MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Việc Ukraina cảnh báo có thể tái sở hữu vũ khí hạt nhân hàm ý gì?

Ngọc Vân LDO | 21/02/2022 10:28

Ukraina tuyên bố có thể tái sở hữu vũ khí hạt nhân trừ khi nhận được sự bảo vệ của phương Tây chống lại Nga.

Tuyên bố của Ukraina

RT đưa tin, ngày 19.2, phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich ở Đức, Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky cho biết quốc gia của ông sẽ có mọi quyền để trở thành cường quốc hạt nhân, trích dẫn Bản ghi nhớ Budapest - văn bản được các quốc gia hàng đầu thế giới ký kết khi Kiev đồng ý loại bỏ vũ khí hạt nhân của Liên Xô để đổi lấy sự đảm bảo an ninh.

Tổng thống Zelensky phàn nàn rằng các bên ký kết Bản ghi nhớ Budapest không muốn tiến hành thêm các cuộc tham vấn về việc Nga bị cáo buộc vi phạm thỏa thuận. “Nếu tham vấn không diễn ra lần nữa hoặc kết quả của họ không đảm bảo an ninh cho đất nước chúng tôi, Ukraina sẽ có mọi quyền tin rằng Bản ghi nhớ Budapest không còn hiệu lực và tất cả các quyết định của thỏa thuận năm 1994 phải đặt vào vòng nghi vấn” - ông Zelensky cảnh báo.

Ukraina sở hữu hạt nhân nào?

Trong một thời gian ngắn của lịch sử, Ukraina là một cường quốc hạt nhân. Kho vũ khí hạt nhân là một phần di sản của Kiev sau khi Liên Xô tan rã. Belarus và Kazakhstan độc lập mới thành lập cũng ở vị trí tương tự, đều sở hữu vũ khí chiến lược của Liên Xô trước khi tan rã.

Về mặt kỹ thuật, Ukraina là cường quốc hạt nhân lớn thứ ba vào thời điểm đó, một sự thật lịch sử mà ông Zelensky đã đề cập trong bài phát biểu của mình. Nước này có hơn 100 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa UR-100N trên lãnh thổ của mình, gần 50 đoàn tàu hạt nhân RT-23 Molodets, cùng một đội máy bay ném bom chiến lược được trang bị vũ khí hạt nhân. Tổng cộng Ukraina đã triển khai hoặc dự trữ khoảng 1.700 đầu đạn hạt nhân, mặc dù trên thực tế, Nga vẫn nắm quyền kiểm soát tất cả chúng.

Tất cả các cường quốc phương Tây đều mong muốn loại bỏ kho dự trữ nguy hiểm ở Ukraina và biến Nga trở thành quốc gia kế thừa duy nhất của Liên Xô có khả năng răn đe hạt nhân.

Nội dung của Bản ghi nhớ Budapest

Bản ghi nhớ Budapest được Ukraina, Anh, Nga và Mỹ ký ngày 5.12.1994. Tài liệu giống hệt cũng được Belarus và Kazakhstan ký với Anh, Nga và Mỹ. Theo đó, Ukraina, Belarus và Kazakhstan đồng ý dỡ bỏ kho vũ khí hạt nhân của họ và ký Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), cho phép chỉ 5 quốc gia trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân gồm Trung Quốc, Pháp, Nga, Anh và Mỹ.

Văn bản do Kiev ký giải thích cách Anh, Nga và Mỹ thực hiện một số cam kết liên quan đến Ukraina, bao gồm cả “độc lập và chủ quyền” và “biên giới hiện có” của quốc gia này.

Các bên cam kết không sử dụng đe dọa bằng vũ lực quân sự, không ép buộc về kinh tế đối với Ukraina; yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hành động ngay lập tức nếu Ukraina, với tư cách là một quốc gia tham gia Hiệp ước về Không phổ biến vũ khí hạt nhân, trở thành đối tượng của một mối đe dọa hoặc nạn nhân của sự xâm lược sử dụng vũ khí hạt nhân.

Kiev đã tranh cãi từ năm 2014 rằng, Nga đã vi phạm thỏa thuận khi sáp nhập Crimea. Nga phủ nhận điều này, lập luận rằng người dân Crimea thực hiện quyền tự quyết của mình theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, khi họ bỏ phiếu tách khỏi Ukraina và sáp nhập vào Nga. Cuộc xung đột ở Donbass, Nga cho biết thêm, là một cuộc nội chiến do Kiev phát động chống lại các khu vực ly khai chứ không phải là một cuộc xung đột quốc tế.

Phương Tây đã thất bại trong việc bảo vệ Ukraina?

Một số chính trị gia đã phóng đại quá mức các cam kết của Mỹ và Anh trong Bản ghi nhớ Budapest. Các học giả pháp lý chỉ ra rằng Bản ghi nhớ không bắt buộc Mỹ và Anh phải bảo vệ Ukraina trước xâm lược nước ngoài. Nó chỉ cung cấp cho họ thêm một lý do để làm như vậy, nếu họ chọn can thiệp quân sự. Nói cách khác, đó là một cam đoan an ninh, không phải là một đảm bảo an ninh, không giống như cam kết phòng thủ chung của NATO hoặc nghĩa vụ của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản.

Ukraina có trở thành nước hạt nhân ngay bây giờ?

Về mặt pháp lý, không có gì ngăn Ukraina rút khỏi NPT và phát triển vũ khí hạt nhân của riêng mình. Khả năng kỹ thuật của Kiev để sản xuất một thiết bị hạt nhân là một vấn đề khác. Ukraina có ngành công nghiệp hạt nhân dân sự phát triển, với một số lò phản ứng kế thừa tại các nhà máy điện được xây dựng từ thời Liên Xô cũng như các cơ sở nghiên cứu hạt nhân. Nước này cũng thừa hưởng một ngành công nghiệp hàng không và vũ trụ phát triển tốt, có khả năng sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa và các phương tiện phóng khác.

Tuy nhiên, Ukraina chưa bao giờ có các cơ sở làm giàu uranium hoặc tái chế plutonium, vốn cần thiết để sản xuất vật liệu cấp vũ khí cho lõi. Ukraina cũng không có nhà máy sản xuất vũ khí hạt nhân thực sự trên lãnh thổ của mình.

Kiev đã có các hoạt động khai thác uranium từ những năm 1950, nhưng sản lượng đã giảm đáng kể trong những năm qua. Các mỏ đòi hỏi một khoản đầu tư lớn.

Một số quan chức Ukraina như tướng về hưu Petro Garashchuk tuyên bố rằng Ukraina đã có đủ chuyên môn kỹ thuật để có được đầy đủ các loại vũ khí hạt nhân và hệ thống chuyển giao. Điều này có thể đúng, theo Ilya Kramnik, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Bắc Mỹ, thuộc Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế, nói với RT.

Nhưng quan trọng hơn, Kiev sẽ không thể làm điều đó một cách bí mật. Ít nhất, họ sẽ cần phải tiến hành thử nghiệm để xác nhận các thiết kế có thực sự hoạt động hay không. Các phần khác của một chương trình vũ khí hạt nhân thành công cũng sẽ được các quốc gia phương Tây và Nga phát hiện.

Và nếu Kiev công khai ý định tái phát triển năng lực hạt nhân, họ sẽ không thể thu hút được những người ủng hộ phương Tây tham gia vào kế hoạch này. “Cá nhân tôi tin rằng không có một cường quốc hạt nhân nào có thể giúp Ukraina đi trên con đường đó. Đơn giản là vì không ai muốn đối phó với sự trỗi dậy không thể tránh khỏi của các vấn đề, sẽ phát sinh vào ngày người ta biết chắc chắn rằng Ukraina đang phát triển vũ khí hạt nhân” - chuyên gia Kramnik nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn