MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá xăng ở Mỹ tăng cao trên 4,33 USD 1 gallon hôm 11.3. Ảnh: AFP

Vì sao giá xăng ở Mỹ tăng vọt dù gần như không dùng dầu của Nga?

Bảo Châu LDO | 14/03/2022 18:37
Các tài xế Mỹ đau đầu vì giá xăng ở nước này tăng cao kỷ lục.

Mặc dù Mỹ hầu như không sử dụng dầu khí của Nga, nhưng xung đột Nga - Ukraina vẫn là một nhân tố lớn khiến giá xăng tăng đột biến, cùng một vài lý do khác.

Tại sao dầu khí của Nga lại ảnh hưởng đến Mỹ?

Phần lớn dầu khí của Nga được chuyển tới Châu Âu và Châu Á. Điểm mấu chốt là cần phải nhìn nguồn cung dầu trên quy mô toàn cầu, thay vì tập trung riêng vào thị trường Mỹ. Thế giới hàng hóa là một thế giới liên kết chặt chẽ với nhau và dầu được định giá thông qua thị trường toàn cầu. Vì vậy, những gì xảy ra ở một khu vực trên thế giới có thể ảnh hưởng đến khu vực khác.

Nga là một trong những nhà cung cấp dầu lớn nhất thế giới. Ví dụ, vào tháng 12.2021, Nga xuất khẩu gần 8 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ khác đến thị trường toàn cầu, bao gồm 5 triệu thùng dầu thô được sử dụng để sản xuất xăng và các sản phẩm khác.

 Mỹ tiêu thụ rất ít dầu từ Nga, hầu như không đáng kể. Ảnh: AFP

Thực tế đúng là nguồn cung của Nga đến Mỹ rất thấp, chỉ 90.000 thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 12.2021, theo thống kê gần đây nhất của chính phủ Mỹ. Ngược lại, vào năm 2021, Châu Âu chiếm 60% lượng dầu xuất khẩu của Nga và Trung Quốc chiếm 20%.

Dầu được mua bán và vận chuyển khắp thế giới thông qua thị trường hàng hóa toàn cầu. Vì vậy, theo nghĩa đó, không thực sự quan trọng ai mới là người đang bị tổn thất do thiếu nguồn cung dầu khí từ Nga, bởi vì nguồn cung thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến giá cả toàn cầu, khiến giá tăng cao.

Ví dụ, nếu Châu Âu mua ít dầu hơn của Nga, họ sẽ phải thay thế bằng dầu từ một nơi khác - có lẽ từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ OPEC do Saudi Arabia đứng đầu. Sự gia tăng nhu cầu đối với dầu của OPEC sẽ khiến giá dầu thô cao hơn. Trong khi đó, Mỹ là đối tác mua hàng trăm triệu thùng dầu từ OPEC và do đó chịu ảnh hưởng tăng giá là điều hiển nhiên.

Tại sao nguồn cung của Nga lại ít hơn?

Ban đầu, phương Tây, bao gồm cả Mỹ, miễn trừ dầu và khí đốt tự nhiên của Nga khỏi các lệnh trừng phạt mà họ đã ban hành. Tuy nhiên, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đảo ngược điều này vào ngày 8.3, cấm nhập khẩu dầu của Nga và các nhiên liệu khác vào Mỹ. Trong khi Anh cho biết sẽ loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay. EU đang ở thế khó hơn vì họ phụ thuộc nhiều hơn vào dầu của Nga.

Kể từ khi lệnh cấm được thực thi, hầu hết nguồn cung của Nga không bán được. Các đối tác sẽ tránh giao dịch vì tiềm ẩn nhiều rủi ro, chẳng hạn như không hoàn tất giao dịch do lệnh trừng phạt đối với hệ thống ngân hàng của Nga, hay việc tìm kiếm các tàu chở dầu sẵn sàng đến các cảng của Nga trong bối cảnh hàng hải gặp nguy hiểm vì trong vùng chiến sự.

Kết quả, loại dầu chính mà Nga xuất khẩu vào Châu Âu đang được rao bán với mức chiết khấu lớn vì không ai mua. JPMorgan gần đây ước tính Nga phải loại bỏ hơn 4 triệu thùng dầu mỗi ngày.

Vì vậy, các nhà đầu tư về cơ bản đang định giá dầu mà không cần phải tính đến nguồn cung từ Nga. Một lần nữa, cung ít hơn thì giá cả sẽ cao hơn.

Tại sao các nước khác không tăng lượng bán ra?

Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, nhu cầu về dầu nói chung vào mùa xuân năm 2020 ở mức rất thấp do lệnh phong tỏa toàn cầu, mọi người đều ở nhà, không ai cần đổ xăng và đến văn phòng. Với nhu cầu giảm, giá dầu cũng giảm theo. Thậm chí, đã có lúc giao dịch ở mức giá âm.

Đến lượt OPEC+ cắt giảm mạnh sản lượng để hỗ trợ giá. Kể từ đó, họ đã giữ các mục tiêu sản xuất ở mức thấp, chỉ tăng dần sản lượng ở tốc độ vừa phải, ngay cả khi nhu cầu về dầu và xăng tăng trở lại sớm hơn dự kiến.

Điều đáng chú, Nga là một thành viên của OPEC+, vì thế OPEC+ không cần phải vội vàng giải cứu. Kể cả từ nhiều tháng trước khi chiến sự Nga - Ukraina nổ ra, nhóm này đã nói rõ rằng, không có kế hoạch mở các vòi dầu sớm.

Tuy nhiên, quan điểm sắt đá này vẫn có thể bị lung lay. Đại sứ Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) tại Washington nói với CNN rằng, nước này muốn tăng sản lượng dầu và sẽ khuyến khích các đối tác trong OPEC+ làm như vậy. Nhưng sau đó, trên Twitter, Bộ trưởng Năng lượng và Cơ sở hạ tầng UAE thông báo quốc gia này sẽ tuân theo thỏa thuận OPEC+ và từng bước nâng cao sản lượng.

Tiếp sau đó, Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết, các nhà lãnh đạo của họ đã họp và nhất trí với các đối tác OPEC+ nên cân bằng cung và cầu để ổn định thị trường.

 Nga là một thành viên của OPEC +. Ảnh: AFP

Tại sao các công ty dầu mỏ của Mỹ không tăng sản xuất?

Nga là nhà sản xuất dầu lớn thứ 2 trên thế giới vào năm 2021, tung ra 9,7 triệu thùng/ngày, nhưng Mỹ đứng số 1 với 10,2 triệu. Các công ty Mỹ không tuân thủ các mục tiêu sản xuất bắt buộc theo kiểu OPEC. Nhưng các nhà sản xuất dầu của Mỹ không thể hoặc sẽ không lấp đầy được lỗ hổng nguồn cung, mặc dù họ có thể kiếm được tiền do giá và nhu cầu đều cao.

Ngoài ra, một phần nguyên nhân không nhỏ do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Giống như nhiều ngành công nghiệp trong thời kỳ đại dịch, các nhà sản xuất dầu đang vật lộn để tìm kiếm nhân lực và nguồn cung cấp thiết bị chuyên dụng. Trong khi đó, các công ty dầu mỏ của Mỹ vẫn đang tìm cách thoát ra khỏi vũng lầy từ vụ phá sản dầu mỏ lớn vào năm 2020, khởi đầu cho một loạt các vụ phá sản. Kể từ đó, giá cổ phiếu của các công ty dầu mỏ lớn đã sụt giảm đáng kể. Và với tư cách là các nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch, họ luôn trong tâm thế cảnh giác trước các chính sách môi trường trong tương lai, vì có thể ảnh hưởng đến nhu cầu dầu trong tương lai.

Tất cả những điều nêu trên nhấn mạnh giá dầu và giá xăng có mối liên hệ như thế nào với các sự kiện địa chính trị, đại dịch, hậu cần khai thác và nhiều hơn thế nữa. Vì thế, giá xăng trung bình của Mỹ đã tăng cao trên 4,33 USD một gallon hôm 11.3.

Tóm lại, nhìn chung tất cả chỉ là ví dụ đơn giản của quy luật cung và cầu dù trên thực tế không thực sự đơn giản như vậy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn