MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu lặn Titan phát nổ khi đưa 5 du khách giàu có thám hiểm xác tàu đắm Titanic. Ảnh: OceanGate Expeditions

Vụ tàu lặn Titan thổi bùng vấn đề thanh toán chi phí cứu hộ

Thanh Hà LDO | 26/06/2023 07:12

Sau cuộc tìm kiếm Titan - tàu lặn đã nổ tung cách xác tàu Titanic không xa - câu hỏi đặt ra là khi những nhà thám hiểm giàu có phiêu lưu và đặt mình trong tình thế nguy hiểm, ai là người chi trả các chi phí cứu hộ?

Khi máy bay của triệu phú Steve Fossett mất tích trên dãy Nevada năm 2007, nhà thám hiểm hào hoa này đã là đối tượng của 2 chiến dịch cứu hộ khẩn cấp trước đó.

Và điều này cũng đặt ra một câu hỏi khó trả lời: Sau khi cuộc tìm kiếm những nhà thám hiểm giàu có kết thúc, ai sẽ thanh toán các hoá đơn? 

Những ngày gần đây, cuộc tìm kiếm tàu lặn bị mất tích ở phía bắc Đại Tây Dương khi khám phá xác tàu Titanic đã trở thành tâm điểm cho câu hỏi này. 

“Năm người vừa mất mạng và việc bắt đầu nói về bảo hiểm, các nỗ lực cứu hộ và chi phí dường như khá vô tâm - nhưng vấn đề là, sau cùng vẫn có những chi phí. Có nhiều người sẽ đặt câu hỏi: "Tại sao xã hội phải chi tiền cho nỗ lực giải cứu nếu những người này đủ giàu có để tham gia vào các hoạt động rủi ro này?’” - nhà nghiên cứu du lịch Arun Upneja - Trường Quản trị Khách sạn của Đại học Boston, Mỹ - chỉ ra. 

Những du khách rất giàu có tìm kiếm những cuộc phiêu lưu chi tiêu lớn để khám phá các đỉnh núi, chèo thuyền qua các đại dương và bay vào vũ trụ. 

Tuần trước, Tuần duyên Mỹ từ chối cung cấp ước tính chi phí cho những nỗ lực xác định vị trí của tàu lặn Titan - tàu đã phát nổ không xa xác tàu đắm nổi tiếng nhất thế giới Titanic. 5 du khách trên tàu Titan gồm 1 tỉ phú người Anh và 2 cha con thuộc một trong những gia đình nổi tiếng nhất Pakistan. Công ty du lịch đã tính phí hành khách 250.000 USD/người cho chuyến đi.

“Chúng tôi không thể quy giá trị tiền tệ cho các trường hợp tìm kiếm và cứu nạn, vì không liên kết chi phí với việc cứu một sinh mạng" - Tuần duyên Mỹ cho hay. 

Luật sư Stephen Koerting tại Maine, Mỹ, chuyên về luật hàng hải, cho biết, dù chi phí của Tuần duyên Mỹ cho nhiệm vụ có thể lên tới hàng triệu USD nhưng luật liên bang thường cấm thu tiền bồi hoàn liên quan đến bất kì dịch vụ tìm kiếm hoặc cứu nạn nào.

Tuy nhiên, theo Politico, điều này không giải quyết được vấn đề lớn hơn về việc liệu du khách hay công ty giàu có có phải chịu trách nhiệm trước công chúng và chính phủ về việc họ đặt mình vào trong những cuộc phiêu lưu rủi ro như vậy hay không. 

“Đây là một trong những câu hỏi khó nhất để cố gắng tìm ra lời đáp" - Pete Sepp, chủ tịch Hiệp hội Người nộp thuế Quốc gia cho biết. 

Năm 1998, khi nỗ lực bay vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu của triệu phú Fossett kết thúc bằng việc lao xuống đại dương cách Australia 800 km, Lực lượng Không quân Hoàng gia Australia đã điều động máy bay vận tải Hercules C-130 tìm kiếm ông.

Một chiếc máy bay quân sự của Pháp đã thả bè cứu sinh có thể chở 15 người xuống Fossett trước khi ông được một chiếc du thuyền đi ngang qua đón. Những người chỉ trích yêu cầu Fossett thanh toán hóa đơn. Ông từ chối. 

Cuối năm đó, lực lượng Tuần duyên Mỹ chi hơn 130.000 USD để giải cứu Fossett và tỉ phú người Anh Richard Branson sau khi khinh khí cầu của họ rơi xuống biển ngoài khơi Hawaii. Branson cho biết ông sẽ trả tiền nếu Tuần duyên Mỹ yêu cầu, nhưng cơ quan này không yêu cầu.

Chín năm sau, khi máy bay của Fossett biến mất trên bầu trời Nevada trong một chuyến bay ngắn, Lực lượng Vệ binh Quốc gia của bang đã tiến hành cuộc tìm kiếm kéo dài hàng tháng, tìm thấy đống đổ nát của một số vụ tai nạn hàng chục năm trước nhưng không tìm thấy triệu phú này. 

Tiểu bang Nevada cho hay, sứ mệnh tìm kiếm tiêu tốn của người nộp thuế 685.998 USD, với 200.000 USD được chi trả bằng một khoản đóng góp tư nhân.

Khi chính quyền của Thống đốc Jim Gibbons thông báo sẽ tìm cách hoàn lại phần chi phí tìm kiếm còn lại, góa phụ của ông Fossett lưu ý, bà đã chi 1 triệu USD cho cuộc tìm kiếm riêng của gia đình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn