MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Du thuyền Tam Hiệp 1 sông Dương Tử chạy hoàn toàn bằng điện. Ảnh: Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc

Trung Quốc tích cực bảo vệ khu vực đập Tam Hiệp, sông Dương Tử

Ngọc Vân LDO | 26/06/2023 16:25

Việc bảo vệ hệ sinh thái của khu vực đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử có ý nghĩa rất lớn với Trung Quốc.

Ở phần hạ lưu của đập Cát Châu Bá trên sông Dương Tử, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc, có thể nhìn thấy một chiếc du thuyền chạy hoàn toàn bằng điện phục vụ các dịch vụ tham quan.

Du thuyền không có mùi hăng của dầu diesel hay tiếng gầm rú của động cơ, có phạm vi hoạt động tối đa 150 km chỉ với một lần sạc.

Con tàu đã tiêu thụ tổng cộng 950.000 kWh điện kể từ chuyến đi đầu tiên vào tháng 3 năm ngoái, tương đương với việc giảm hơn 750 tấn khí thải CO2 so với các tàu chạy bằng nhiên liệu thông thường có công suất tương tự.

Nghi Xương nằm ở ngã ba của thượng nguồn và trung lưu sông Dương Tử. Đây là nơi có đập Tam Hiệp, dự án thủy điện lớn nhất thế giới và đập Cát Châu Bá, một trong những thủy điện đập dâng lớn nhất thế giới.

Mỗi năm có khoảng 60.000 tàu thuyền đi qua khu vực này. Do đó, việc bảo vệ hệ sinh thái của sông Dương Tử bằng các chuyến tàu thân thiện với môi trường hơn có ý nghĩa rất lớn.

Một chiếc thuyền lớn dọn rác gần đập Tam Hiệp ở Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc, miền trung Trung Quốc. Ảnh: Nhân dân Nhật báo Online

Trong những năm gần đây, Nghi Xương đã thúc đẩy mạnh mẽ vận chuyển xanh và đạt được kết quả tốt. Nhiều tàu năng lượng mới được sản xuất và đưa vào khai thác.

Vào lúc nửa đêm, con tàu Tam Hiệp 1 sông Dương Tử neo đậu tại một bến tàu của khu du lịch đập Tam Hiệp sau chuyến tham quan kéo dài 2 giờ, nơi nguồn điện sạch từ bờ liên tục được chuyển đến “khách sạn trên sông”.

Con tàu có 4 khoang pin bao gồm pin lithium iron phosphate, có năng lượng tương đương với tổng dung lượng pin của hơn 120 xe điện.

Theo Li Xinngheng - kĩ thuật viên điện trên bờ thuộc chi nhánh của Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Trung Quốc tại Nghi Xương - điện cao áp trên bờ có thể được biến thành điện áp thấp bằng máy biến áp trên tàu. Bên cạnh đó, tàu cũng có thể bổ sung điện tại nhiều cảng ở thượng nguồn.

Li cho biết thêm, mô hình mới này đã giải quyết được vấn đề sạc điện của các tàu lớn chạy hoàn toàn bằng điện.

Trước đây, việc phát điện bằng nhiên liệu khi tàu neo đậu thường gây ô nhiễm không khí và tiếng ồn.

Ngày nay, Nghi Xương đã cho ra đời 6 hệ thống cung cấp trên bờ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng của nhiều loại tàu với các chế độ neo đậu khác nhau.

Nghi Xương là thành phố đầu tiên dọc theo sông Dương Tử được bao phủ hoàn toàn bởi nguồn điện trên bờ tiêu chuẩn. Cho đến nay, điện trên bờ đã có sẵn tại 63 cảng thương mại và hai khu neo đậu ở Nghi Xương, cung cấp tổng cộng 25 triệu kWh điện sạch trên bờ cho hơn 14.000 tàu.

Lượng điện năng tiêu thụ trên bờ của khu vực này dự kiến vượt 7 triệu kWh trong năm nay.

Tàu chở hàng nạp khí tự nhiên hóa lỏng tại một cảng năng lượng mới ở thị trấn Quý Châu, Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc. Ảnh: Nhân dân Nhật báo Online

Tàu Tam Hiệp 1 sông Dương Tử được xây dựng bởi một công ty đóng tàu địa phương ở Nghi Xương. Công ty Du lịch Tam Hiệp có trụ sở tại tỉnh Hồ Bắc là một trong những nhà đầu tư.

"Tàu đã hoàn thành gần 300 chuyến đi và vận chuyển tổng cộng 280.000 hành khách, tạo ra doanh thu du lịch hơn 12 triệu nhân dân tệ (1,67 triệu USD). Du thuyền thuần điện đang hoạt động với kết quả đầy hứa hẹn" - Liu Jun, phó tổng giám đốc điều hành con tàu thuộc Công ty Du lịch Tam Hiệp cho biết.

Theo ông, công ty đã đầu tư vào hai tàu du lịch thuần điện khác vào năm ngoái, dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào cuối năm nay.

Nghi Xương có lịch sử đóng tàu lâu đời. Đây là nơi đặt trụ sở của 25 công ty đóng tàu và hơn 100 công ty vận chuyển.

Ngày nay, tập trung vào việc phát triển các loại tàu chạy bằng năng lượng sạch và mới, thành phố đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và phát triển chất lượng cao của ngành đóng tàu.

Vào tháng 3 năm nay, xưởng nghiên cứu và phát triển (R&D) đầu tiên của Trung Quốc về tàu xanh và thông minh đã được thành lập tại Nghi Xương. Sáu dự án hợp tác có sự tham gia của các doanh nghiệp, trường đại học và tổ chức nghiên cứu đang được tiến hành nhằm phá vỡ các nút thắt công nghệ trong sản xuất tàu chở hàng thuần điện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn