MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Văn học trực tuyến Trung Quốc ngày càng phát triển. Ảnh: VCG

Văn học trực tuyến Trung Quốc hút lượng độc giả khổng lồ toàn cầu

Khánh Minh LDO | 15/03/2023 06:00
Văn học trực tuyến của Trung Quốc đã thu hút khoảng 170 triệu độc giả ở nước ngoài tính đến cuối năm 2022.

Theo báo cáo chung của Trung tâm Nghiên cứu Thời báo Toàn cầu và Văn học Trung Quốc (CLL), nền tảng CLL đã thu hút hơn 170 triệu độc giả trên toàn thế giới tính đến cuối năm 2022. CLL lưu trữ khoảng 2.900 tiểu thuyết tiêu biểu của Trung Quốc với nhiều thứ tiếng khác nhau trên toàn cầu.

Theo chuyên gia về xuất bản kỹ thuật số Feng Jia, văn học trực tuyến Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chóng mặt, giúp phục hồi nền văn hóa truyền thống của quốc gia này. 

Thành công ở nước ngoài

So sánh giữa văn học trực tuyến và ngành công nghiệp xuất bản "ngoại tuyến", Feng nhận định văn học trực tuyến đang chiếm ưu thế trên thế giới vì không cần phải tốn thời gian, nguyên liệu để in ấn và đóng thành một cuốn sách hoàn chỉnh.

"Văn học trực tuyến có tỉ lệ năng suất cao hơn. Chỉ cần sự sáng tạo không giới hạn của các nhà văn, nhà thơ thì ngành công nghiệp này sẽ trở nên phong phú và sinh động" - Feng nói.  

Hơn 35,16 triệu tác phẩm văn học trực tuyến đã được các nhà văn Trung Quốc cho ra đời tính đến năm 2022, tăng 3 triệu tác phẩm so với năm 2021. Các tác phẩm trong năm 2023 chắc chắn sẽ vượt qua con số hiện tại.

Chỉ riêng CLL đã ủy quyền cho hơn 800 ấn phẩm số và giấy của các tác phẩm văn học trực tuyến ở nước ngoài. Trong đó có 16 tác phẩm tiêu biểu trên nền tảng trực tuyến Qidian đang được sưu tầm tại Thư viện Anh (Vương quốc Anh).

Zhang Yiwu, giáo sư văn học tại Đại học Bắc Kinh, nói rằng việc xuất dữ liệu và nội dung từ văn học trực tuyến Trung Quốc không có gì mới lạ vì Trung Quốc từ lâu đã được biết đến có "hệ sinh thái văn học trực tuyến tốt nhất thế giới".

Ông Li đánh giá cao việc độc giả phương Tây yêu thích văn học trực tuyến của Trung Quốc, coi đây là một "con dấu chấp thuận" từ bạn bè quốc tế và cũng phần nào cho thấy chất lượng tuyệt vời trong văn chương của nước này

Yao Jianbin - giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh - cho hay độ phổ biến của văn học trực tuyến Trung Quốc ở nước ngoài còn được hưởng lợi phần lớn từ "sự phong phú và đa dạng của văn hóa Trung Quốc".

Báo cáo cho thấy bên cạnh "gấu trúc", các thuật ngữ khác mang tính biểu tượng của Trung Quốc như "Đạo giáo", "trà đạo Trung Quốc" và "võ thuật"... cũng đã trở thành những từ ngữ được tìm kiếm nhiều nhất đối với độc giả nước ngoài. 

Năm 2022, báo cáo "Mười từ khóa cho văn học trực tuyến" của CLL và The Paper, cho thấy "truyện Trung Quốc" đứng vị trí đầu bảng trong danh sách tìm kiếm và điều này một lần nữa chứng tỏ được sức hút khổng lồ của văn học trực tuyến Trung Quốc.

Với các thể loại như khoa học viễn tưởng, giả tưởng và tiểu thuyết lịch sử, các tác phẩm văn học trực tuyến như tiểu thuyết giả tưởng cổ trang có thể truyền tải các giá trị văn hóa của Trung Quốc và được "săn đón" nồng nhiệt ở nước ngoài.

Giáo sư Yao cho biết: “Thành công này chính là nhờ sự quan tâm đông đảo của độc giả nước ngoài đối với Trung Quốc, văn hóa Trung Quốc, sự phát triển nhanh chóng của quốc gia và hơn thế nữa...”.

Sức mạnh của tuổi trẻ

Theo báo cáo mới nhất, CLL đã cho ra mắt nền tảng WebNovel - một nền tảng hướng tới độc giả ở hơn 200 quốc gia và khu vực trên thế giới. Hiện tại, văn học trực tuyến Trung Quốc chủ yếu phổ biến với giới trẻ.

Ông Li chia sẻ, người trẻ tuổi có xu hướng hình thành thói quen đọc sách trở lại từ năm 2020. Vào khoảng thời gian đó, một nửa số độc giả của văn học trực tuyến Trung Quốc đang trong độ tuổi 20 và thuộc thế hệ gen Z.

Fang Xiaoxue, một độc giả 23 tuổi ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, nói rằng việc đọc văn học trực tuyến khá phổ biến ở trường đại học nơi cô đang theo học.

Bên cạnh những tiện lợi của các tác phẩm văn học trực tuyến (có thể xem trên điện thoại bất kỳ lúc nào), điều cô thích nhất ở những tác phẩm này là "chủ đề phản ánh thái độ và ước mơ của những người trẻ tuổi".

Sức mạnh của thế hệ gen Z không chỉ dừng lại ở độc giả; giới trẻ Trung Quốc cũng bắt đầu con đường trở thành tác giả của những tác phẩm văn học. Chẳng hạn, nền tảng văn học trực tuyến WebNovel cho thấy 37,5% nhà văn sinh ra vào những năm 2000.

Ma Ji - chuyên gia văn học của Hiệp hội Nhà văn Trung Quốc - nói rằng ngành công nghiệp văn học trực tuyến phát triển mạnh mẽ của Trung Quốc đã mở ra con đường rộng lớn cho các nhà văn thế hệ gen Z ở quốc gia này. 

Hầu hết những nhà văn trẻ đang bắt đầu sự nghiệp trên nền tảng trực tuyến. Sự thay đổi này đang làm cho văn học trực tuyến trở thành một giai đoạn chuyển tiếp quan trọng trong việc hình thành "văn học mới" ở Trung Quốc.

Giáo sư Yao nhận định: “Những câu chuyện sáng tạo mà các nhà văn Trung Quốc đã sáng tác để thu hút độc giả nước ngoài, đặc biệt là thế hệ gen Z, sẽ tạo ra một trải nghiệm đọc hoàn toàn khác so với văn học truyền thống".

Cùng với nhóm nghiên cứu của mình, ông Yao đã xem xét những ảnh hưởng của văn học Trung Quốc ở nước ngoài và đang lập một số báo cáo về vấn đề này.

Theo báo cáo giáo sư Yao viết, các trang web như WebNovel có hơn 340.000 nhà văn trực tuyến ở nước ngoài. Trong khi số lượng độc giả nước ngoài chủ yếu đến từ các quốc gia như Mỹ, các nhà văn đến từ các quốc gia khác như Ấn Độ và Vương quốc Anh.

Mỹ là quốc gia có số lượng tác giả trực tuyến lớn nhất trên nền tảng này, theo sau đó là Ấn Độ, Philippines, Indonesia và Vương quốc Anh.

Yang Chen, phó chủ tịch kiêm tổng biên tập của CLL cho biết: "Bất kể sự khác biệt về ngôn ngữ, họ đều viết nên những câu chuyện về giấc mơ của mọi người. Những câu chuyện như vậy sẽ cho phép độc giả tiếp cận sự khác biệt về văn hóa và biết cách trân trọng nó. Đây là sức hút tiêu biểu của văn học trực tuyến". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn