MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) tiếp ông Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 22.2.2023 tại Mátxcơva, Nga. Ảnh: Xinhua

Vai trò của Trung Quốc với nền kinh tế Nga từ sau xung đột Nga-Ukraina

Ngọc Vân LDO | 24/02/2023 10:05

Trung Quốc - nước mua hàng hóa lớn nhất thế giới và là một cường quốc tài chính và công nghệ - đã và đang hỗ trợ nền kinh tế Nga theo ba cách.

1. Mua năng lượng của Nga

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina, phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng thấy với Mátxcơva, bao gồm cấm vận dầu, áp giá trần với dầu của Nga, đóng băng tài sản của Nga ở nước ngoài...

Những động thái này nhằm mục đích làm suy yếu khả năng tài trợ cho cuộc chiến của Nga. Tuy nhiên, theo Chính phủ Nga, doanh thu tài chính của nước này đã tăng lên, chủ yếu nhờ vào giá năng lượng cao và những nỗ lực của Nga trong việc chuyển hướng xuất khẩu sang những bạn hàng khác, chẳng hạn như Trung Quốc và Ấn Độ.

Neil Thomas - nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc và Đông Bắc Á tại Eurasia Group - cho biết, việc Trung Quốc tăng cường thương mại với Nga đã làm suy yếu những nỗ lực của phương Tây nhằm làm tê liệt bộ máy quân sự của Nga.

CNN cho hay, tổng kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt mức cao kỷ lục mới vào năm 2022, tăng 30% lên 190 tỉ USD, theo số liệu của hải quan Trung Quốc.

Đặc biệt, thương mại năng lượng đã tăng lên rõ rệt kể từ khi bắt đầu chiến sự Ukraina.

Trung Quốc đã mua lượng dầu thô trị giá 50,6 tỉ USD của Nga từ tháng 3 đến tháng 12.2022, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước.

Nhập khẩu than tăng 54% lên 10 tỉ USD. Các giao dịch mua khí đốt tự nhiên bao gồm khí đốt đường ống và LNG, tăng vọt 155% lên 9,6 tỉ USD.

Hai bên cùng có lợi: Đối với Nga, nước này rất cần những khách hàng mới vì nhiên liệu hóa thạch của Nga đang bị phương Tây xa lánh.

Đối với Trung Quốc - hiện tập trung vào việc đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái - đang cần năng lượng giá rẻ cho ngành sản xuất khổng lồ của mình.

Hai bên đang có kế hoạch mở rộng quan hệ đối tác hơn nữa, bao gồm thỏa thuận giữa Tập đoàn dầu khí Nga Gazprom và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc để cung cấp thêm khí đốt cho Trung Quốc trong 25 năm tới.

Anna Kireeva, phó giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Mátxcơva, cho biết: “Với việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa vào năm 2023, dự kiến xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc sẽ tăng hơn nữa, bao gồm cả xăng dầu và các sản phẩm tinh chế dầu khác”.

Một đoạn đường ống dẫn khí Nga - Trung Quốc tuyến phía đông ở Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ảnh: Xinhua

2. Thay thế các nhà cung cấp phương Tây

Nga đã chi hàng tỉ USD để mua máy móc, thiết bị điện tử, kim loại cơ bản, phương tiện, tàu và máy bay từ Trung Quốc, như được nêu chi tiết trong báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ từ tháng 5 năm ngoái.

Nga cũng cần tìm những sản phẩm thay thế cho hàng nhập khẩu từ các thị trường phương Tây, chẳng hạn như ôtô và đồ điện tử.

Trong lĩnh vực này, Trung Quốc có năng lực công nghiệp mà không nước sản xuất lớn nào khác có thể cạnh tranh được.

Theo dữ liệu mới nhất từ công ty nghiên cứu Autostat của Nga, các thương hiệu xe hơi Trung Quốc, bao gồm Havel, Chery và Geely, đã tăng thị phần từ 10% lên 38% trong một năm sau khi các thương hiệu phương Tây rút lui. Và tỉ lệ đó được dự báo có thể sẽ tăng thêm trong năm nay.

Trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, các thương hiệu Trung Quốc chiếm khoảng 40% thị trường điện thoại thông minh vào cuối năm 2021. Một năm sau, họ chiếm tới 95% thị phần, theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint.

3. Cung cấp giải pháp thay thế cho đồng USD

Sau khi một số ngân hàng Nga bị ngắt khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, Nga đã thay thế đồng USD bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Các công ty Nga đã và đang sử dụng nhiều nhân dân tệ hơn để tạo thuận lợi cho việc gia tăng thương mại với Trung Quốc. Các ngân hàng Nga cũng tiến hành nhiều giao dịch bằng đồng nhân dân tệ hơn để tránh bị trừng phạt.

Thị phần của đồng nhân dân tệ trên thị trường ngoại tệ của Nga đã tăng lên 48% vào tháng 11.2022 từ mức dưới 1% vào tháng 1, theo truyền thông Nga dẫn lời người đứng đầu Sàn giao dịch Mátxcơva.

Nga đã nhanh chóng trở thành trung tâm giao dịch nước ngoài lớn thứ ba thế giới đối với đồng nhân dân tệ vào tháng 7 năm ngoái, sau Hong Kong (Trung Quốc) và Vương quốc Anh, theo số liệu do SWIFT công bố.

Kể từ đó, Nga vẫn là một trong sáu thị trường giao dịch nhân dân tệ hàng đầu, trong khi Nga thậm chí còn không nằm trong top 15 trước chiến sự Ukraina.

Bộ Tài chính Nga cũng đã tăng gấp đôi tỉ lệ dự trữ nhân dân tệ mà quỹ tài sản có chủ quyền của nước này có thể nắm giữ lên 60%, sau khi một phần lớn dự trữ ngoại hối của nước Nga bị đóng băng do các lệnh trừng phạt quốc tế, theo Reuters.

Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết, Nga sẽ chỉ mua nhân dân tệ trong năm 2023 để nạp đầy quỹ tài sản có chủ quyền của đất nước - TASS đưa tin.

Với nhiều dự trữ nhân dân tệ hơn, Nga có thể sử dụng đồng tiền của Trung Quốc để ổn định đồng rúp và thị trường tài chính của nước này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn