MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Trung Quốc đối mặt tình trạng thiếu lao động lành nghề

Thảo Phương LDO | 19/03/2023 06:00

Sự phân biệt đối xử giữa sinh viên tốt nghiệp đại học và sinh viên tốt nghiệp trường nghề đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến lực lượng lao động của Trung Quốc.

Tình trạng thiếu lao động lành nghề là chủ đề được thảo luận sôi nổi trong các cuộc họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc. Trong khi Bắc Kinh đang nỗ lực tăng cường tiềm năng khoa học công nghệ thì các nhà lập pháp lại vật lộn để đảm bảo có đủ kỹ thuật viên lành nghề đáp ứng các mục tiêu về sản xuất tiên tiến và tự cung tự cấp.

Theo các nhà lập pháp tham gia phiên họp Quốc hội thường niên, nếu muốn trở thành cường quốc trong lĩnh vực sản xuất tiên tiến, Trung Quốc phải có biện pháp phá bỏ sự kỳ thị xung quanh giáo dục nghề nghiệp và tạo điều kiện cho những sinh viên có năng khiếu học thuật.

Các đại biểu cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cần giải quyết những thách thức bao gồm: Sự thiếu quan tâm của giới trẻ trong đào tạo nghề, phân biệt đối xử xã hội với sinh viên tốt nghiệp và sự không phù hợp giữa nhu cầu của các công ty và chương trình đào tạo do trường học cung cấp.

Giới trẻ Trung Quốc thiếu sự quan tâm đối với các khoá học đào tạo nghề. Ảnh: Xinhua

Ông Lý Tiểu Huyên, đại biểu Ủy ban Toàn quốc của Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) cho biết, Bắc Kinh cần phá bỏ định kiến ​​xã hội đối với sinh viên tốt nghiệp trường nghề.

Theo dữ liệu được ông Lý cung cấp, chỉ 1,4% công việc có sẵn trong kỳ thi công chức quốc gia năm ngoái dành cho sinh viên tốt nghiệp trường nghề - một sự tương phản rõ rệt với 92,5% được cung cấp cho sinh viên đại học.

“Điều này cho thấy sự phân biệt đối xử mà sinh viên đang phải đối mặt vẫn còn tồn tại. Do đó tôi đề nghị các tổ chức công và doanh nghiệp nhà nước cần đi đầu trong việc phá vỡ sự phân biệt đối xử trong giáo dục nghề nghiệp” - ông Lý chia sẻ.

Trung Quốc đã và đang nỗ lực phát triển chuyên môn về sản xuất thông minh, dữ liệu, y sinh và năng lượng mới trong những năm gần đây. Ông Lý Tiểu Huyên cho biết, tình trạng thừa nhân lực chuyên ngành dịch vụ tốt nghiệp từ các trường nghề đã dẫn đến sự chênh lệch ngày càng nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động. 

Ông Lý nhận định: “Việc các trường dạy nghề được xếp hạng cuối cùng về số lượng tuyển sinh đã dẫn đến nhận thức rằng chỉ những sinh viên không có triển vọng lấy bằng cử nhân mới chọn đăng ký vào các cơ sở dạy nghề. Điều này đã vô tình dẫn đến định kiến đánh giá thấp đối với sinh viên trường nghề”.

Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, năm 2025 dự kiến sẽ thiếu gần 30 triệu lao động trong lĩnh vực sản xuất. Ông Lý cho biết, do nhiều sinh viên đăng ký các khóa học nghề có nền tảng giáo dục yếu kém hoặc gặp khó khăn trong tài chính nên một số cơ sở đã bắt đầu thỏa hiệp bằng cách giảm chất lượng các khóa học.

Chương trình giáo dục tại các trường nghề có ảnh hưởng lớn đến chất lượng lao động. Ảnh: Xinhua

“Tại tỉnh Giang Tô, 33,6% sinh viên tốt nghiệp từ trường dạy nghề không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản, tình hình này có thể tác động tiêu cực đến uy tín của giáo dục nghề nghiệp.

Chúng ta nên có chương trình triển khai hệ thống thúc đẩy quan hệ đối tác giữa trường học và doanh nghiệp. Từ đó tạo ra mô hình đào tạo nhân tài chuyên nghiệp theo đơn đặt hàng hay dự án kỹ thuật”, ông Lý Tiểu Huyên nói thêm.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, năm 2022, tỉ lệ công nhân lành nghề trong tổng lực lượng lao động của Trung Quốc là 26%. Con số này kém hơn nhiều so với 40% của Nhật Bản và 50% tại Đức.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn