MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chip cho cảm biến từ xa tại một nhà máy ở An Huy, Trung Quốc. Ảnh minh họa. Ảnh: Xinhua

Việt Nam nổi lên trong chuỗi cung ứng chip khi Mỹ đa dạng hóa nguồn cung

Thanh Hà LDO | 08/04/2023 11:00

Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia đang nổi lên trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn toàn cầu khi Mỹ tìm cách đa dạng hóa nguồn cung. 

Thái Lan, Việt Nam, Ấn Độ và Campuchia nổi lên như những người chiến thắng sớm trong năm nay khi sản xuất chất bán dẫn bắt đầu rời các trung tâm truyền thống như Đài Loan (Trung Quốc) và Trung Quốc, theo Bloomberg. 

Nhập khẩu chip của Mỹ đã tăng 17% so với năm ngoái lên 4,86 tỉ USD trong tháng 2.2023, theo dữ liệu của US Census. Trong đó, châu Á chiếm 83% trong tổng số chip mà Mỹ nhập khẩu.

Ấn Độ có những lô hàng bán dẫn tăng 34 lần lên 152 triệu USD. Trong khi đó, Campuchia đạt mức tăng trưởng ấn tượng 698%, chỉ kém Nhật Bản ở mức 166 triệu USD. Đây là con số chưa từng có.

Việt Nam và Thái Lan - 2 nước đều có thị trường sản xuất chip lớn hơn nhiều - đã tăng thương mại với Mỹ lần lượt là 75% và 62%. Việt Nam chiếm hơn 10% hàng nhập khẩu của Mỹ trong 7 tháng liên tiếp.

Trong tháng 2.2023, Việt Nam cung cấp 11,6% lượng chip nhập khẩu vào Mỹ, tức 562,5 triệu USD. Tháng 2.2022, con số này là 321,7 triệu USD.

Các quan chức Mỹ bày tỏ mối lo ngại ngày càng tăng về việc nước này phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài, như Đài Loan và Hàn Quốc, để sản xuất chip tiên tiến nhất. 

Tại Diễn đàn An ninh Aspen thường niên ở Colorado, Mỹ, vào tháng 7 năm ngoái, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo, cho hay: "Sự phụ thuộc của chúng ta vào chip Đài Loan là không thể kiểm soát được và không an toàn". 

Số liệu tháng 2.2023 là số liệu mới nhất cho thấy Mỹ đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng điện tử của nước này, bao gồm thông qua các động thái như việc Apple chuyển dần sản xuất iPhone ra khỏi Trung Quốc sang những nơi như Ấn Độ. 

Malaysia - một thành trì truyền thống về đóng gói chip - vẫn dẫn đầu trong danh sách nhập khẩu của Mỹ nhưng thị phần của nước này đã giảm xuống 20% trong tổng số của tháng 2.

Chất bán dẫn là thành phần thông minh quan trọng trong mọi thứ, từ máy tính, điện thoại đến thiết bị gia dụng. Mối quan hệ không suôn sẻ giữa Washington và Bắc Kinh đã buộc mỗi quốc gia phải xem xét lại chiến lược cung cấp của mình liên quan tới chip. 

Đài Loan - thường là điểm nóng trong ngành chất bán dẫn - đã tăng các chuyến hàng đến Mỹ lên 4,3% so với năm ngoái và chiếm 15% kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Theo Nikkei, Washington đang mong muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng chip, trong bối cảnh lo ngại về căng thẳng trong khu vực châu Á  - Thái Bình Dương, nhất là khi phần lớn năng lực sản xuất chip của thế giới tập trung vào đảo Đài Loan và Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn trong nước.

Được biết, Đài Loan chiếm khoảng 90% năng lực sản xuất chip tiên tiến của thế giới - những loại chip dưới 10 nanomet.

Sau hơn một năm tranh luận, mùa hè năm ngoái, Mỹ đã thông qua Đạo luật Khoa học và CHIPS, bao gồm 52 tỉ USD hỗ trợ cho ngành công nghiệp bán dẫn.

Tháng 9.2022, trong chuyến thăm Nhật Bản, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thông báo cho các giám đốc điều hành các công ty bán dẫn Nhật Bản về sáng kiến ​​mới cung cấp các khoản trợ cấp khổng lồ cho các công ty chip đầu tư vào Mỹ. 

“Đạo luật CHIPS là minh chứng cho cam kết của Mỹ nhằm đảm bảo rằng chúng tôi đang tiến tới đầu tư vào đổi mới, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, hiểu rằng đó là cách chúng tôi cải thiện tình hình nhân lực” - bà Harris nói. 

Khi đạo luật được thông qua, gã khổng lồ bán dẫn Micron Technology của Mỹ đã công bố kế hoạch đầu tư 15 tỉ USD để xây dựng một nhà máy mới ở bang Idaho. Các công ty khác cũng bắt đầu công bố kế hoạch đầu tư mới.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn