MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Ấm cúng bữa tối cùng những người lạ

Hà Nguyễn LDO | 27/03/2017 13:30
Đã lâu lắm rồi căn nhà giữa nơi hẻo lánh của vợ chồng họa sĩ mù Đinh Công Gắng (xã Yên Trung, Huyện Thạch Thất, Hà Nội) mới đông vui như hôm nay.
Từ chối những tiệc tùng liên hoan, tạm gác lại những công việc bận rộn trong ngày lễ kỉ niệm 86 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931-26.3.2017), anh Đỗ Văn Dệ - Trưởng ban mạng lưới tình nguyện phía Bắc đã cùng “đồng đội” của mình – thành viên trong nhóm Tình nguyện đến với hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện chương trình “Bữa tối cùng người lạ” đầy ý nghĩa ở một nơi cách trung tâm Hà Nội hơn 70 km.

Chia sẻ và đồng cảm

12h trưa ngày 26.3, những chiếc xe chở đồ thiện nguyện bắt đầu xuất phát. Con đường đến với gia đình bác Đinh Công Gắng ở thôn Hương, xã Yên Trung, Huyện Thạch Thất, Hà Nội “rất dài và rất xa” nhưng tất cả được rút ngắn bởi sự hào hứng, bởi trái tim nhiệt huyết của tuổi trẻ thủ đô.

Sau hơn 1 tiếng đi đường, tất cả các tình nguyện viên đã có mặt tại nhà bác. Căn nhà bác Gắng đang ở là một nơi hẻo lánh. Ở nơi đây, các căn nhà hàng xóm cách nhau gần 2 cây số. Ở nơi đây, người dân canh tác trên các thửa ruộng bậc thang. Ở nơi đây thiếu vắng tiếng cười, thiếu vắng sự ồn ào và nhộn nhịp… và cuộc sống của hai vợ chồng bác Gắng cũng leo lắt, cũng tẻ nhạt như chính không khí nơi đây bao trùm.

Các bạn tình nguyện làm vườn trồng rau.

Trước đây, bác Đinh Công Gắng (sinh năm 1958) là một họa sĩ vẽ ảnh truyền thần, được ăn học bài bản nhưng cũng vì cái nghiệp đam mê với bộ môn này mà đôi mắt của bác ngày càng yếu đi, mờ dần, rồi mù hẳn. Những ngày tháng đầu sống chung với đôi mắt mù bác Gắng “chỉ muốn tự vẫn cho xong chuyện”. Động lực giúp bác vượt qua mọi rào cản của bệnh tật đó là những tấm gương vượt khó được chiếu trên tivi. Từ đó đến nay đã 21 năm sống chung với đôi mắt mù tịt, bác Gắng vẫn đi lên rừng lấy cỏ gianh lợp nhà, vẫn đi chợ, vẫn tự nấu cơm, vẫn cơm bưng nước rót cho bác gái đầy đủ.

Chia sẻ với số phận của bác Gắng, nhưng đồng thời cũng dấy lên niềm trân trọng, niềm cảm phục một người chồng hết mực yêu thương, chăm sóc vợ. Bà Nguyễn Thị Hạnh bị thoái hóa cột sống đa tầng (từ năm 2012). Sau bao nhiêu năm chạy chữa ở các bệnh viện lớn 103, Việt Đức, Bạch Mai, hiện tại, bà Hạnh “ăn nằm” với chiếc giường, không thể đi lại, phải nằm mới ăn được cơm.

 Bà Nguyễn Thị Hạnh mắc căn bệnh thoái hóa cột sống phải nằm mới ăn được cơm.

Cảm thương cho số phận, hoàn cảnh của 2 bác, cảm mến với 2 con người dù bệnh tật nhưng luôn nâng đỡ và dìu dắt nhau. Những bạn trẻ tình nguyện đã mang đến cho căn nhà nhỏ nơi đây tiếng cười, những giọt nước mắt của sự đồng cảm và sẻ chia.

Bạn Đức Công – sinh viên tình nguyện tại trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ: “Trước 1 tuần diễn ra chương trình, mình có về xã Yên Trung để tiền trạm, khảo sát các gia đình khó khăn ở đây. Khi chứng kiến căn nhà bác Gắng, mình nghĩ rằng đây là một ngôi nhà bình thường, cũng khá khẩm, nhưng khi tấm biển “Ngân hàng Viettinbank đã tài trợ xây dựng căn nhà” đập vào mắt và những câu chuyện đằng sau đó khiến cảm xúc trong mình vỡ òa. Ngay lập tức, mình rút điện thoại báo cáo hoàn cảnh của gia đình bác cho anh Dệ và được anh thông qua”.

Đến với gia đình, các bạn trẻ làm ấm lại mảnh đất vườn để trồng rau, những vật dụng trong căn nhà bếp. Không những thế, khi biết được chương trình diễn ra đã có rất nhiều mạnh thường quân gửi gắm những món quà là chiếc tủ đựng quần áo, là chiếc máy lạnh, cái ti vi cũ làm quà cho gia đình.

Ấm cúng với “Bữa tối cùng người lạ”

Sau khi công việc trồng rau đã xong, các bạn tình nguyện viên đi chợ để chuẩn bị cho bữa tối. Đây sẽ là một bữa tối lạ, khi ăn cơm cùng với những con người lạ, điều đó càng làm cho chúng ta trân quý hơn những giây phút khi được làm tình nguyện, khi được ở bên nhau.

Một không khí tấp nập chưa từng có đã diễn ra tại căn nhà nhỏ của bác Gắng, nơi bốn bề là núi rừng. Bác Đinh Công Gắng chia sẻ trong giọt nước mắt: Cảm ơn các cháu, cảm ơn các cháu đã bỏ hết công việc của ngày kỉ niệm 86 năm thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh để đến với 2 bác, với những con người có hoàn cảnh khốn khó nơi đây.

Những món quà từ các mạnh thường quân gửi tới gia đình bác Gắng.

Hơn 7h tối, tất cả mọi người vây quanh trong bữa cơm tối ấm nóng, chan chứa tình thương.  Những câu hỏi về cân nặng, chiều cao của bác Gắng với các bạn tình nguyện viên làm cho bữa ăn rộn vang tiếng cười. Mỗi con người trong bữa tối chẳng hề quen biết nhau, chính tình nguyện đã mang họ đến gần nhau, từ xa lạ thành gần và thương quý nhau.

Một “bữa tiệc” nhạc cũng được thắp lên nơi núi rừng vời vợi này. Không khí lạnh lẽo được xua tan, nhường chỗ cho tiếng đàn hát, tiếng sáo du dương...

Bữa tối đang được các bạn Tình nguyện viên chuẩn bị.

Đứng đằng sau chương trình thiện nguyện, nhận hết trách nhiệm cho chuyến đi, anh Đỗ Văn Dệ - Trưởng ban mạng lưới tình nguyện phía Bắc - cho biết: “Mong muốn của mình là mang đến sự sẻ chia tình cảm của các thế hệ trẻ với những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với gia đình bác Gắng nói riêng và những cảnh đời còn khốn khó khác nói chung. Qua chương trình, mình mong hai bác tiếp tục sống, giữ gìn sức khỏe tốt để tiếp tục với những công việc còn dang dở”.

Bữa cơm chan chứa tình thương của những con người lạ sưởi ấm nhau.

Gần 10h khuya, cả đoàn tình nguyện chia tay ra về. Người ra đi lòng xao xuyến, người ở lại nước mắt lưng tròng. Không biết bao giờ mới có dịp quay trở lại nơi đây, nhưng những kỉ niệm đó mãi mãi chẳng thể nào quên. Bác Gắng mò mẫm bước ra thềm, dựa vào cột nhà lặng lẽ tiễn đoàn tình nguyện, lắng nghe tiếng còi xe rú lên xa mãi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn