MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mọi người đeo khẩu trang ở Tokyo, Nhật Bản tháng 7.2021. Ảnh: AFP

Văn hoá khẩu trang ở Châu Á

Thanh Hà LDO | 03/02/2023 08:00

Nhiều quốc gia Châu Á đã bỏ quy định khẩu trang từ nhiều tháng trước. Tuần này, Hàn Quốc đã dỡ bỏ quy định bắt buộc nhưng khẩu trang vẫn phổ biến. 

Quy định đeo khẩu trang, từng áp dụng phổ biến trong đại dịch COVID-19, cuối cùng đã được dỡ bỏ ở một số quốc gia Đông Á, nơi quy định ngừa COVID-19 kéo dài lâu hơn nhiều so với các khu vực khác trên thế giới.

Đeo khẩu trang dẫn tới một số khó chịu, bao gồm cản trở giao tiếp và làm mờ kính mắt. Các quốc gia ở Đông Nam Á và Châu Âu, cũng như Mỹ, đã bỏ quy định yêu cầu đeo khẩu trang từ nhiều tháng trước. 

Nhưng ngay cả khi quy định được dỡ bỏ, nhiều công dân ở Đông Á vẫn không ngừng đeo khẩu trang. 

Thói quen khó thay đổi

Nhiều nơi tại Châu Á, quy định về khẩu trang nghiêm ngặt trong hơn 2 năm. Điều đó khiến việc đeo khẩu trang trở nên thường xuyên và thành thói quen khó thay đổi. 

Mizuki Nishimura, 24 tuổi, giáo viên dạy múa ba lê ở Yokohama, thành phố lớn thứ hai của Nhật Bản, cho hay, việc đeo khẩu trang đã trở thành phản xạ với học trò.

"Họ đeo khẩu trang giống như việc cúi đầu theo phản xạ khi nhìn thấy người lớn. Không đeo khẩu trang, họ cảm thấy thiếu thiếu thứ gì đó” - Nishimura cho hay. 

Thói quen đeo khẩu trang có từ trước khi COVID-19 bùng phát ở Châu Á vì vậy quy định này nhanh chóng áp dụng hơn trong thời kỳ đại dịch. Từ đại dịch cúm năm 1918 và gần đây là SARS năm 2002 và MERS năm 2012, giới chức y tế khắp khu vực có thể thuyết phục công chúng đeo khẩu trang.

Nhiều người ở Hàn Quốc và Nhật Bản cũng tận hưởng lợi thế không phải trang điểm hay cười khi đeo khẩu trang. Ở Nhật Bản, nhiều người gọi khẩu trang là “kao pantsu” hay “quần che mặt”, nghĩa là việc không đeo khẩu trang cũng xấu hổ như cởi quần lót ở nơi công cộng.

Sangmin Kim, học giả nghiên cứu văn hóa tại CATS Lab, trung tâm nghiên cứu ở Seoul, cho hay, khẩu trang đã giúp nhiều người Hàn Quốc giảm bớt áp lực xã hội về việc duy trì khuôn mặt đẹp. “Mọi người cảm thấy thoải mái khi được giấu mặt, và họ cảm thấy hơi khó chịu khi để lộ mặt mộc" - Sangmin Kim nói.

Giới chức y tế vẫn khuyến nghị đeo khẩu trang

Dù đeo khẩu trang không phải quy định nghiêm ngặt ở Nhật Bản và Hàn Quốc nhưng các cơ quan y tế ở những nước này vẫn tiếp tục kêu gọi người dân đeo khẩu trang, đặc biệt trong nhà.

"Mối nguy hiểm của COVID-19 vẫn chưa biến mất" - Kim Seong-ho, một quan chức y tế cấp cao ở Hàn Quốc, chia sẻ. 

Tại Hàn Quốc vẫn yêu cầu đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng và tại các cơ sở y tế.

Giới chức Nhật Bản vẫn đang khuyến khích người dân đeo khẩu trang trong nhà dù họ cho rằng không cần phải đeo khẩu trang khi ra ngoài trời. Nhật Bản chưa bao giờ bắt buộc đeo khẩu trang hoặc có các hình phạt với việc không đeo khẩu trang. Giới chức chỉ khuyến nghị và việc đeo khẩu trang đã trở thành quy tắc bất thành văn. Vì mọi người thường mang theo khẩu trang bên mình mọi lúc mọi nơi nên họ có xu hướng đeo khẩu trang ngay cả khi đang ở ngoài trời. 

Miki Moro, 30 tuổi, nhà tuyển dụng nhân sự ở Tokyo, chia sẻ: “Tôi chắc chắn rằng có những người nghĩ việc đeo và tháo khẩu trang tùy theo địa điểm thật khó chịu, vì vậy họ cứ đeo mãi như vậy".

Các nghiên cứu dịch tễ học chỉ ra, việc sử dụng khẩu trang cao ở các quốc gia giúp duy trì mức lây nhiễm thấp trong suốt đại dịch. John Volckens, kỹ sư y tế công cộng tại Đại học Bang Colorado ở Fort Collins, cho hay, quy định về đeo khẩu trang cũng đã được chứng minh là làm chậm đáng kể lây lan virus ở Mỹ. 

Việc tránh các bệnh về đường hô hấp khác, như cúm và dị ứng theo mùa, cũng là lý do khiến nhiều người đeo khẩu trang.

Tôn trọng sức khoẻ của người khác

Đeo khẩu trang cũng được coi là thói quen tốt với nhiều người ở Châu Á. Việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng là để ngăn lây bệnh cho người khác.

Trong không gian đông đúc, những người không đeo khẩu trang trở nên nổi bật. 

Kazunari Onishi, tác giả cuốn sách "The Dignity of Masks" và là phó giáo sư về sức khỏe cộng đồng tại Đại học Quốc tế St. Luke ở Tokyo, cho hay: "Bạn sẽ bị nhìn chằm chằm nếu không đeo khẩu trang".

Ông Kim, học giả nghiên cứu về văn hóa, nói rằng, cá nhân ông tiếp tục đeo khẩu trang khi ra ngoài để thể hiện “hình ảnh tôi là một người không gây hại cho người khác”.

“Người Hàn Quốc có thể coi việc không đeo khẩu trang là hành động thiếu tôn trọng. Họ coi trọng việc không gây hại cho hàng xóm của họ" - ông nói. 

Bảo vệ khỏi ô nhiễm không khí

Trong những năm qua, mức độ bụi mịn ở Đông Á liên tục không đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng không khí quốc tế. Do đó, từ lâu mọi người đã quen với việc đeo khẩu trang để bảo vệ sức khỏe.

Năm ngoái, nồng độ trung bình của bụi mịn PM 2.5 là 18 microgam trên mét khối, theo cơ quan thời tiết Hàn Quốc. Nồng độ bụi mịn PM 2.5 được Tổ chức Y tế Thế giới coi là an toàn là 5 microgam trên mét khối.

"Văn hóa đeo khẩu trang đã hình thành kể từ khi bụi mịn bắt đầu trở thành vấn đề vào những năm 2010" - ông Kim nói. 

Ông cho biết thêm, bởi trước đây khẩu trang được sử dụng rộng rãi nên các nhà máy sản xuất khẩu trang ở Hàn Quốc đã chuẩn bị tốt hơn để sản xuất hàng loạt khi COVID-19 bùng phát cuối năm 2019. 

Tại Trung Quốc và Ấn Độ, nơi từng có mức độ ô nhiễm không khí tồi tệ nhất trên thế giới, các quan chức y tế đã duy trì quy định đeo khẩu trang để chống COVID-19. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn