MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trung Quốc bỏ phiếu phản đối dự thảo kêu gọi điều tra Nga của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Ảnh: AP

Trung Quốc thay đổi lập trường về xung đột Nga - Ukraina

Song Minh LDO | 13/05/2022 16:23
Trung Quốc bỏ phiếu chống dự thảo nghị quyết của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc kêu gọi điều tra Nga, thay đổi lập trường trước đây là bỏ phiếu trắng về cuộc xung đột Nga -Ukraina.

Trung Quốc bỏ phiếu chống tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

RT đưa tin, Trung Quốc đã bỏ phiếu chống lại cuộc điều tra của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc về những hành vi phạm tội có thể có của Nga ở Ukraina trong bối cảnh lo ngại rằng cuộc điều tra này có động cơ chính trị.

Đại sứ Chen Xu, Trưởng phái đoàn thường trực Trung Quốc bên cạnh Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế tại Geneva (Thuỵ Sĩ), cho biết: “Chúng tôi đã lưu ý rằng trong những năm gần đây, chính trị hóa và đối đầu (tại hội đồng) đang gia tăng, điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, sự công bằng và đoàn kết.

Đại sứ Chen đưa ra bình luận trước khi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bỏ phiếu hôm 12.5 - với 33 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 12 phiếu trắng - để thông qua một nghị quyết kêu gọi điều tra Nga. Ngoài Trung Quốc, Eritrea là quốc gia thứ hai bỏ phiếu chống. Các thành viên bỏ phiếu trắng bao gồm Armenia, Bolivia, Cameroon, Cuba, Ấn Độ, Kazakhstan, Namibia, Pakistan, Senegal, Sudan, Uzbekistan và Venezuela.

Đại sứ Nga Gennady Gatilov tại Liên Hợp Quốc ở Geneva, lập luận rằng “tập thể phương Tây" đang tổ chức một "đường lối chính trị để huỷ hoại Nga" hơn là giải quyết các nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng Ukraina và tìm cách giải quyết những vấn đề đó.

Tháng trước, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền. Trung Quốc cũng đã bỏ phiếu chống trong lần này, nhưng Bắc Kinh bỏ phiếu trắng đối với các nghị quyết khác liên quan đến Ukraina, bao gồm cả việc Đại hội đồng lên án cuộc tấn công quân sự của Nga và việc Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc lên án Mátxcơva.

Trừng phạt Nga gây khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu

Cũng trong ngày 12.5, ông Dai Bing, Phó trưởng phái đoàn đại diện thường trực Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc ở New York, phát biểu trước Hội đồng Bảo an rằng, các lệnh trừng phạt Nga gây ra khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu. Ông Dai Bing cho hay, chiến dịch trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga vì cuộc xung đột Ukraina sẽ phản tác dụng, gây ra đau khổ trên toàn thế giới, trong khi không thúc đẩy hòa bình ở nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc họp ở New York về cuộc khủng hoảng Ukraina. Ảnh: Getty

Ông Dai Bing đưa ra bình luận khi Hội đồng Bảo an nhóm họp để thảo luận về cuộc khủng hoảng nhân đạo do xung đột Nga-Ukraina gây ra. Nhà ngoại giao Trung Quốc nói về những nỗ lực giúp bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi cuộc giao tranh, chẳng hạn như khuyến khích Nga và Ukraina hợp tác để tạo điều kiện cho nhiều dân thường sơ tán hơn, nhưng theo ông, giải pháp thực sự và duy nhất là một thỏa thuận hòa bình.

“Các biện pháp trừng phạt sẽ không mang lại hòa bình mà chỉ đẩy nhanh tốc độ lan tỏa của cuộc khủng hoảng, gây ra các cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng và tài chính trên toàn cầu” - Phó Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc phát biểu tại New York. Ông nói thêm rằng việc tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga sẽ buộc trẻ em trên khắp thế giới phải “gánh chịu những hậu quả cay đắng”.

“Đạt được hòa bình là cách bảo vệ tốt nhất cho trẻ em. Đối thoại và đàm phán là cách thực tế và khả thi nhất để đạt được ngừng bắn và chấm dứt chiến tranh. Cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Nga và Ukraina quay trở lại con đường đàm phán và tiếp tục tích lũy các điều kiện chính trị để khôi phục hòa bình” - Phó Đại sứ Trung Quốc nhấn mạnh.

Ông Dai Bing cho biết, thay vì cố gắng đưa ra một giải pháp thông qua các lệnh trừng phạt, các quốc gia phương Tây và đồng minh đang thực sự gây ra nhiều tổn hại hơn cho trẻ em, đặc biệt là những trẻ em sống ở những nơi bị chiến tranh tàn phá như Afghanistan, Yemen, vùng Sừng Châu Phi và Sahel.

"Trung Quốc một lần nữa kêu gọi các bên duy trì lý trí và kiềm chế, vượt qua thành kiến ​​và xung đột, đồng thời nỗ lực không ngừng để sớm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Ukraina” - Phó Đại sứ phát biểu.

Mỹ và các đồng minh NATO đã dẫn đầu chiến dịch trừng phạt, cố gắng cô lập Nga và tàn phá nền kinh tế và tiền tệ của nước này. Tuy nhiên, đồng rúp Nga ngày 12.5 thực sự mạnh hơn so với trước khi cuộc khủng hoảng Ukraina bắt đầu, phục hồi từ mức thấp lịch sử hồi tháng 3. Theo Bloomberg, đồng rúp Nga đã trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới trong năm 2022 cho đến nay thời điểm này, mặc dù nền kinh tế Nga được cho là đang trên đà giảm khoảng 12% trong năm nay.

Trong khi đó, tình trạng thiếu lương thực và năng lượng đang xuất hiện trên khắp thế giới, và lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm ở Mỹ và các khu vực Tây Âu. Tổng thống Vladimir Putin hôm 12.5 tuyên bố rằng các lệnh trừng phạt đang gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, và trách nhiệm "hoàn toàn nằm ở giới tinh hoa của các nước phương Tây, những người sẵn sàng hy sinh phần còn lại của thế giới để duy trì sự thống trị toàn cầu của họ”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn