MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Viện Kỹ thuật Điện Mátxcơva (MPEI) của Nga tại Hải Nam, Trung Quốc dự kiến hoàn thành năm 2025. Ảnh: MPEI

Trung Quốc thu hút sinh viên quốc tế tới Hải Nam

Thanh Hà LDO | 06/04/2023 14:00
Một trong những trường đại học kỹ thuật lớn nhất của Nga sẽ bắt đầu xây dựng khuôn viên tại đảo Hải Nam, phía nam Trung Quốc vào cuối năm nay. 

Cơ sở mới của Viện Kỹ thuật Điện Mátxcơva (MPEI) của Đại học Nghiên cứu Quốc gia Nga sẽ chuyên về "giảng dạy và nghiên cứu hàng không và vũ trụ", theo nhật báo kỹ thuật số Trung Quốc Thepaper.cn. Hải Nam là nơi có sân bay vũ trụ thứ tư của Trung Quốc. 

Bản tin cho biết, việc xây dựng tòa nhà chính của cơ sở này sẽ bắt đầu vào tháng 9, khi các chi tiết của dự án đã được củng cố sau chuyến đi Nga của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 

Việc xây dựng khuôn viên rộng 55 ha ở quận ven biển Văn Xương - nơi đặt Trung tâm phóng vệ tinh Văn Xương - dự kiến hoàn thành vào tháng 6.2025, với các lớp đại học và sau đại học được mở từ tháng 9 cùng năm.

Thông tin được công bố 2 tuần sau khi ông Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm 3 ngày tới Mátxcơva, nơi nhà lãnh đạo Trung Quốc và Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố tăng cường "quan hệ đối tác chiến lược toàn diện", trong tuyên bố chung cũng cam kết tăng cường quan hệ khoa học, công nghệ và giáo dục.

Thông tin chi tiết về khuôn viên MPEI được lên kế hoạch sau một thỏa thuận chưa từng có giữa chính quyền tỉnh Hải Nam và Đại học Khoa học Ứng dụng Bielefeld của Đức (FH Bielefeld).

Cơ sở FH Bielefeld ở khu phát triển kinh tế Dương Phố của Hải Nam sẽ là trường đại học do nước ngoài điều hành đầu tiên hoạt động độc lập trên lãnh thổ Trung Quốc, theo tuyên bố chính thức về thỏa thuận được ký vào tháng 12.2022. 

FH Bielefeld, tập trung vào kinh doanh và kỹ thuật, sẽ hợp tác với tỉnh Hải Nam để hỗ trợ "phát triển ngành sản xuất tiên tiến, công nghiệp công nghệ cao và chuyên môn hóa công nghiệp", thông cáo nêu rõ. 

Việc cho phép các viện giáo dục nước ngoài hoạt động mà không có liên doanh địa phương được coi là động thái hiếm thấy ở Trung Quốc, SCMP lưu ý. Nhưng Hải Nam là ngoại lệ, với tư cách là cảng thương mại tự do và đặc khu kinh tế có chính sách ưu đãi về thuế.

Bắc Kinh cũng đặt mục tiêu biến đảo Hải Nam thành trung tâm của các trường quốc tế nổi tiếng vào năm 2025.

Tháng trước, Cao Xiankun - bí thư đảng ủy sở giáo dục tỉnh Hải Nam - cho biết, tỉnh sẽ tập trung vào xây dựng một "trung tâm đổi mới và giáo dục quốc tế", Nhật báo Hải Nam thông tin.

Ngoài việc cho phép các trường hoạt động độc lập, cơ quan giáo dục Hải Nam còn cùng điều hành các chương trình với 6 tổ chức trong nước và quốc tế, như giữa Đại học Khoa học và Công nghệ Điện của Trung Quốc và Đại học Glasgow. 

Ông Cao Xiankun chia sẻ, việc tạo ra một "trải nghiệm du học" ở Hải Nam sẽ khuyến khích chi tiêu cho giáo dục ra nước ngoài quay trở lại, đồng thời thu hút sinh viên quốc tế từ Đông Nam Á.

Theo Nhân dân Nhật báo, tháng 4.2018, Trung Quốc công bố quyết định hỗ trợ tỉnh Hải Nam phát triển toàn bộ hòn đảo thành khu thương mại tự do thí điểm và từng bước thăm dò, thúc đẩy đều đặn việc thành lập cảng thương mại tự do (FTP) đặc sắc Trung Quốc.

Sau 5 năm, việc xây dựng FTP Hải Nam đã đạt được kết quả tốt và thúc đẩy đáng kể sự phát triển của tỉnh. GDP của Hải Nam tăng trung bình 5,3% mỗi năm trong 5 năm qua, trong khi thương mại hàng hóa và dịch vụ của tỉnh tăng trung bình 23,4% và 17,7% mỗi năm trong cùng kỳ.

Tổng ngoại thương của Hải Nam chiếm 34,7% GDP của tỉnh này trong năm ngoái, tăng 15% trong 5 năm. Bên cạnh đó, sử dụng vốn nước ngoài đã tăng gấp đôi trong 3 năm liên tiếp vào năm 2018, 2019 và 2020, và tổng số trong 5 năm vượt quá tổng của 30 năm trước đó.

Nhân dân Nhật báo cho hay, tại Hải Nam có 6 liên doanh và dự án giáo dục Trung Quốc với nước ngoài đã chính thức được phê duyệt và khởi động tại khu thí điểm Đổi mới Giáo dục Quốc tế Li'an Hải Nam.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn