạm phát trung bình của các nền kinh tế mới nổi ở Châu Âu, Trung Á và Bắc Phi lên đến 11,9% vào tháng 3.2022, tiệm cận mức được thấy lần cuối vào cuối năm 2008.

GDP của Ukraina được dự báo sẽ giảm 30% vào năm 2022 thay vì mức giảm 20% như dự kiến ​​hai tháng trước.

Nền kinh tế Nga dự kiến ​​sẽ giảm 10% và đình trệ vào năm 2023.

"9 năm tăng trưởng sẽ bị xóa sổ" - bà Javorcik nói thêm, nhấn mạnh rằng tác động lớn của các lệnh trừng phạt Nga sẽ được nhìn thấy trong trung và dài hạn. “Nga đang bị loại khỏi nguồn tri thức toàn cầu và đó là cái giá phải trả lớn nhất”.

Tăng trưởng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia tiếp nhận quỹ của EBRD lớn nhất, dự kiến ở mức 2% vào năm 2022 và 3,5% trong năm tới, một phần do chi tiêu của chính phủ trước cuộc bầu cử quốc gia vào tháng 6.2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn