MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
WHO tìm vaccine phòng ngừa virus Marburg. Ảnh: WHO

WHO họp khẩn tìm vaccine cho virus cực nguy hiểm vừa bùng phát

Khánh Minh LDO | 15/02/2023 15:16

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hy vọng sẽ thử nghiệm vaccine phòng ngừa Marburg - loại virus cực kỳ nguy hiểm có tỉ lệ tử vong khoảng 50%.

Guinea Xích đạo công bố đợt bùng phát virus Marburg đầu tiên hôm 13.12.

Theo NBC News, 9 trường hợp tử vong đã được xác nhận, 16 bệnh nhân nghi ngờ đang được cách ly. Các quan chức y tế cũng đang theo dõi 15 người tiếp xúc gần không có triệu chứng với những người bị nhiễm bệnh.

Theo WHO, chưa có vaccine hoặc phương pháp điều trị bằng thuốc kháng virus nào được phê duyệt để điều trị bệnh do virus Marburg gây ra, căn bệnh có tỉ lệ tử vong trung bình khoảng 50%.

Ngày 14.12, WHO đã triệu tập một cuộc họp khẩn để đánh giá một số ứng cử viên vaccine khả thi có thể được sử dụng trong đợt bùng phát. Cuộc họp quy tụ nhiều hãng sản xuất vaccine, các nhà nghiên cứu và quan chức chính phủ - nhóm mà WHO đã thành lập vào năm 2021 để phát triển vaccine Marburg.

Tiến sĩ Philip Krause, Chủ tịch nhóm chuyên gia nghiên cứu vaccine COVID-19 của WHO, cho biết tại cuộc họp: “Mọi thứ chúng ta làm cần phải được thực hiện một cách nhanh chóng. Ngay cả khi chúng ta thực hiện một nghiên cứu về nhiều đợt bùng phát, càng nhiều người tham gia vào nghiên cứu, chúng ta càng có nhiều khả năng đưa ra kết luận sớm hơn".

Thuộc cùng họ với virus Ebola, Marburg được coi là cực kỳ nguy hiểm và được biết là gây ra một dạng sốt xuất huyết do virus, dẫn đến chảy máu mũi, miệng hoặc các bộ phận cơ thể khác.

Virus Marburg có thể lây lan qua máu, các chất dịch cơ thể khác hoặc các đồ vật hoặc bề mặt bị ô nhiễm. Các đợt bùng phát trước đây, chủ yếu ở châu Phi, có tỉ lệ tử vong từ 24% đến 88%, tùy thuộc vào chủng virus và mức độ nỗ lực kiểm soát lây truyền.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, bệnh do virus Marburg thường bắt đầu với sốt, ớn lạnh, nhức đầu hoặc đau cơ, sau đó là phát ban và buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau họng, đau ngực hoặc đau bụng.

Các kỹ thuật viên tiến hành nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Baney ở Malabo, Guinea Xích đạo. Ảnh: WHO

George Ameh, đại diện của WHO tại Guinea Xích đạo, cho biết tổ chức này đã tăng cường theo dõi tiếp xúc. Ông nói, trường hợp đầu tiên của đợt bùng phát rất có thể xảy ra vào ngày 7.1, nhưng Bộ Y tế Guinea Xích đạo chỉ biết một tháng sau đó. Những trường hợp tử vong là các thành viên thân thiết trong gia đình và những người dự tang lễ của họ.

Trước đó, đợt bùng phát Marburg gần đây nhất là ở Ghana vào tháng 7 năm ngoái, với 3 ca nhiễm, trong đó 2 ca tử vong. 

Guinea báo cáo 1 trường hợp tử vong vào năm 2021, nhưng virus không lây lan sang bất kỳ người nào tiếp xúc với người đó.

Virus Marburg, bắt nguồn từ dơi ăn quả, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1967 ở những người tiếp xúc với khỉ xanh châu Phi.

Các đại biểu tham dự cuộc họp của WHO đã thảo luận về 5 ứng cử viên vaccine phòng ngừa virus Marburg trong các nghiên cứu trên động vật. Ba hãng sản xuất vaccine - Janssen Pharmaceuticals, Public Health Vaccines và Sabin Vaccine Institute - cho biết có thể cung cấp vaccine để thử nghiệm trong đợt bùng phát hiện tại.

Vaccine của Janssen và Sabin đã trải qua thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vaccine của Public Health Vaccines gần đây được phát hiện có khả năng bảo vệ chống lại virus ở khỉ và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm đã cho phép thử nghiệm trên người.

WHO cho biết bước tiếp theo sẽ là triệu tập một nhóm các chuyên gia độc lập để lựa chọn ứng cử viên vaccine ưu tiên. WHO sẽ làm việc với các bác sĩ lâm sàng và quan chức y tế ở Guinea Xích đạo để xác định cách thức thử nghiệm.

Nhưng một số người tại cuộc họp đã chỉ ra rằng có thể không có đủ số ca mắc bệnh trong đợt bùng phát này để đánh giá chính xác một loại vaccine.

John Edmunds, giáo sư dịch tễ học tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London cho biết: “Nếu nhìn vào lịch sử các đợt bùng phát Marburg trong quá khứ, chúng thường khá nhỏ và các biện pháp can thiệp được đưa ra đã hạn chế quy mô của chúng”.

Nancy Sullivan, trưởng phòng nghiên cứu phòng vệ sinh học tại Trung tâm nghiên cứu vaccine của chính phủ Mỹ, cho hay ổ dịch có thể khó theo dõi do di chuyển qua biên giới. Guinea Xích đạo đã hạn chế di chuyển giữa các khu vực bị ảnh hưởng và cách ly hơn 200 người để ngăn chặn virus lây lan.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn