MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tàu chở LNG đang chờ bốc hàng tại Louisiana, Mỹ. Ảnh: Mark Felix

Xuất khẩu LNG Mỹ sang Châu Âu sẽ không lâu bền

Thanh Hà LDO | 12/09/2022 18:51
Khí đốt Mỹ đóng vai trò thiết yếu trong nỗ lực lấp đầy kho dự trữ của Châu Âu. Tuy nhiên, xuất khẩu LNG kỷ lục của Mỹ khiến giá khí đốt trong nước tăng. 

Khi Liên minh Châu Âu (EU) tăng cường trừng phạt Nga, Mỹ đã cam kết với các nhà lãnh đạo trong khối về việc sẽ có đủ khí đốt cho mùa đông. Vài tháng sau, các kho dự trữ khí đốt EU đã đầy sớm hơn kế hoạch. 

Trong khi đó, giá LNG đã tăng vọt. Trung Quốc bán lại LNG của Nga cho Châu Âu. Giá khí đốt ở Mỹ hiện cao gấp 3 lần so với một thập kỷ trước và giá khí đốt tăng tới 95% với thị trường tương lai từ tháng 11.2022 đến tháng 3.2023. Và hầu hết các nhà phân tích ở Châu Âu đang nói về một cuộc suy thoái.

Chỉ riêng LNG Mỹ là chưa đủ. Điều này đã được xác định ngay từ đầu. Nhà phân tích năng lượng David Blackmon đã nhiều lần cảnh báo từ tháng 3 rằng, có rất nhiều khí đốt trong lòng đất ở Mỹ nhưng không phải tất cả chúng đều đã được khai thác. Nói cách khác, có những ràng buộc hoàn toàn về mặt vật lý trong việc xuất khẩu khí đốt Mỹ sang Châu Âu. 

Tiếp sau đó là vấn đề giá cả. LNG của Mỹ hiện có thể cạnh tranh được là bởi thị trường khí đốt Châu Âu đang bị tác động bởi việc Gazprom Nga ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Nord Stream 1 để đáp trả các biện pháp trừng phạt. Nhưng điều đó không có nghĩa là LNG Mỹ rẻ. Giá LNG Mỹ không hề rẻ và bởi vậy hóa đơn nạp khí vào kho chứa khí đốt của EU tăng gấp 10 lần bình thường.

Mỹ trở thành nhà xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới khi việc giao hàng cho khách ở Châu Âu và Châu Á tăng mạnh. Ảnh: AFP

Có thêm một vấn đề khác về LNG Mỹ là giá LNG trong nước. Vấn đề này từng được cảnh báo từ đầu năm nay. Khi đó, công ty đầu tư Goehring & Rozencwajg dự báo giá khí đốt ở Mỹ sẽ tăng sau khi giá ở Châu Âu tăng. 

Nguyên nhân dẫn tới sự tăng giá này là do nguồn cung khí đốt nhìn chung bị siết chặt và vai trò trung tâm mới của Mỹ là nhà cung cấp lớn nhất cho Châu Âu. Ngoài ra, Goehring & Rozencwajg dự đoán sản lượng khí đốt Mỹ đã gần đạt mức ổn định. 

Hiện tại, sản xuất khí đốt đang tăng mạnh, do đó giá khí đốt đã giảm trong tuần này nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức ghi nhận trong vài thập kỷ qua. Điều đó có thể trở thành phản ứng ngăn xuất khẩu LNG mạnh hơn.

Một nhóm thống đốc từ New England đã viết thư gửi Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm vào mùa hè này yêu cầu Washington giúp đỡ các bang của họ, gồm Connecticut, Maine, Massachusetts, New Hampshire, Rhode Island và Vermont, trong việc đảm bảo đủ LNG cho mùa đông, theo Financial Times. Điều này có nghĩa là các thống đốc yêu cầu Washington giảm xuất khẩu và chuyển hướng một số LNG cho người tiêu dùng địa phương.

Tuy nhiên, giá cao hơn không phải là điều mà người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp hoan nghênh, đặc biệt là trong cuộc chiến chống lạm phát.

“Xuất khẩu LNG đã dẫn đến lạm phát tăng đáng kể do giá khí đốt và giá điện cao hơn" - nhóm Người tiêu dùng Năng lượng Công nghiệp của Mỹ (IECA) cho hay. 

Giá điện cao ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận kinh doanh và chi tiêu của người tiêu dùng như thế nào là điều có thể nhìn thấy ở Châu Âu. Dù tình hình có thể không chuyển biến tương tự ở Mỹ nhưng không có nghĩa là khả năng đó không xảy ra và Washington cũng bắt đầu lưu ý tới vấn đề này. 

Oilprice.com chỉ ra, hiện chưa có tín hiệu nào cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden chuẩn bị gây sức ép để các nhà xuất khẩu LNG giữ nhiều khí đốt ở trong nước hơn, nhất là khi việc xuất khẩu khí đốt của Mỹ bị hạn chế do nhà máy Freeport LNG ngừng hoạt động. Sức ép từ các tổ chức tiêu dùng có thể tăng lên khi bán cầu bắc chuyển dần sang mùa đông và mức tiêu thụ năng lượng tăng cao hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn