MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cảng container quốc tế Dương Phố tại khu phát triển kinh tế Dương Phố ở phía nam tỉnh Hải Nam, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

Trung Quốc nhận số đơn hàng kỷ lục đóng tàu chở LNG

Khánh Minh LDO | 12/12/2022 17:44
Trung Quốc đang xâm nhập nhanh chóng vào thị trường đóng tàu chở khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) khi nhận được kỷ lục số đơn hàng đóng mới trong năm nay.

Ba nhà máy đóng tàu của Trung Quốc - chỉ một trong số đó có kinh nghiệm đóng tàu chở LNG cỡ lớn - đã giành được kỷ lục gần 30% trong tổng số 163 đơn hàng tàu LNG mới trên toàn cầu trong năm nay, khẳng định vị thế trong lĩnh vực mà Hàn Quốc - nhà sản xuất tàu chở LNG lớn nhất thế giới - thường chiếm hầu hết thị phần.

Theo Reuters, đơn đặt hàng tàu chở LNG của các nhà máy đóng tàu Trung Quốc đã tăng gấp ba lần khi các nhà kinh doanh khí đốt và nhà điều hành đội tàu của Trung Quốc tìm cách đảm bảo vận chuyển, trong bối cảnh giá cước tăng vọt do cuộc xung đột Nga - Ukraina.

Do các công ty đóng tàu Hàn Quốc đã hoạt động hết công suất để phục vụ cho việc mở rộng mỏ North Field khổng lồ của Qatar, các xưởng đóng tàu của Trung Quốc cũng thu hút nhiều đơn đặt hàng từ nước ngoài hơn.

Li Yao, người sáng lập công ty tư vấn SIA Energy có trụ sở tại Bắc Kinh, cho biết, Khi ngày càng nhiều hãng kinh doanh khí đốt tìm đến các hãng đóng tàu trong nước, họ sẽ bị buộc phải học hỏi và phát triển ngành này.

Theo nhà cung cấp dữ liệu vận chuyển Clarksons Research, các nhà máy đóng tàu Trung Quốc trong năm nay đã giành được 45 đơn đặt hàng tàu chở LNG, trị giá ước tính 9,8 tỉ USD, gấp khoảng năm lần giá trị đơn hàng năm 2021.

Đóng tàu chở LNG tại Thượng Hải. Ảnh: China Daily

Công ty đóng tàu Hudong-Zhonghua có trụ sở tại Thượng Hải là xưởng đóng tàu duy nhất của Trung Quốc có kinh nghiệm đóng các tàu chở LNG cỡ lớn và đã giao hàng chục tàu từ năm 2008. Năm nay, công ty nhận 75% đơn đặt hàng mới của Trung Quốc.

Hudong-Zhonghua chia sẻ 26 đơn đặt hàng từ các chủ sở hữu địa phương - so với 9 đơn đặt hàng trong hai năm qua - với các đơn vị của Tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc, Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Đại Liên và Nhà máy đóng tàu Giang Nam.

Hai nhà máy khác - China Merchants Heavy Industry và Yangzijiang Shipbuilding - được chứng nhận đóng các tàu chở LNG cỡ lớn trong năm nay và đã thu hút sự quan tâm của các chủ hàng trong và ngoài nước.

Tàu chở LNG là một trong những loại tàu khó đóng nhất, mất tới 30 tháng. Riêng đối với tàu có bể chứa màng, 200 công nhân phải dành hai tháng để hàn các bức tường ngăn làm bằng thép mỏng như tờ giấy và 13 km đường kết nối.

Công nhân làm việc trên các hệ thống làm lạnh khí ở nhiệt độ âm 160 độ C phải được chứng nhận bởi Gaztransport & Technigaz - công ty kỹ thuật của Pháp nắm giữ bằng sáng chế và cấp phép thiết kế cho các hãng đóng tàu.

Hu Keyi - giám đốc công nghệ doanh nghiệp tại Nhà máy đóng tàu Giang Nam - cho biết sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu công nhân lành nghề. Giang Nam đang đóng tàu chở dầu 80.000 mét khối đầu tiên cho JOVO Energy có trụ sở tại Quảng Đông và đã giành được đơn đặt hàng từ Công ty Dầu khí quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) đóng hai tàu chở LNG 175.000 mét khối.

Jacky Cai - giám đốc của JOVO Energy, công ty đang cân nhắc đặt mua tàu chở dầu lớn hơn - cho biết: “Xét về chi phí tài chính tương đối thấp nhờ sự hỗ trợ của các ngân hàng Trung Quốc… đầu tư vào một công ty đóng mới mang lại sự an toàn cao hơn so với thuê tàu có kỳ hạn”.

Tàu chở LNG của công ty Hudong-Zhonghua. Ảnh: Xinhua

Robert Songer - nhà phân tích tại công ty tư vấn hàng hóa ICIS - cho biết, Trung Quốc có nhiều đơn hàng đóng tàu chở LNG như vậy một phần là do nhu cầu vận chuyển 20 triệu tấn LNG mỗi năm từ Mỹ. Ước tính Trung Quốc cần khoảng 80 tàu để chở LNG của Mỹ. 

Trong vòng 5 năm tới, dự kiến đội tàu LNG trên toàn cầu sẽ tăng thêm 33%. Khoảng 9% số tàu LNG trên toàn cầu là do Trung Quốc sản xuất.

Stephen Gordon - giám đốc điều hành của Clarksons Research - nói, ngoài việc phục vụ nhu cầu của Trung Quốc, các tàu này cũng có thể được sử dụng để buôn bán hàng hóa trên các tuyến đường khác.

Ngoài các đơn hàng trong nước, các nhà máy Trung Quốc cũng đã nhận được 19 đơn đặt hàng từ nước ngoài trong năm nay và con số này có thể sẽ tăng lên.

Nhà phân tích Songer của ICIS cho hay, các nhà máy đóng tàu Trung Quốc trở nên hấp dẫn hơn do Hàn Quốc đã có lượng đơn quá tải và chi phí ở đây cũng tăng.

Tuy nhiên, theo Sunny Xu - người sáng lập công ty C-LNG có trụ sở tại Singapore - mặc dù chi phí cao hơn, song các hãng đóng tàu của Hàn Quốc chẳng hạn như Hyundai và Daewoo có thiết kế và công nghệ hiệu quả hơn, đồng thời có chuỗi cung ứng địa phương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn