MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Canada đã gửi trả tuabin của đường ống dẫn khí Nord Stream về Đức. Ảnh chụp màn hình

Tuabin Nord Stream chưa trở lại Nga, Châu Âu vẫn bất an

Thanh Hà LDO | 23/07/2022 21:37
Châu Âu một lần nữa bất an với nguy cơ gián đoạn nguồn cung khí đốt Nga ngay cả khi đường ống dẫn khí Nord Stream đã hoạt động trở lại trong tuần này sau 10 ngày bảo trì. 

Chưa rõ Nga sẽ làm gì

Trong tuần này, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo khí đốt qua Nord Stream - đường ống lớn nhất của Nga đến Châu Âu - có thể giảm dần nếu tuabin từng mắc kẹt ở Canada không được đưa về Nga trong những ngày tới.

Trong Liên minh Châu Âu (EU), các chính trị gia và các doanh nghiệp đang chuẩn bị cho khả năng Nga có thể cắt giảm nguồn cung khí đốt thêm nữa hoặc thậm chí ngừng cung cấp hoàn toàn.

Các quốc gia EU đang nỗ lực bổ sung cho kho dự trữ khí đốt trong bối cảnh đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng lịch sử có nguy cơ gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng. 

Penny Leake, chuyên gia về khí đốt và LNG của Châu Âu tại Wood Mackenzie Ltd, nhận định: "Dự kiến ​có nhiều gián đoạn hơn nữa khi Nga tìm cách tăng sức ép kinh tế và chính trị với Châu Âu khi mùa đông đến gần. Vẫn chưa rõ Nga sẽ làm gì".

Một trạm của đường ống dẫn khí Nord Stream. Ảnh: AFP

Nord Stream vận hành ở mức khoảng 40% công suất sau khi hoạt động trở lại ngày 21.7. Mức vận chuyển khí đốt qua đường ống này có thể giảm xuống 20% ​​ngay trong tuần tới nếu vấn đề tuabin không được giải quyết, theo ông Putin. 

Đầu tuần này, nhà lãnh đạo Nga cảnh báo, chỉ có 2 tuabin tại một trạm nén khí của nga đang hoạt động và 1 tuabin trong số đó cần bảo dưỡng ngay trong tháng 7 này.

Nếu tuabin thay thế không được gửi từ Canada đến Nga, dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 sẽ giảm xuống, ông Putin nói thêm. 

Bí ẩn tung tích tuabin

Bloomberg lưu ý, tình trạng hiện tại của tuabin Nord Stream cũng chưa rõ ràng.

Kể từ ngày 22.7, tuabin bị mắc kẹt tại địa điểm không được tiết lộ ở Đức vì Nga không cung cấp các thủ tục giấy tờ cần thiết để cho phép vận chuyển, nguồn tin nắm rõ tình hình cho hay. 

Trong khi đó, Gazprom của Nga cho biết chưa nhận được giấy tờ yêu cầu từ nhà sản xuất tuabin Siemens đồng thời nhấn mạnh công ty không còn nghĩa vụ bổ sung nào với công ty Đức trong việc nhận tuabin. 

“Nga chơi một trò chơi chiến lược về nguồn cung cấp khí đốt cho Châu Âu. Để tiếp tục chảy ở mức thấp tốt hơn là cắt hoàn toàn. Nó làm giảm quyết tâm của Châu Âu trong việc giảm nhu cầu khí đốt" - Simone Tagliapietra, thành viên tổ chức tư vấn Bruegel, nhận định. 

Giá khí đốt Hà Lan, được dùng làm tiêu chuẩn ở Châu Âu, đã tăng phiên thứ 3 liên tiếp vào ngày 22.7 do nguồn cung không chắc chắn.

Nga củng cố kho dự trữ khí đốt

Trong khi EU bổ sung cho kho dự trữ khí đốt, Nga cũng đang chuẩn bị cho mùa đông khắc nghiệt. Bộ trưởng Năng lượng Nga Nikolai Shulginov báo cáo với Tổng thống Putin ngày 21.7 rằng mức dự trữ khí đốt của nước này là 81% nhu cầu của những tháng lạnh giá nhất.

“Chúng tôi đang chuẩn bị cho giai đoạn khó khăn này với nhận thức đầy đủ rằng các đối tác ở trạng thái không thân thiện... Mặt khác, chúng tôi đang làm việc bình thường, dựa trên các kế hoạch và tiến trình đã định" - ông nói. 

Hiện vẫn còn phải chờ xem sản lượng khí đốt Nga ảnh hưởng thế nào sau khi kho dự trữ của nước này đầy. Dữ liệu từ Gazprom cho thấy sản lượng của công ty vào giữa tháng 7 đã giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Nga đang giảm dòng khí đốt đến Châu Âu thông qua Ukraina và không có dấu hiệu nào cho thấy Mátxcơva sẽ tăng nguồn cung. Trong cuộc đấu giá hàng tháng vào đầu tuần này, Gazprom không đặt thêm công suất bổ sung cho vận chuyển khí đốt theo đường ống trong tháng 8. 

Việc cắt giảm xuất khẩu khí đốt Nga đang được phân chia giữa việc bơm vào kho dự  trữ trong nước và ngừng sản xuất, Goldman Sachs Group thông tin.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV, bà Samantha Dart, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu khí đốt của ngân hàng, chỉ ra, Nga có phương án tái định tuyến các dòng khí đốt qua Ukraina nhưng đã không chọn cách này. 

Châu Âu LNG mức kỷ lục

Khi khí đốt Nga qua đường ống đến Châu Âu không chắc chắn, châu lục này đã tìm cách bù đắp phần nào qua nhập khẩu LNG với khối lượng kỷ lục trong năm nay. 

Việc Châu Âu nhập được LNG nhiều một phần là do nhu cầu ở Châu Á đang giảm đi bởi lượng trữ trong kho đủ lớn và các đợt phong tỏa ngừa COVID-19 ở Trung Quốc. Thậm chí, một số khách hàng Châu Á còn bán lại LNG trên thị trường giao ngay. 

“Vào thời điểm hoạt động của Trung Quốc tăng lên, chúng ta có thể thấy diễn biến này nhanh chóng thay đổi và hệ quả là ít LNG cho Châu Âu hơn" - bà Dart cảnh báo. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn