MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nga sản xuất 10,7 triệu thùng dầu mỗi ngày. Ảnh: Reuters

Xuất khẩu của Nga sẽ đi theo hướng nào?

Nguyễn Quang (Theo kp.ru) LDO | 14/10/2022 20:00
Bức tranh xuất khẩu của Nga sẽ thay đổi nhanh chóng bởi khó có sự nhượng bộ nào từ phương Tây trong thời gian tới.

Trước khi có các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây, năm 2021, kim ngạch ngoại thương (xuất nhập khẩu) của Nga lên tới 798 tỉ USD. Con số này cao hơn gần 40% so với năm 2020. Thêm vào đó, Nga đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 494 tỉ USD. Con số này nhiều hơn 48% so với một năm trước đó. Hơn một nửa là xuất khẩu sang Châu Âu. Nhưng năm 2022, các gói trừng phạt của phương Tây đã làm gián đoạn nguồn cung cấp, dẫn đến việc doanh nghiệp của các nước không thân thiện rời khỏi thị trường Nga.

Trong tương lai, sẽ không có sự nhượng bộ nào từ phương Tây. Điều này có nghĩa là bức tranh xuất khẩu cũng sẽ thay đổi nhanh chóng. Tình hình xuất khẩu của Nga sẽ đi theo hướng nào - thời gian sẽ trả lời. Và trong khi chờ đợi, chúng ta hãy cùng nhau xem xét phương án căn bản nhất: Điều gì sẽ xảy ra nếu Nga ngừng xuất khẩu hàng hóa của mình sang các nước phương Tây?

Dầu mỏ

Cả Nga và phương Tây đều đã sẵn sàng cho tình huống như vậy. Từ đầu tháng 12, Nga sẽ ngừng xuất khẩu dầu sang các nước không thân thiện. Dòng chảy sẽ được chuyển hướng sang các nước Châu Á, nơi Nga đã cung cấp khối lượng lớn.

Vấn đề đặt ra là: Nga sản xuất 10,7 triệu thùng dầu mỗi ngày, hơn 1/3 - tức khoảng 3,7 triệu thùng - trước đây từng được chuyển đến các nước không thân thiện. Liệu Nga có thể xuất khẩu được khối lượng trên hay không, các chuyên gia còn đang đoán già đoán non.

Phương Tây cũng chuẩn bị cho việc chấm dứt nguồn cung cấp của Nga. Thị trường Châu Âu đã phản ứng bằng cách tăng giá hàng hóa. Dầu của Nga trong tổng lượng dầu mà phương Tây tiêu thụ chỉ chiếm khoảng 16-17%, không nhiều lắm. Vì vậy, họ sẽ dễ dàng giải quyết vấn đề.

Khí đốt

Khí đốt là mặt hàng phức tạp nhất trong danh sách hàng xuất khẩu và trong tất cả các mặt hàng xuất khẩu của Nga. Phương Tây không thể từ chối khí đốt ngay lập tức, họ sẽ phải thay thế nguồn cung cấp khí đốt của Nga trong vòng 2-3 năm và Nga cũng không thể chỉ làm việc đơn giản là khóa van. Ngay cả bây giờ, dưới các lệnh trừng phạt nghiêm khắc thì mỗi ngày vẫn có 42 triệu mét khối khí đốt của Nga được cung cấp cho Liên minh Châu Âu thông qua Ukraina, tương đương 15 tỉ mét khối mỗi năm.

Sự sụt giảm khối lượng xuất khẩu khí đốt đã ảnh hưởng đến Nga. Từ ngày 1.1 đến ngày 15.9.2022, Gazprom đã sản xuất 300 tỉ mét khối khí đốt. Con số này thấp hơn 15,9% (56,8 tỉ mét khối) so với năm ngoái. Xuất khẩu sang các nước ngoài SNG đạt gần 85 tỉ mét khối - ít hơn 38,8% (giảm gần 54 tỉ mét khối) so với cùng kỳ năm 2021.

Niken

Niken rất quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp ngày nay, cả trong sản xuất thép và vật liệu kết cấu.

Tuy nhiên, nhu cầu chính của nó là công nghệ thông tin và một nền kinh tế xanh thay thế. Niken được sử dụng rộng rãi trong pin, ắc quy, trong sản xuất xe chạy điện, năng lượng gió.

Nga xuất khẩu niken không nhiều, chỉ dưới 1 tỉ USD, nhưng nếu từ chối cung cấp ngay cả khối lượng này cũng sẽ gây ra căng thẳng trên thế giới.

Nga có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc đấu tranh gay gắt trên thế giới về niken giữa các quốc gia công nghệ cao. Nhưng mặt khác, Nga không sử dụng đến một khối lượng niken như vậy. Do đó, cần phải tìm kiếm các kênh phân phối mới ở những quốc gia có các ngành công nghệ cao mà không có niken.

Vàng

Thực ra, vàng chỉ chiếm một lượng xuất khẩu nhỏ trong khối lượng toàn bộ kim ngạch ngoại thương.

Nga sản xuất khoảng 300 tấn vàng mỗi năm, hơn 80% được xuất khẩu. Trên thế giới, có 3.500 tấn vàng được khai thác. Một nửa số vàng đến với ngành trang sức. Vì những mục đích này, nó được ba nước là Trung Quốc, Ấn Độ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) sử dụng. Do đó giá cả và nhu cầu dựa trên các quốc gia này. 10-15% được gửi vào kho bạc ngân hàng. Một phần tương tự sử dụng trong ngành hàng không vũ trụ và y học. Còn một phần khác để đúc tiền...

Phương Tây cũng có đủ vàng của riêng mình. Nếu Nga cắt nguồn cung cấp thì cũng không ai bị tổn thương cả. Vàng còn được khai thác ở Trung Quốc, Mỹ, Nam Phi, Australia.

Ngũ cốc

Năm nay, Nga đạt 140 triệu tấn ngũ cốc. Nga chỉ cần sử dụng tối đa 85-90 triệu tấn để làm thức ăn chăn nuôi. Còn có thể bán 50 triệu tấn ra nước ngoài để thu ngoại tệ. Còn nếu không xuất khẩu được thì người lao động sẽ không có việc làm, dẫn đến tình trạng thất nghiệp.

Phương Tây cũng sẽ có những vấn đề, nhưng họ có thể nhập ngũ cốc của Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ... Vàng, lúa mì, dầu mỏ, dầu hướng dương không phải là vấn đề. Ở giai đoạn đầu, GDP của các nước phương Tây có thể giảm 1%, vì họ sẽ phải mua nguyên liệu thô với chi phí cao hơn. Nhưng đây không phải là vấn đề lớn. Còn với Nga, sẽ bị thâm hụt ngân sách.

Sự ràng buộc bởi chuỗi kinh tế

Nền kinh tế của các quốc gia được kết nối với nhau cả ở cấp độ quốc gia và quốc tế, và nó không chỉ được đo bằng tiền. Nếu Nga ngừng cung cấp các nguồn năng lượng cho phương Tây thì các ngành công nghiệp của Nga sẽ nhận được ít tiền hơn và mất thị trường bán hàng, bởi vì nền kinh tế của Nga đã phù hợp với phương Tây và nhu cầu của nó. Xuất khẩu của Nga chiếm đến 30% GDP. Vì vậy, nếu Nga khóa van dầu và khí đốt đến phương Tây sẽ là hành động tự trừng phạt mình bằng tất cả những hậu quả tiếp theo. Và không phải chỉ về tiền bạc mà sẽ là sự sụp đổ trong nền kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn