MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Vì sao nơi chưa từng có bão trong 84 năm lại đột ngột hứng bão?

Song Minh LDO | 20/08/2023 10:09

Bão Hilary có thể trở thành cơn bão đầu tiên trong 84 năm tấn công bang California, Mỹ.

Cơn bão kỳ lạ

Vào một mùa hè với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, bão Hilary lại là một sự kiện bất thường khác - một cơn bão nhiệt đới đang hướng đến Bờ Tây nước Mỹ.

Theo dự báo bão, bão Hilary có thể gây ra lũ lụt nghiêm trọng, thậm chí lũ quét ở Nam California và vùng tây nam nước Mỹ, với dự báo lượng mưa lên đến 250 mm ở một số khu vực, sức gió 120 km/h khi di chuyển trên đất liền.

Mặc dù California từng bị ảnh hưởng bởi bão trước đây, nhưng điều này cực kỳ hiếm vì dòng nước lạnh từ Alaska thường khiến bờ biển Thái Bình Dương trở thành môi trường không thích hợp để bão phát triển. Thông thường, nhiệt độ bề mặt nước biển từ 26 độ C trở lên là điều kiện lý tưởng để bão hình thành và phát triển mạnh mẽ.

Bão Hilary di chuyển về bán đảo Baja California của Mexico, giáp bang California của Mỹ vào tối 19.8.

Tin bão mới nhất cho biết, mặc dù bão Hilary đang suy yếu xuống cấp độ 2 trong thang bão 5 cấp, nhưng bão Hilary vẫn được dự đoán sẽ đi vào sử sách với tư cách là cơn bão nhiệt đới đầu tiên đổ bộ vào Nam California sau 84 năm, kéo theo lũ quét, lở đất, lốc xoáy, gió lớn và mất điện trên diện rộng.

Bão Hilary dự kiến gây mưa lớn, lũ quét, lở đất, lốc xoáy và mất điện trên diện rộng. Ảnh: NOAA

Trong khi người dân ở bờ biển phía đông nam - đặc biệt là từ Florida đến Carolina và dọc theo bờ biển của Vịnh Mexico - có khả năng thành thạo trong việc ứng phó bão và sống ở các bang có cơ sở hạ tầng vững chắc trước bão, thì điều đó không đúng với Nam California và các khu vực phía tây nam Mỹ nơi cơn bão dự kiến đổ bộ.

Theo trang Axios, 43 triệu người ở California và Mexico được cảnh báo bão nhiệt đới và 27 triệu người được cảnh báo lũ quét, trong một khu vực trải dài đến tận Idaho.

California đã có một năm cực kỳ ẩm ướt, mặc dù điều đó không liên quan đến sự phát triển và đường đi khác thường của bão Hilary. 31 sông khí quyển (atmospheric river) đổ bộ vào California vào mùa đông năm ngoái và mùa xuân năm nay, nhiều sông trong số đó khá mạnh. Sông khí quyển ở California đem đến phần lớn lượng mưa và tuyết của tiểu bang.

Theo Cơ quan Khí tượng và Đại dương Mỹ, 1 con sông khí quyển có thể chứa lượng nước gấp tới 15 lần trữ lượng nước của sông Mississippi, con sông lớn và dài thứ hai ở Bắc Mỹ. Khi nhìn lên trời, chúng như một vệt mây mỏng và kéo dài hàng trăm kilômét.

Các dòng sông trong khí quyển năm nay khắc nghiệt cả về cường độ và thời gian, giúp hóa giải hạn hán, nhưng cũng gây ra lũ lụt tàn khốc và lượng tuyết rơi kỷ lục.

Chúng cũng tập trung ở Central Coast của California và Nam California, nơi bão Hilary có thể đổ bộ. Chad Hecht, nhà khí tượng tại Viện Hải dương Scripps của Đại học California San Diego, nói: “Đó là nơi chúng tôi thấy rất nhiều bất thường về lượng mưa tổng thể. Năm nay, Central Coast chứng kiến 4 dòng sông khí quyển mạnh, trong khi thông thường chỉ có chưa đến 2 sông khí quyển trung bình”.

Bão Hillary dự kiến là cơn bão đầu tiên đổ bộ California trong 84 năm. Ảnh: NOAA

Nguyên nhân gây bão Hilary

Paul Miller, phó giáo sư tại Khoa Hải dương học và Khoa học Bờ biển của Đại học bang Louisiana, cho biết, đường đi của bão Hilary rất kỳ lạ, nhưng không phải là chưa từng có. Chẳng hạn bão Nora năm 1997 và bão Lester năm 1992 đã ảnh hưởng đến vùng tây nam nước Mỹ từ Thái Bình Dương vào năm 1997. Tuy nhiên, ông Miller chỉ ra, 25 năm qua chưa có trường hợp nào như vậy.

Mặc dù nhiều sự kiện khí hậu bất thường hoặc cực đoan có liên quan đến biến đổi khí hậu, nhưng không liên quan trực tiếp đến sự phát triển của bão Hilary, theo ông Miller.

“Nhiệt độ bề mặt nước cao hơn có thể là nguyên nhân gây ra cường độ mạnh của cơn bão, nhưng những gì đang xảy ra không cho thấy biến đổi khí hậu nghiêm trọng khiến Nam California nằm trong tầm ngắm của các hệ thống nhiệt đới” - ông Miller nói.

Đông Thái Bình Dương có mùa bão riêng, dài hơn mùa bão Đại Tây Dương, bắt đầu từ ngày 15.3 và kết thúc vào ngày 30.11. Theo tờ New York Times, mùa bão ở Đông Thái Bình Dương năm nay hoạt động mạnh, mặc dù không có cơn bão nào đi xa về phía tây như Hilary.

Ông Miller cho hay, đường đi của bão Hilary liên quan đến hai yếu tố thời tiết cụ thể, trong đó có mái vòm nhiệt ở miền trung Mỹ.

Không khí áp suất cao di chuyển theo chiều kim đồng hồ, hoạt động giống như một băng chuyền đưa bão Hilary lên Bờ Tây và hướng tới California và Nevada.

Gió mạnh là một mối quan tâm khác đối với những người ở trong và xung quanh đường đi của cơn bão. Nhìn chung, những cơn gió mạnh nhất sẽ bám vào phía bên phải của cơn bão.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn