MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao NATO không áp đặt vùng cấm bay ở Ukraina?

Khánh Minh LDO | 06/03/2022 10:02
Nga sẽ coi bất kỳ nỗ lực nào nhằm thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraina là sự tham gia vào các hành động quân sự.

Hãng TASS của Nga dẫn phát biểu của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5.3 cảnh báo rằng Nga sẽ coi bất kỳ nỗ lực nào của các nước nhằm thiết lập vùng cấm bay ở Ukraina là sự tham gia vào các hành động quân sự, và sẽ gây ra những hậu quả tàn khốc không chỉ cho Châu Âu mà cho toàn thế giới.

Trước đó, hôm 4.3, 30 nước thành viên của NATO đã gặp nhau tại Brussels để thảo luận về các bước tiếp theo của liên minh tại Ukraina. Các nỗ lực ngoại giao đã thất bại trong việc chấm dứt tình trạng hỗn loạn ở nước này, 8 ngày sau khi ông phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina.

Tình hình bên trong Ukraina dường như sẽ không sớm được cải thiện. Một đoàn xe dài 64km của Nga hướng đến thủ đô Kiev đã bị đình trệ trong nhiều ngày khi lực lượng Ukraina nắm giữ các khu vực quan trọng, còn quân đội Nga chiếm giữ các khu vực chiến lược khác.

Bất chấp tình hình ảm đạm trên thực tế, NATO không sẵn sàng tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột - bao gồm cả việc thiết lập vùng cấm bay - ngoài việc hỗ trợ Ukraina chống lại cuộc tấn công.

CNN dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết khu vực cấm bay trên lãnh thổ Ukraina không phải là một lựa chọn đang được liên minh xem xét. Ông nói: “NATO đã thực hiện những biện pháp trừng phạt chưa từng có, chúng tôi hỗ trợ Ukraina, nhưng NATO không phải là một phần của cuộc xung đột. NATO là một liên minh phòng thủ, chúng tôi không tìm kiếm chiến tranh hoặc xung đột với Nga. Chúng tôi đã đồng ý rằng chúng tôi không nên để máy bay NATO hoạt động trên không phận Ukraina hoặc quân đội NATO trên lãnh thổ Ukraina".

Các nước EU là thành viên NATO: Màu vàng nhạt là các nước gia nhập NATO trước 1991, màu vàng đậm là sau 1991. Ảnh: CNN

NATO là gì?

NATO là tên viết tắt của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - nhóm gồm 30 quốc gia Bắc Mỹ và Châu Âu. Theo NATO, mục đích của liên minh "là đảm bảo tự do và an ninh của các thành viên thông qua các biện pháp chính trị và quân sự".

NATO được thành lập vào năm 1949 trong thời kỳ đầu của Chiến tranh Lạnh. Mục đích ban đầu của NATO là bảo vệ phương Tây khỏi mối đe dọa do Liên Xô gây ra. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nhiều quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã gia nhập NATO, khiến Nga khó chịu.

Trở thành thành viên của NATO có nghĩa là gì?

Là một phần của NATO có nghĩa là đóng vai trò tích cực trong các cuộc thảo luận hàng ngày về các vấn đề an ninh và quốc phòng ảnh hưởng đến liên minh. Điều này có thể bao gồm từ các biện pháp chiến lược để chống lại chiến tranh mạng đến chuyển quân trong biên giới của NATO nhằm bảo vệ các thành viên khác, như đã xảy ra trong cuộc khủng hoảng này.

Các thành viên phải chi 2% GDP quốc gia cho quốc phòng mỗi năm, mặc dù rất ít thành viên đã làm như vậy trong những năm gần đây.

Khía cạnh nổi tiếng nhất của NATO là Điều 5 của hiệp ước, nếu được viện dẫn, có nghĩa là "một cuộc tấn công chống lại một đồng minh được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả các đồng minh".

Điều 5 chỉ từng được viện dẫn một lần, để đáp lại vụ khủng bố ngày 11.9.2001 vào Mỹ.

Tuy nhiên, NATO có thể thực hiện các biện pháp phòng vệ tập thể mà không cần viện dẫn Điều 5, đồng thời chỉ ra rằng họ đã làm điều này sau vụ Nga tấn công Ukraina.

Các hãng hàng không tránh không phận Ukraina. Ảnh: FlightAware

Vùng cấm bay là gì?

Khu vực cấm bay là khu vực mà một số máy bay không thể bay vì một số lý do. Trong bối cảnh xung đột như ở Ukraina, nó có thể có nghĩa là một khu vực mà máy bay Nga không được phép bay, để ngăn chúng thực hiện các cuộc không kích nhằm vào Ukraina.

NATO đã áp đặt vùng cấm bay ở các nước không phải là thành viên trước đây, bao gồm Bosnia và Libya. Tuy nhiên, đây luôn là một động thái gây tranh cãi vì có nghĩa là tham gia một phần vào một cuộc xung đột mà không có đầy đủ lực lượng trên bộ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu NATO áp đặt vùng cấm bay?

Vấn đề với các khu vực cấm bay quân sự là chúng phải được thực thi bằng sức mạnh quân sự. Nếu một máy bay Nga bay vào vùng cấm bay của NATO, thì lực lượng NATO sẽ phải có hành động chống lại máy bay đó. Các biện pháp này có thể bao gồm bắn máy bay từ trên không. Trong mắt Nga, đó sẽ là một hành động gây chiến của NATO và có khả năng làm leo thang xung đột.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg dự cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao NATO ở Brussels, Bỉ, ngày 4.3.2022. Ảnh: NATO

Tại sao NATO chưa áp đặt vùng cấm bay?

Cả Ukraina và Nga đều không phải là thành viên của NATO. Tổng thống Nga Vladimir Putin rõ ràng coi NATO là mối đe dọa trực tiếp đối với Nga và gần đây đã chỉ trích sự bành trướng của khối này về phía Nga, lấy đó làm lý do tiến hành chiến dịch quân sự vào Ukraina.

Do đó, NATO cực kỳ miễn cưỡng tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột Ukraina với một cường quốc hạt nhân đối thủ. Mặc dù NATO ủng hộ sự phản kháng của Ukraina và chỉ trích hành động của Nga, nhưng liên minh đơn giản là không sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể được hiểu là hành động chiến tranh trực tiếp với Nga, có nguy cơ leo thang và có thể dẫn đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tại sao Nga cảm thấy bị NATO đe dọa?

Tổng thống Putin từ lâu đã tin rằng Nga đã có một thỏa thuận tồi tệ sau khi Liên Xô tan rã - điều mà ông gọi là "thảm họa địa chính trị lớn nhất trong thế kỷ 20".

Ông phàn nàn rằng NATO, theo thời gian, đã mở rộng biên giới của mình bằng cách kết nạp các nước Đông Âu từng là một phần của Liên Xô - có nghĩa là Nga hiện có chung đường biên giới trên bộ với liên minh quân sự lớn nhất thế giới, do đó làm giảm sức mạnh địa chính trị của mình ở khu vực từng là vùng ảnh hưởng của Mátxcơva.

Gần đây nhất là vào tháng 2, Tổng thống Nga Putin yêu cầu NATO thu hẹp lại biên giới về năm 1997, trước khi các quốc gia Baltic gồm Latvia, Lithuania và Estonia, gia nhập liên minh. Lithuania và Estonia có chung biên giới với Nga.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn