MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Rò rỉ khí đốt ở đường ống Nord Stream ở vùng biển Thụy Điển ngày 28.9.2022. Ảnh: Cảnh sát biển Thụy Điển

Truyền thông Đức đưa tin tìm thấy vật chứng nghi liên quan vụ phá hoại Nord Stream

Song Minh LDO | 08/03/2023 10:13
Con thuyền liên quan vụ phá hoại Nord Stream được cho là của một công ty thuộc sở hữu của người Ukraina, theo các nhà điều tra Đức.

Kết quả điều tra của báo chí Đức

Ngày 7.3, một loạt phương tiện truyền thông Đức đưa tin, các nhà chức trách Đức đang điều tra vụ nổ tại Nord Stream đã xác định được một con thuyền dường như có liên quan đến hành động nghi phá hoại đường ống dẫn khí ở dưới biển Baltic hồi tháng 9.2022.

Theo các nhà điều tra, chiếc du thuyền được sử dụng trong cuộc tấn công vào các đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 thuộc về một công ty có trụ sở tại Ba Lan thuộc sở hữu của hai người Ukraina.

Đài phát thanh SWR, đài truyền hình ARD và tờ báo Đức Die Zeit phát động cuộc điều tra báo chí chung về hoạt động của các cơ quan thực thi pháp luật Đức liên quan đến vụ việc này.

Điều tra cho thấy, chiếc du thuyền khởi hành từ thành phố cảng Rostock phía đông bắc nước Đức vào ngày 6.9. Chất nổ và thiết bị được đưa đến Rostock trong một chiếc xe tải giao hàng. Chiếc thuyền sau đó được xác định là ở đảo Christianso của Đan Mạch, nằm ngay phía đông bắc đảo Bornholm, nơi các đường ống bị hư hại vào ngày 26.9.2022.

Du thuyền sau đó đã được trả lại cho chủ sở hữu và các nhà điều tra đã tìm thấy dấu vết của chất nổ trên một chiếc bàn trong cabin của thuyền, các nguồn tin cho biết. 

Theo điều tra, hành động phá hoại được thực hiện bởi một nhóm sáu người, bao gồm một thuyền trưởng, hai thợ lặn, hai trợ lý lặn và một nữ bác sĩ.

Theo các phương tiện truyền thông Đức, danh tính hoặc thậm chí quốc tịch của các nghi phạm vẫn chưa rõ ràng vì họ có "hộ chiếu giả mạo chuyên nghiệp" và sử dụng hộ chiếu giả này để thuê du thuyền ngay từ đầu. Các nhà chức trách Đức cũng được cho là không tìm thấy bằng chứng nào có thể chỉ ra ai có thể đã ra lệnh phá hoại các đường ống.

Theo ARD, SWR và Die Zeit, một tổ chức mật vụ phương Tây bị cáo buộc đã tiết lộ cho một số "cơ quan dịch vụ đối tác" châu Âu ngay sau vụ nổ, nói rằng một đơn vị "biệt kích Ukraina" chịu trách nhiệm về vụ tấn công. Các phương tiện truyền thông cũng tuyên bố có "dấu hiệu tình báo" một nhóm thân Ukraina có thể đứng đằng sau vụ việc.

Chính phủ Đức cho đến nay vẫn chưa bình luận về thông tin do giới truyền thông đưa ra. Vài ngày trước, Thụy Điển, Đan Mạch và Đức “thông báo cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc rằng các cuộc điều tra đang diễn ra và vẫn chưa có kết quả”. Kiev phủ nhận mọi liên quan đến vụ việc khi được truyền thông Đức liên hệ.

Ảnh chụp ngày 8.10.2012 cho thấy, các thiết bị trước lễ khai trương đường dẫn khí đốt thứ hai của Nord Stream ở vịnh Portovaya, cách thị trấn Vyborg, tây bắc nước Nga khoảng 60 km. Ảnh: Xinhua

Thông tin của tình báo Mỹ

Trong khi đó, cùng ngày 7.3, tờ New York Times (NYT) trích dẫn một số quan chức tình báo Mỹ cho hay một “nhóm thân Ukraina” đứng sau các cuộc tấn công Nord Stream. “Không có công dân Mỹ hay Anh nào tham gia” - NYT viết thêm.

NYT cũng cho biết, những quả bom xé toạc 3 trong số 4 nhánh của hai đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 “rất có thể” được cài đặt bởi các thợ lặn có kinh nghiệm, những người có thể đã được “chính phủ đào tạo chuyên môn trong quá khứ”.

Các nguồn tin nói thêm, họ không có bằng chứng cho thấy, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky hoặc các "tướng lĩnh hàng đầu" của ông có liên quan, hay "bất kỳ quan chức chính phủ Ukraina nào" đã chỉ đạo cuộc tấn công.

Các quan chức không nói ai chỉ đạo hoặc trả tiền, cho hay có khả năng cuộc tấn công “có thể đã được tiến hành bí mật bởi một lực lượng ủy nhiệm có liên hệ với chính phủ Ukraina hoặc các cơ quan an ninh của nước này”.

Theo các nguồn tin của NYT, Tổng thống Mỹ Joe Biden và các trợ lý hàng đầu của ông "không cho phép" cuộc tấn công vào Nord Stream và rằng "không có sự tham gia của Mỹ" trong các vụ nổ. Những tuyên bố này trực tiếp đề cập đến bài báo tháng trước của nhà báo điều tra Seymour Hersh, cáo buộc Mỹ ra lệnh đánh bom và đặt chất nổ.

Trong khi các quan chức Tây Âu cũng tin rằng, cuộc tấn công được nhà nước bảo trợ, thì “các quan chức Mỹ không tuyên bố công khai về nhận định này" - tờ NYT lưu ý.

Một số quan chức coi “Ukraina và các đồng minh” có “động cơ hợp lý nhất” để phá hủy các đường ống. Không rõ họ muốn nói đến đồng minh là ai; mặc dù Ba Lan là nước phản đối gay gắt Nord Stream, Mỹ và toàn bộ khối NATO đã gửi vũ khí trị giá hơn 100 tỉ USD và các viện trợ khác cho Kiev trong năm qua.

Các phóng viên của NYT lưu ý: “Bất kỳ phát hiện nào đổ lỗi cho Kiev hoặc các lực lượng ủy nhiệm của Ukraina đều có thể gây ra phản ứng dữ dội ở châu Âu và khiến phương Tây khó duy trì một mặt trận thống nhất ủng hộ Ukraina”.

Các quan chức nói với NYT, "cho đến nay không có bằng chứng nào" cho thấy chính phủ Ukraina có liên quan và sự tin tưởng của Tổng thống Joe Biden đối với Tổng thống Volodymyr Zelensky "ngày càng tăng lên".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn