MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xét nghiệm COVID-19 ở Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc kiên trì chính sách zero-COVID thế nào?

Khánh Minh LDO | 11/01/2022 17:18
Dù nhiều quốc gia đã từ bỏ chiến lược zero-COVID, Trung Quốc vẫn kiên trì chính sách này bằng cách tập trung vào phát hiện và báo cáo sớm các trường hợp lây nhiễm, đồng thời xác định chính xác nguồn lây nhiễm thông qua xét nghiệm, thời gian cách ly dài và kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.

Xét nghiệm hàng loạt

Theo SCMP, một trong những biện pháp của chính sách zero-COVID ở Trung Quốc là xét nghiệm hàng loạt. Theo chỉ thị quốc gia được ban hành vào tháng 9 năm ngoái, các cơ quan y tế địa phương được yêu cầu xác định phạm vi xét nghiệm của họ dựa trên cách thức lây lan của ổ dịch và các nguy cơ.

Các thành phố có hơn 5 triệu dân được yêu cầu hoàn thành một đợt xét nghiệm trong vòng ba ngày và có thể tìm kiếm sự hỗ trợ của trung ương nếu cần, trong khi các thành phố nhỏ hơn có hai ngày để thực hiện công việc này.

Trong giai đoạn đầu bùng phát mà không rõ nguồn gốc, các cơ quan chức năng phải thực hiện ít nhất 3 đợt xét nghiệm hàng loạt. Tần suất và phạm vi của các xét nghiệm phải được điều chỉnh dựa trên kết quả của xét nghiệm trước đó và theo dõi tiếp xúc.

Về nguyên tắc, các khu vực cách ly và đường phố hoặc cộng đồng phát hiện ca bệnh trong ba đợt nói trên phải được xét nghiệm hàng ngày, trong khi những người ở những khu vực không có ca bệnh trong 14 ngày trước đó có thể được xét nghiệm năm ngày một lần.

Thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, bị phong tỏa kể từ ngày 23.12, đã tiến hành nhiều đợt xét nghiệm hàng loạt lặp đi lặp lại nhằm phát hiện các ca bệnh và lây nhiễm không có triệu chứng trong thời gian sớm nhất.

Xét nghiệm hàng loạt ở Tây An. Ảnh: Xinhua

“Giai đoạn ủ bệnh của COVID-19 có nghĩa là một số người có thể không phát hiện ra đủ số lượng virus cần thiết vào thời điểm thu thập mẫu. Một trường hợp cũng có thể bị bỏ sót nếu việc lấy mẫu không được thực hiện đúng cách” - Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Tây An, Wei Xiaoli, cho biết vào tháng trước.

Trong những tuần qua, Tây An đã phải chiến đấu với một đợt bùng phát theo hình xoắn ốc bắt đầu với các trường hợp được báo cáo tại một khách sạn cách ly vào đầu tháng 12.

Là quê hương của lăng mộ Tần Thuỷ Hoàng với các chiến binh đất nung 2.000 năm tuổi và là một điểm đến du lịch, giáo dục và công nghiệp lớn, Tây An có lúc đã báo cáo hơn 150 ca mắc COVID-19 một ngày và ghi nhận 175 ca hôm 27.12 - cao điểm của đợt bùng phát. Các trường hợp giảm xuống dưới 100 vào ngày 2.1.2022 và đã có xu hướng giảm kể từ đó.

Thành phố, đánh dấu ngày thứ 19 bị đóng cửa vào ngày 10.1, đã khởi động đợt xét nghiệm hàng loạt thứ bảy vào tuần trước. Với dân số khoảng 12,95 triệu người, có nghĩa là Tây An thực hiện hơn 90 triệu xét nghiệm.

Cảnh sát mặc đồ bảo hộ canh gác một con phố bị phong toả ở thành phố Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang. Ảnh: Weibo

Tuy nhiên, không phải tất cả các thành phố của Trung Quốc đều tiến hành xét nghiệm hàng loạt lặp lại khi phát hiện các trường hợp COVID-19 - chẳng hạn như Thượng Hải và Bắc Kinh.

Zhu Huachen, phó giáo sư của Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Hong Kong, cho biết các thành phố cấp một có nhiều kinh nghiệm quản lý dịch bệnh hơn và được trang bị tốt hơn, với nhiều nhân viên y tế hơn.

“Ví dụ, Thượng Hải không cần xét nghiệm hàng loạt vì việc truy tìm tiếp xúc của họ đã được thực hiện rất rõ ràng” - bà Zhu nói và cho biết thêm rằng thành phố này có khoảng 3.000 nhà điều tra dịch tễ học toàn thời gian, nhiều hơn 10 lần so với Tây An. Tuy nhiên, nếu theo dõi tiếp xúc không xác định được chuỗi lây nhiễm thì xét nghiệm bắt buộc sẽ cần được mở rộng để lấp đầy khoảng trống về thông tin.

Không bỏ ai lại phía sau

Các quan chức y tế Trung Quốc thường nói “không để ai lại phía sau” khi nói đến xét nghiệm hàng loạt, một nhiệm vụ khổng lồ không chỉ đòi hỏi năng lực xét nghiệm trong phòng thí nghiệm mà còn cả nhân lực khổng lồ cùng việc thực hiện và quản lý nghiêm ngặt.

Theo chỉ thị quốc gia, chính quyền địa phương phải xét nghiệm các quần thể lớn bằng cách chia thành từng đơn vị nhỏ - chẳng hạn như các tòa nhà dân cư, làng mạc, trường học và công ty - để không ai bị bỏ sót.

Các quan chức Tây An đã phát động một chiến dịch “gõ cửa” vào tuần trước để kiểm tra xem 100.000 người đã xét nghiệm hay chưa và liệu họ có gặp khó khăn khi tìm kiếm sự chăm sóc y tế hay không.

Để đối phó với nhu cầu xét nghiệm tăng cao trong trường hợp bùng phát dịch bệnh, nhiều thành phố của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Quảng Châu và Nam Kinh, đã dựng các lều bơm hơi tạm thời để làm phòng thí nghiệm ở những nơi như sân vận động hoặc địa điểm thể thao. Một số thậm chí còn được trang bị máy xét nghiệm tự động.

Trung Quốc thực hiện xét nghiệm hàng loạt để ngăn chặn COVID-19. Ảnh: Xinhua

Trong khi các mẫu từ các quần thể có nguy cơ cao được xử lý riêng lẻ trong phòng thí nghiệm, các mẫu từ các khu vực khác thường được kiểm tra chung - từ 5 đến 10 mẫu trong một ống - để tăng tốc quá trình.

Ví dụ, thành phố Dương Châu, tỉnh Giang Tô, đã thực hiện 17,6 triệu xét nghiệm trong 12 đợt trong vòng 3 tuần vào tháng 8 năm ngoái, điều này đã giúp ngăn chặn quá trình lây nhiễm. Tuy nhiên, việc xét nghiệm đã tiêu tốn của chính quyền Dương Châu khoảng 3,5 tỉ nhân dân tệ (550 triệu USD) trong 20 ngày.

Jin Dong-Yan, nhà virus học tại Đại học Hong Kong nói: “Chi phí xét nghiệm COVID-19 sẽ cao vì Trung Quốc có diện tích rộng lớn và dân số lớn. Nhưng điều này cũng có một mặt lợi về sức khỏe cộng đồng. Một đợt bùng phát giống như sóng thần rất khó xảy ra ở Trung Quốc đại lục".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn