MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng trần nợ của Mỹ làm dấy lên những lo ngại về vai trò chi phối của Mỹ trong nền kinh tế thế giới. Ảnh: Xinhua

Tương lai của Mỹ ảnh hưởng kinh tế toàn cầu

Khánh Minh LDO | 17/06/2023 21:15
Vai trò của Mỹ trong hệ thống tài chính toàn cầu đã thay đổi, điều này có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới.

Việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công của Mỹ vào phút chót mới đây đã khiến các thị trường tài chính toàn cầu thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng cách cuộc khủng hoảng được giải quyết đã làm dấy lên lo ngại về vai trò chi phối của Mỹ trong nền kinh tế thế giới vào thời điểm có những thách thức chưa từng có, bao gồm tăng trưởng thấp, lạm phát cao và lo lắng về sự ổn định của hệ thống ngân hàng.

Nhìn lại cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008

Steve Schifferes là chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Chính trị CITYPERC, Đại học London. Từng là phóng viên kinh tế của BBC trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, ông cho biết đã tận mắt chứng kiến vai trò chủ đạo của Mỹ, cả trong nước và quốc tế, trong việc giải quyết tình hình. Ngày nay, theo ông, có rất ít bằng chứng về cam kết tương tự từ Mỹ.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đóng một vai trò quan trọng trong năm 2008. Fed đã ổn định hệ thống ngân hàng toàn cầu bằng cách cho các ngân hàng trung ương khác vay hơn 1 nghìn tỉ USD thông qua cái gọi là "đường hoán đổi", bơm tiền vào hệ thống tài chính.

Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải cứu hệ thống ngân hàng châu Âu bằng cách cho vay USD.

Trong cuộc khủng hoảng năm 2008, Mỹ cũng là động lực thúc giục các nước công nghiệp lớn đưa ra các chính sách mở rộng để phát triển kinh tế nhằm tránh suy thoái toàn cầu.

Fed cũng cho phép Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cung cấp thêm 1 nghìn tỉ USD để ổn định mối đe dọa đối với hệ thống tài chính và giúp đỡ các nước có thu nhập thấp và thị trường mới nổi.

Và Mỹ đã đi đầu, thông qua G20, trong việc thành lập cơ quan quản lý tài chính toàn cầu - Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB) - để đảm bảo sự ổn định của các ngân hàng lớn trên toàn cầu.

Thời thế đã khác

Gần đây, hệ thống tài chính thế giới đã bị rung chuyển bởi một cuộc khủng hoảng tài chính khác, mặc dù nó có quy mô nhỏ hơn: Sự sụp đổ của một số ngân hàng khu vực của Mỹ và việc giải cứu ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse.

Credit Suisse là một trong 30 tổ chức tài chính quan trọng có hệ thống toàn cầu được FSB xác định là có khả năng gây ra khủng hoảng tài chính nếu chúng phá sản.

Có những lo ngại về cái gọi là hệ thống ngân hàng ngầm, phần lớn là các tổ chức tài chính không được kiểm soát hiện chiếm một nửa tổng tài sản tài chính toàn cầu. Ví dụ, ở Mỹ, nhiều người đầu tư vào quỹ thị trường tiền tệ, vốn trả lãi cao hơn ngân hàng nhưng không cung cấp bảo hiểm tiền gửi.

Trong khi đó, hệ thống quản lí quốc tế được tạo ra vào năm 2008 đã không hiệu quả hoặc yếu đi. Áp lực chính trị đã khiến Mỹ giảm các quy định và yêu cầu về vốn đối với các ngân hàng khu vực dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, trong khi những lo ngại về tính lành mạnh của chúng vẫn còn.

Trên bình diện quốc tế, căng thẳng địa chính trị trong G20 do sự khác biệt giữa các nước thị trường mới nổi và các nước G7 đối với Ukraina, đã làm suy yếu thêm tác động các khuyến nghị của FSB.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Ảnh: Xinhua

Vai trò của Mỹ ảnh hưởng kinh tế toàn cầu

Có nhiều lí do để nghi ngờ liệu Fed có sẵn sàng hoặc có thể lãnh đạo một cuộc giải cứu ngân hàng quy mô lớn khác theo kiểu năm 2008 hay không.

Trước hết, trái ngược với tình trạng lạm phát tương đối thấp trong năm 2008, Fed hiện đang phải đối mặt với những áp lực trái chiều, phải tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát.

Con số này có thể tăng trở lại nếu Fed buộc phải cắt giảm lãi suất để cứu các ngân hàng đã cho vay ồ ạt trong giai đoạn lãi suất thấp gần đây và đang chứng kiến nợ xấu gia tăng khi lãi suất tăng và những người đi vay gặp khó khăn trong việc xoay sở trả nợ.

Vì lý do tương tự, Fed sẽ miễn cưỡng hỗ trợ nền kinh tế Mỹ mở rộng hơn nữa, điều này có thể gây thêm áp lực lạm phát.

Cuối cùng, khả năng thực hiện một cuộc giải cứu ngân hàng lớn của Mỹ, dù trong nước hay quốc tế, bị hạn chế bởi thực tế là Fed vẫn còn một khoản dư lớn trên bảng cân đối kế toán từ cuộc giải cứu năm 2008 mà họ đang cố gắng giảm 30 tỉ USD, và sắp tới là 60 tỉ USD mỗi tháng.

Thẩm quyền của Fed trong việc phát hành hoán đổi cho các ngân hàng trung ương khác cũng có thể bị thách thức bởi các chính trị gia, những người có thể đặt câu hỏi về sự cần thiết phải giúp đỡ các đối thủ kinh tế của Mỹ.

Mối đe dọa kép của lạm phát và tăng trưởng chậm vẫn chưa được chế ngự, kể cả ở châu Âu hay Mỹ. Điều này khiến uy tín của các ngân hàng trung ương - vốn là chìa khóa cho khả năng quản lý nền kinh tế của họ - bị đặt dấu hỏi hơn bao giờ hết.

Trong khi đó, giá trị của các tài sản tài chính làm nền tảng cho hệ thống tài chính toàn cầu, đặc biệt là trái phiếu kho bạc Mỹ, đã có những biến động mạnh do khủng hoảng ngân hàng và trần nợ, cũng như lo ngại về quy mô nợ công khổng lồ ngày càng tăng nhanh của chính phủ Mỹ.

Tất cả điều này đã gây áp lực chưa từng có đối với sự ổn định của các ngân hàng trên toàn thế giới. Căng thẳng ngày càng tăng trong hệ thống tài chính toàn cầu hóa, cùng với sự suy yếu của Mỹ trong vai trò toàn cầu, có thể gây nguy hiểm cho nền kinh tế thế giới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn