MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vật thể được cho là khinh khí cầu do thám của Trung Quốc bị Mỹ bắn hạ ngày 4.2.2023. Ảnh: AFP

Vì sao phải do thám bằng khinh khí cầu trong khi có vệ tinh và UAV?

Thanh Hà LDO | 06/02/2023 11:10

Trong thế giới có công nghệ giám sát tiên tiến, bao gồm cả máy bay không người lái (UAV) và vệ tinh, tại sao một số quốc gia lại sử dụng khinh khí cầu để do thám? 

Đây là câu hỏi đặt ra trong bối cảnh Mỹ - Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau về khinh khí cầu do thám tầm cao trên lục địa Mỹ.

Vụ việc khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phải hoãn chuyến công du Trung Quốc. Trung Quốc phủ nhận khinh khí cầu được sử dụng để do thám và cho biết, kinh khí cầu được sử dụng cho nghiên cứu khoa học, vô tình bị gió tây thổi bay.

Theo các quan chức Mỹ, khinh khí cầu do thám thực sự không phải là điều bất thường khi đã được phát hiện trên lãnh thổ Mỹ một số lần trong những năm gần đây. Cả quân đội Mỹ quân đội và Vương quốc Anh cũng đã đặt câu hỏi về khinh khí cầu tầm cao.

Vậy tại sao khinh khí cầu vẫn được sử dụng và tại sao công chúng không được nghe thường xuyên hơn về khinh khí cầu do thám, Washington Post đặt câu hỏi. 

Theo Michael Clarke, giáo sư thỉnh giảng tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học King's College London, chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây, quân đội mới chú ý trở lại với khinh khí cầu, “bởi vì họ thấy chúng hữu ích như thế nào hoặc có thể hữu ích như thế nào”.

“Khinh khí cầu mang lại một số lợi thế so với việc sử dụng vệ tinh hoặc máy bay không người lái. Chúng không chỉ rẻ hơn so với phóng vệ tinh mà thông qua hoạt động trong giới hạn bầu khí quyển của Trái đất, gần bề mặt hơn, khinh khí cầu có thể thu được hình ảnh chất lượng tốt hơn” - James Rogers, học giả tại Đại học Nam Đan Mạch và Đại học Cornell, người hiện tư vấn cho Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về mối đe dọa xuyên quốc gia của máy bay không người lái, cho biết. 

Học giả Rogers thông tin thêm, thế hệ khinh khí cầu mới nhất là công nghệ cao, “là hệ thống có thể bay cao tới 27.432km", có thể triển khai hệ thống máy bay không người lái riêng và có khả năng phát hiện tên lửa đang lao tới.

Giáo sư Clarke chỉ ra, khinh khí cầu có thể bay cao hơn tầm hoạt động của hầu hết các máy bay và tốc độ chậm của khinh khí cầu đồng nghĩa với việc không phải lúc nào radar cũng phát hiện ra khinh khí cầu. Cùng với đó, công nghệ bổ sung hoặc sơn có thể giúp khinh khí cầu được giấu kín tốt hơn. 

Điều quan trọng không kém là, nếu thời tiết thuận lợi, khinh khí cầu có thể duy trì vị trí tại một khu vực trong thời gian dài hơn vệ tinh. Chuyên gia Clarke phân tích, vệ tinh có thể cung cấp hình ảnh có độ phân giải cao, nhưng lại chỉ có thể duy trì ở một vị trí trong thời gian tương đối ngắn. Trong khi đó, việc duy trì lâu tại một vị trí sẽ mang tới lợi thế về khả năng giám sát, thu nhận lưu lượng truy cập không dây hoặc máy tính.

Ngoài ra, còn có lợi ích về chi phí. Trong suốt vòng đời, một vệ tinh có thể tiêu tốn tới 300 triệu USD, theo ước tính từ năm 2020. Khinh khí cầu công nghệ cao nhất cũng sẽ rẻ hơn nhiều so với một vệ tinh.

Malcolm Macdonald - giáo sư và kỹ sư công nghệ vũ trụ từ Đại học Strathclyde ở Scotland - cũng nhất trí với nhận định này. Ông cho rằng, “rất khó quan sát thấy khinh khí cầu trên radar dù khoang cảm biến bên dưới của khinh khí cầu sẽ dễ phát hiện hơn”.

Giáo sư Macdonald cho rằng, khinh khí cầu có lợi thế hơn vệ tinh vì cơ động hơn. Ông chỉ ra, chuyển động của vệ tinh rất dễ đoán, trong khi khinh khí cầu (hoặc thiết bị bay khác) tạo cơ hội cho một chuyến bay bất ngờ, để gây bất ngờ cho những đối tượng quan sát. "Bạn có thể hy vọng nhận được thứ gì đó mà bạn có thể không nhìn thấy hoặc nghe thấy từ không gian" - ông nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn