MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo tái tranh cử ngày 25.4.2023. Ảnh: Xinhua

"Vốn liếng" tranh cử của Tổng thống Mỹ Joe Biden

Song Minh LDO | 28/04/2023 06:00

Tổng thống Mỹ Joe Biden bước vào cuộc đua bầu cử năm 2024 hôm 25.4 với một điều mà ông không có được cách đây hai năm rưỡi - những kết quả nhiệm kỳ đầu tiên.

Ứng phó COVID-19

Theo Reuters, ngay từ đầu nhiệm kì, Tổng thống Biden đã yêu cầu 100 triệu người tiêm vaccine COVID-19 nhằm làm cho đại dịch ít nguy hiểm và ít lây lan hơn, đồng thời chủ trì việc phân phối rộng rãi vaccine và gói cứu trợ kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỉ USD.

Nhưng ông Biden cũng bị chỉ trích vì đã mở rộng các biện pháp phong tỏa, quá vội vàng trong việc tuyên bố đại dịch đã qua, và quá chậm trong việc phân phối các bộ xét nghiệm và vận chuyển vaccine ra nước ngoài.

Hơn 1,1 triệu người Mỹ đã chết vì COVID-19, phần lớn trong số này kể từ khi ông Biden làm tổng thống, nhưng tỉ lệ tử vong đã chậm lại, đặc biệt là trong năm ngoái.

Việc làm, lạm phát và kinh tế

Ông Biden đã thực hiện lời hứa xây dựng lại nền kinh tế Mỹ bằng cách đánh thuế nhiều hơn vào những người giàu có và các công ty, đồng thời chuyển lợi ích cho tầng lớp trung lưu.

Dưới sự điều hành của ông, tốc độ tăng trưởng việc làm đạt kỉ lục chưa từng thấy kể từ những năm 1960, gần gấp ba tốc độ trước đại dịch. Nền kinh tế hiện có thêm 3,2 triệu việc làm so với mức đỉnh trước đại dịch.

Nhưng người Mỹ cũng chứng kiến ​​lạm phát nhảy vọt, một phần do chi tiêu đại dịch và các vấn đề về chuỗi cung ứng khiến giá xăng vượt quá 5 USD/gallon vào mùa hè năm 2022.

Các nhà phê bình cũng cho rằng chi tiêu liên bang dưới thời ông Biden đã tăng lên, bao gồm 750 triệu USD chống biến đổi khí hậu và giảm thuế, đẩy lạm phát cao hơn.

Giá cả tăng vọt đã buộc Cục Dự trữ Liên bang phải nhanh chóng tăng lãi suất, khiến một số người lo ngại có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái.

Dữ liệu chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 cho thấy giá xăng giảm, giá thuê nhà bắt đầu tăng chậm lại và giá thực phẩm giảm 0,3% trong đợt giảm đầu tiên kể từ tháng 9.2020.

Chính sách đối ngoại

Ông Biden có thể chỉ ra phản ứng của phương Tây đối với cuộc chiến Nga - Ukraina là một thành tựu vững chắc: Mỹ đã tập hợp thế giới chống lại Nga, duy trì sức ép ngay cả khi một số đồng minh châu Âu đã dao động và củng cố liên minh NATO.

Nhưng cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan vào năm 2021 đã thu hút sự chỉ trích gay gắt từ cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa.

Ông Biden cũng đã đấu tranh với đồng minh lâu năm là Saudi Arabia - quốc gia ủng hộ việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ mà Mỹ cho là không cần thiết.

Mối quan hệ với Trung Quốc cũng giảm sút khi ông Biden cấm các khoản đầu tư cũng như xuất khẩu sang Trung Quốc.

Công nghiệp, sản xuất

Tổng thống Biden và các đảng viên Dân chủ của ông đã thúc đẩy chi tiêu liên bang trị giá hơn 2 nghìn tỉ USD, phần lớn trong số đó nhằm mục đích khôi phục hoạt động sản xuất của Mỹ, trong các đạo luật bao gồm Đạo luật Chip và khoa học, Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật Cơ sở hạ tầng.

Những công ty muốn có phần trong chi tiêu liên bang đó phải tuân thủ một loạt yêu cầu buộc các ngành công nghiệp phải sản xuất sản phẩm của họ tại Mỹ, động thái được các liên đoàn lao động hoan nghênh nhưng bị các đồng minh thương mại như EU và Mexico phản đối.

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, việc làm trong lĩnh vực sản xuất của Mỹ đạt 12,98 triệu trong mỗi tháng của quý 1 năm nay, cao nhất kể từ năm 2008.

Khí hậu

Ông Biden đã đưa Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris mà ông Donald Trump đã rút, đồng thời đặt mục tiêu giảm 50-52% lượng khí thải nhà kính của Mỹ vào năm 2030 so với mức của năm 2005.

Đạo luật Giảm lạm phát được coi là khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu, với hàng tỉ USD khuyến khích để thúc đẩy năng lượng tái tạo và các biện pháp giảm carbon.

Tuy nhiên, chính quyền của ông đã phê duyệt các dự án dầu khí trên đất liên bang, đáng chú ý là quyết định phê duyệt dự án Willow ở North Slope của Alaska, vấp phải sự chỉ trích của các nhà hoạt động môi trường.

Tỉ lệ ủng hộ

Ông Biden nhậm chức sau cuộc bạo loạn ngày 6.1.2021 ở Điện Capitol do những người ủng hộ ông Trump gây ra. Tỉ lệ ủng hộ cao đối với ông Biden ở thời điểm đó phản ánh mong muốn ổn định của người dân Mỹ.

Tuy nhiên, trong cuộc rút quân hỗn loạn ở Afghanistan, tỉ lệ ủng hộ của tổng thống Mỹ đã giảm xuống dưới 50% và đến nay vẫn chưa phục hồi. Trong những tháng gần đây, tỉ lệ này dao động quanh mức 40%.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn