MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 khoảng 5,5%. Ảnh: Tân Hoa xã

Trung Quốc công bố 33 phương kế đưa nền kinh tế đi đúng hướng

Ngọc Vân LDO | 25/05/2022 17:24
Trung Quốc công bố gói chính sách gồm 33 đề mục nhằm ổn định nền kinh tế đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của COVID-19.

Một gói chính sách gồm 33 giải pháp sẽ giúp đưa nền kinh tế Trung Quốc trở lại hoạt động bình thường trong khi vẫn giữ các chỉ số kinh tế chủ chốt trong phạm vi thích hợp - Tân Hoa xã đưa tin sau cuộc họp thường kỳ hôm 23.5 của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc do Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì. 

Thông báo của Hội đồng Nhà nước được đưa ra trong bối cảnh nhiều nhà phân tích cảnh báo rằng Bắc Kinh sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế “khoảng 5,5%” trong năm nay, trong bối cảnh nước này vẫn tuân thủ các biện pháp kiểm soát COVID-19 nghiêm ngặt.

Các đợt đóng cửa kéo dài trên khắp đất nước đã gây ra nhiều thiệt hại cho sinh kế và tiêu dùng, khiến nhiều người mất việc làm, đóng cửa các cơ sở kinh doanh và kìm hãm cả cung và cầu.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cảnh báo, sản lượng điện, sản lượng vận chuyển hàng hóa và các khoản vay ngân hàng đều giảm kể từ tháng 4. Nếu không có mức tăng trưởng GDP nhất định, thì việc làm ổn định sẽ không thể thành hiện thực.

“Một điều tốt là chúng ta đã hạn chế cung tiền quá mức và kích thích hàng loạt trong vài năm qua, và chúng ta vẫn có các công cụ chính sách dự phòng” - Thủ tướng Lý Khắc Cường cho hay.

Sản xuất ôtô ở thành phố Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa xã

Các biện pháp kích thích kinh tế mới nhất bao gồm cam kết hỗ trợ tài chính nhiều hơn cho nhiều ngành thông qua hoàn thuế, cắt giảm thuế và giảm phí.

Những biện pháp này sẽ đưa tổng số tiền hoàn thuế và giảm thuế theo kế hoạch của chính phủ lên 2,64 nghìn tỉ nhân dân tệ (tương đương 396 tỉ USD) cho năm 2022. Hạn ngạch cho vay hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng sẽ tăng gấp đôi đối với các ngân hàng.

Trong khi đó, chính phủ cũng sẽ hỗ trợ các ngân hàng bằng cách cho phép người vay được hoãn trả nợ gốc và lãi đến cuối năm nay.

Một số biện pháp nhằm mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng, đặc biệt là thông qua việc nới lỏng mua xe và nhà. Theo đó sẽ giảm ít nhất 60 tỉ nhân dân tệ (9 tỉ USD) thuế mua một số xe chở khách, trong khi các chính sách cụ thể hơn của từng thành phố sẽ được áp dụng để thúc đẩy nhu cầu nhà ở.

Theo các nhà kinh tế của Nomura, các biện pháp như vậy sẽ giúp giảm bớt mức độ nghiêm trọng của sự suy giảm tăng trưởng kinh tế hoặc thậm chí là sự suy thoái, nhưng họ vẫn thận trọng về triển vọng tăng trưởng trong năm.

Ngân hàng đầu tư Nhật Bản ước tính, tăng trưởng GDP trong quý 2 của Trung Quốc sẽ chậm lại đáng kể xuống 1,8%, mức giảm mạnh so với 4,8% trong quý đầu tiên. Và giờ đây, Nomura dự đoán tăng trưởng kinh tế cả năm của Trung Quốc có thể chỉ đạt 3,9% - thấp hơn nhiều so với mục tiêu "khoảng 5,5%".

Hội đồng Nhà nước cũng tuyên bố hỗ trợ cơ sở hạ tầng, đường sắt và hàng không, bao gồm việc phát hành trái phiếu xây dựng đường sắt trị giá 300 tỉ nhân dân tệ (45 tỉ USD); 200 tỉ nhân dân tệ trái phiếu cho ngành hàng không; và 150 tỉ nhân dân tệ cho các khoản vay khẩn cấp cho ngành hàng không dân dụng, đồng thời khởi động một đợt xây dựng và cải tạo đường nông thôn mới.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học của Nomura cho biết chi tiêu tài khóa như vậy sẽ kém hiệu quả hơn trong bối cảnh các đợt đóng cửa và hạn chế di chuyển trên khắp đất nước vẫn tiếp diễn. Các nhà kinh tế học cũng dự báo ​​sẽ có thêm ít chi tiêu tài khóa từ các biện pháp mới này, do doanh thu tài khóa và bán đất có thể sẽ giảm mạnh.

Tuy nhiên, Iris Pang, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng ING, cho biết có thể sẽ có thêm các biện pháp kích thích tài khóa.

“Vì Thượng Hải vẫn chưa hoàn toàn hủy bỏ các biện pháp đóng cửa và Bắc Kinh thắt chặt các biện pháp giãn cách ở một số quận, chúng tôi kỳ vọng rằng có thể có nhiều kích thích tài khóa hơn vì chính phủ dường như muốn tránh nới lỏng tiền tệ” - Pang cho biết hôm 24.5.

Đăng ký xét nghiệm COVID-19 ở Thượng Hải. Ảnh: Tân Hoa xã

Trước đó, ngày 23.5, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, hai trong số các cơ quan quản lý tài chính hàng đầu của Trung Quốc, đã gặp nhau để thảo luận về tình hình tiền tệ và tín dụng của quốc gia.

Họ nhấn mạnh rằng hệ thống tài chính cần “sử dụng đầy đủ các công cụ chính sách khác nhau” để “hỗ trợ phát triển kinh tế chất lượng cao với tăng trưởng tín dụng vừa phải”.

“Chúng ta phải cân bằng mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng vừa phải và phòng ngừa rủi ro tài chính, và cải thiện tính bền vững của hỗ trợ tài chính cho nền kinh tế thực” - tuyên bố sau cuộc họp cho hay.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn