MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thu hoạch lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Nhật Hồ

Vựa lúa gạo Châu Á bị đe dọa vì cạn kiệt nước ngầm

Thanh Hà LDO | 21/03/2023 10:00

Vựa lúa gạo của thế giới có thể có thể gặp nguy hiểm nếu các biện pháp canh tác bền vững hơn không được áp dụng do khai thác nước ngầm quá mức và biến đổi khí hậu khiến các phương pháp canh tác lâu đời trên khắp châu Á bị đe dọa.

Nguy cơ nhập khẩu lương thực

Theo các chuyên gia khí hậu, khi lũ lụt và hạn hán dự kiến xảy ra với tần suất và cường độ lớn hơn ở Châu Á, mức độ căng thẳng ở từng địa bàn sẽ khác nhau.

Điều này được xem là tin xấu cho Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam - 3 nước xuất khẩu lúa gạo hàng đầu - và phần còn lại của thế giới. 

Những vùng đồng bằng lớn như ở Việt Nam, Bangladesh và Myanmar - những nước sản xuất lúa gạo lớn - sẽ đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn và lũ lụt nhiều hơn.

Do đó, những nơi này cần chuyển sang sản xuất lúa gạo có khả năng chống chịu lũ lụt và chịu mặn. Lũ lụt cũng có thể xảy ra nhiều hơn ở đồng bằng Ấn - Hằng do băng tan tăng ở dãy Himalaya.

"Đây không phải là sự kết thúc của việc trồng lúa ở Châu Á, nhưng những tập quán canh tác hàng thế kỷ đã đạt đến giới hạn.

Toàn khu vực đã khai thác nước ngầm quá mức, trong khi những khu vực khác đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tăng. Tin tốt là các giải pháp đều có" - ông Tharman Shanmugaratnam - đồng Chủ tịch Ủy ban toàn cầu về kinh tế học của nước, đồng thời là Bộ trưởng cấp cao và Bộ trưởng điều phối về các chính sách xã hội của Singapore - chia sẻ với SCMP. 

Nông dân ở miền bắc Ấn Độ dùng điện trợ giá để bơm nước phục vụ canh tác lúa, khiến mực nước ngầm sụt giảm trong nhiều năm.

Theo ông Tharman, nông dân phải được khuyến khích áp dụng các biện pháp như tưới tiêu thông minh, sản xuất lúa chịu lũ và chịu hạn, trồng các loại cây trồng ít sử dụng nước hơn.

Ông cho biết, khắp Châu Á, các nhà khoa học đang thực hiện những thí nghiệm đầy hứa hẹn về giống lúa chịu mặn.

Mô hình kỹ thuật chỉ ra, khan hiếm nước có thể khiến các quốc gia như Trung Quốc và các thành viên ASEAN chuyển từ những nước xuất khẩu lương thực ròng sang nhập khẩu lương thực ròng vào năm 2050. 

Đa dạng hóa giỏ thực phẩm

Ngoài chuyển sang các phương thức canh tác bền vững hơn, các nhà khoa học cũng ủng hộ việc thay đổi chế độ ăn uống để ngăn chặn việc khai thác đất đai quá mức.

“Chúng tôi phải đa dạng hóa giỏ thực phẩm để bao gồm cả kê và giảm sự phụ thuộc vào gạo và lúa mì. Ấn Độ chỉ sản xuất khoảng 20 triệu tấn kê, vốn chiếm phần nhỏ trong lượng tiêu thụ ngũ cốc của chúng tôi.

Với các nước láng giềng của Ấn Độ như Bangladesh và Pakistan, mức tiêu thụ kê thậm chí còn thấp hơn" - Biraj Patnaik - nhà hoạt động vì quyền lương thực ở Nam Á, cựu cố vấn của Tòa án Tối cao Ấn Độ - cho biết. 

Theo các nhà khoa học nông nghiệp, trồng kê không chỉ làm giảm căng thẳng với nguồn nước mà còn tốt cho sức khỏe vì hạt kê giàu protein và giúp đối phó với tình trạng suy dinh dưỡng.

Theo Ủy ban toàn cầu về kinh tế học của nước, trên toàn cầu, khoảng 700 tỉ USD trong các khoản trợ cấp đang thúc đẩy việc tiêu thụ nước quá mức cùng những hành vi gây nguy hiểm cho môi trường khác và khoản tiền này phải được sử dụng để khuyến khích bảo tồn và tiếp cận nguồn nước. 

Johan Rockstrom - Giám đốc Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam và đồng Chủ tịch của Ủy ban toàn cầu về kinh tế học của nước - chỉ ra, toàn cầu nóng thêm 1 độ làm tăng thêm khoảng 7% độ ẩm cho chu trình nước, dẫn đến nhiều hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn.

“Chúng ta đang thay đổi toàn bộ chu trình thủy văn toàn cầu" - ông nói. 

Năm ngoái, lũ lụt nhấn chìm 1/3 Pakistan, tàn phá nông nghiệp và chăn nuôi, đẩy quốc gia Nam Á này đến bờ vực khủng hoảng nợ khi dự trữ ngoại hối giảm mạnh.

Lũ lụt ở Malaysia trong mùa mưa hàng năm khiến ít nhất 4 người chết và hơn 40.000 người phải di dời, đẩy giá hàng hóa lên cao.

Trong khi đó, nông dân trồng lúa ở tiểu lục địa Ấn Độ đang đối mặt với tình trạng thiếu mưa trong mùa mưa năm nay. Một mùa xuân ấm áp bất thường trong năm thứ hai liên tiếp nêu bật tình trạng thời tiết cực đoan mà khu vực này phải đối mặt.

Theo các chuyên gia về khí hậu, Châu Á đặc biệt dễ bị tổn thương hơn các châu lục khác do mật độ dân số cao và cơ chế đối phó không sẵn có với hầu hết dân số.

Dù vậy, lũ lụt lớn ở Đức năm 2021 cho thấy, ngay cả các nước phát triển cũng chưa chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với biến đổi khí hậu.

Ủy ban toàn cầu về kinh tế học của nước cảnh báo, nếu không hành động để chuyển đổi nền kinh tế và quản lý nước, thế giới sẽ thất bại trong hành động khí hậu và không đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Ủy ban này cho rằng, các dòng sông, nước ngầm và dòng hơi nước trong khí quyển phải được coi là tài sản chung toàn cầu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn