MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tam Tinh Đôi tới nay vẫn là bí ẩn khiến giới khảo cổ học hứng thú tìm hiểu. Ảnh: Tân Hoa Xã

Vì sao giới khảo cổ Trung Quốc phấn khích với phát hiện mới ở Tam Tinh Đôi?

Thanh Hà LDO | 15/06/2022 19:56
Di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi ở tỉnh Tứ Xuyên, phía tây nam Trung Quốc được xem là một trong những khám phá quan trọng nhất của thế kỷ 20, làm sáng tỏ một nền văn hóa thịnh trị cách đây hơn 3.000 năm nhưng ít được biết đến.

Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật được khoảng 13.000 cổ vật từ Tam Tinh Đôi, trong đó có 3.155 cổ vật về cơ bản hoàn chỉnh.  

Các nhà khảo cổ khai quật được gì? 

Các nhà khảo cổ phát hiện một kho báu gồm các đồ vật bằng, đồng, vàng, ngọc bích và ngà voi, tất cả đều liên quan tới hoạt động tế lễ, trong một loạt hố hiến tế chưa từng bị xáo trộn cho tới giữa những năm 1980. 

Một chiếc mặt nạ vàng được khai quật ở Tam Tinh Đôi vào cuối năm ngoái thu hút sự chú ý quốc tế. Mặt nạ vàng nổi bật này có niên đại khoảng 3.000 năm. Các nhà khảo cổ cũng khai quật được đồ đồng lớn nhất ở Tam Tinh Đôi - một mặt nạ khác cao 74cm và rộng 135cm. 

Hộp bằng đồng chứa đồ bằng ngọc khai quật từ hố hiến tế số 7 tại di chỉ Tam Tinh Đôi ở Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã

Những khám phá khảo cổ gần đây ở Tam Tinh Đôi bao gồm một bàn thờ bằng đồng tinh xảo và một hộp bằng đồng, có 4 tay cầm đầu rồng và một miếng ngọc bích bên trong. 

Tam Tinh Đôi được phát hiện khi nào? 

Di chỉ Tam Tinh Đôi được phát hiện lần đầu vào cuối những năm 1920 ở thành phố Quảng Hán, cách thủ phủ Thành Đô khoảng 40km về phía bắc. Sáu thập kỷ sau, 2 hố hiến tế chứa hơn 1.700 cổ vật được xác định. 

Năm 2019, hố hiến tế thứ 3 ở Tam Tinh Đôi được phát hiện, chỉ cách 2 hố đầu tiên vài mét. Các nhà khảo cổ tìm được 5 hố khác ngay năm sau. 

Theo Tân Hoa xã, từ tháng 5 năm nay, các nhà khảo cổ học đã hoàn thành khai quật tại hố hiến tế số 3 và 4. Các đồ tạo tác từ hố số 5 và số 6 đang được làm sạch trong phòng thí nghiệm, trong khi hố số 7 và số 9 đang trong giai đoạn khai quật 

Những câu đố chưa lời giải đáp

Di chỉ Tam Tinh Đôi được cho là trung tâm của vương quốc cổ bí ẩn: Vương quốc Thục tồn tại khoảng 4.500 năm trước. Cho tới nay, không có tài liệu cổ nào có thể giải thích được nguồn gốc của những người cổ đại của vương quốc này cũng như ý nghĩa của những tàn tích mà họ để lại. 

Cổ vật bằng ngà voi phát hiện tại Tam Tinh Đôi khác với những cổ vật bằng chất liệu tương tự được tìm thấy ở khu khảo cổ Kim Sa của Thành Đô. Hầu hết ngà voi ở Tam Tinh Đôi đã cháy trước khi được chôn cất, trong khi ở Kim Sa các mảnh ngà voi không có dấu hiệu của việc bị cháy. 

Các chuyên gia cho hay, điều này có thể phản ánh mục đích sử dụng khác nhau của ngà voi ở 2 khu vực nhưng mục đích cụ thể của ngà voi ở 2 địa điểm khảo cổ này là gì vẫn chưa được biết đến. 

Ran Honglin, Giám đốc Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ Tam Tinh Đôi cho hay, những khám phá cho tới nay cho thấy chỉ có những nhân vật cấp cao tham gia vào các nghi lễ nên các chuyên gia chưa thể hiểu về cuộc sống của xã hội bình thường. 

"Chúng tôi muốn biết thêm về nơi người dân Tam Tinh Đôi sinh sống, nơi họ chết và nơi làm ra những vật dụng dùng trong nghi lễ" - ông chia sẻ với Tân Hoa Xã. 

Ông cho biết, các chuyên gia khảo cổ sẽ tìm hiểu rõ khu vực cung điện, tế lễ và xưởng thủ công mỹ nghệ ở di chỉ Tam Tinh Đôi nhằm khôi phục diện mạo tổng thể của thủ đô cổ vương quốc. 

Tại sao di chỉ khảo cổ Tam Tinh Đôi quan trọng?

Di chỉ Tam Tinh Đôi có mối liên hệ văn hóa chặt chẽ với các vùng khác của Trung Quốc và những mối liên hệ này thể hiện rõ ràng trong một số báu vật cổ xưa, khiến vương quốc Thục trở thành một phần quan trọng của nền văn minh Trung Hoa.

Để làm rõ điều này, chuyên gia Ran đề cập tới một số tác phẩm điêu khắc bằng đồng được phát hiện ở hố hiến tế số 8: Mình rắn đầu người đứng trên bệ vuông, phía trên có một bình nghi lễ gọi là "zun". 

“Tác phẩm điêu khắc bằng đồng có đầu người và thân rắn là đặc trưng của nền văn minh Thục cổ đại, trong khi bệ vuông đặc trưng của triều đại tiền Tây Chu (1046 - 771 trước Công nguyên) ở tây bắc Trung Quốc và zun đại diện cho văn hóa miền trung Trung Quốc" - ông giải thích. 

Chuyên gia này lưu ý thêm: "Ba yếu tố trên cùng hiện diện trong  một cổ vật chứng tỏ Tam Tinh Đôi là một phần quan trọng của nền văn minh Trung Hoa". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn